Thống đốc bật mí nhiều tin “sốc” về thị trường tiền tệ

(ĐTCK) Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chia sẻ một số thông tin tương đối “sốc” về thị trường tiền tệ, nhưng cho thấy triển vọng tương lai sáng sủa.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình

Tái cấu trúc hệ thống, mất 5 - 10 năm

Thời gian gần đây tái diễn hiện tượng lách trần lãi suất huy động, thỏa thuận ngầm lãi suất, cho thấy thanh khoản của các ngân hàng này có vấn đề?

Vấn đề thanh khoản đã được NHNN lường đón được từ trước. Khó khăn thanh khoản bắt nguồn chủ yếu từ lý do cơ cấu kỳ hạn không hợp lý. Cả một thời gian dài vừa qua, hệ thống huy động chủ yếu là ngắn hạn, người gửi tiền hiếm gửi 3 - 5 năm, mà thường chọn kỳ hạn 1 - 3 tháng. Trong khi đó, nhiều TCTD lại cho vay trung - dài hạn, với tỷ trọng khá cao.

NHNN đã quy định các TCTD chỉ được sử dụng tối đa 30% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn (trước năm 2010 là 40%), nhưng việc tuân thủ còn yếu, việc xử lý cũng chưa mạnh. Thực tế này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi thanh khoản của nền kinh tế dồi dào thì không sao, bởi có thể huy động qua các kênh khác để bù đắp, nhưng khi chính sách tiền tệ được thắt chặt, ngân hàng lập tức rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản.

 

Việc NHNN liên tục bơm ròng qua thị trường mở thời gian qua phải chăng là để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng?

Đúng là như vậy, song đó chỉ là giải pháp tình thế. Nhiều học giả khuyến nghị NHNN nên bơm tiền ào ạt. Điều này không có gì là quá ghê gớm, cũng giống như hạn thì phải bơm nước. Nhưng còn nhiều vấn đề khác nữa. Bởi nếu không thay đổi được “tập quán” hoạt động của các TCTD thì bơm bao nhiêu cho đủ? Nếu dòng vốn không chảy đúng địa chỉ thì còn nguy hại hơn và tạo ra áp lực lạm phát. Vì vậy, trước khi bơm tiền ra cần phải thay đổi “tập quán” này.

Việc cho vay phải phù hợp với quy mô, cơ cấu nguồn vốn và dòng vốn phải tập trung cho sản xuất. Muốn vậy, trước hết phải tái cấu trúc hệ thống NHTM. Tuy nhiên, đây là một quá trình lâu dài, có thể tới 5 - 10 năm và cần phải có những bước đi rất cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn. Trước mắt, từ năm 2012, sẽ tập trung tái cấu trúc TCTD yếu kém để tránh gây ảnh hưởng tới hệ thống. Khi đó, việc bơm tiền ra sẽ hiệu quả hơn.

 

Khi thanh khoản còn khó khăn thì làm sao hạ được lãi suất theo mục tiêu của Chính phủ?

Cái khó nhất trong điều hành chính sách tiền tệ năm nay là làm sao hạ được lãi suất. Bởi thông thường, tiền nhiều, nhu cầu về tiền giảm thì mới hạ được lãi suất. Thế nhưng, giờ ai cũng thiếu thanh khoản, ai cũng cần vốn thì giá vốn làm sao giảm được? Vì thế, muốn giảm lãi suất phải cung thêm tiền. Nhưng như tôi đã nói ở trên, nếu không làm tốt việc cơ cấu lại hoạt động của các TCTD thì dù có cung thêm tiền, lãi suất cũng khó giảm.

Hiện lạm phát đang có chuyển biến, đây nền tảng để có thể giảm lãi suất. Nhưng lạm phát không phải là yếu tố quyết định duy nhất, mà vấn đề là phải đảm bảo thanh khoản.

 

 Thống đốc bật mí nhiều tin “sốc” về thị trường tiền tệ ảnh 1

 

Không thể bỏ trần lãi suất trước tháng 6

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ khơi thông dòng vốn chảy vào ngân hàng và thanh khoản được cải thiện. Khi đó, lãi suất sẽ giảm theo lạm phát?

Như tôi đã phân tích ở trên, do tình trạng thiếu thiếu thanh khoản cùng những bất cập trong hoạt động của các TCTD đã đẩy mặt bằng lãi suất lên cao. Nếu để tự do, nhu cầu vốn cao sẽ đẩy lãi suất huy động tăng, kéo theo lãi suất cho vay tăng. Điều này gây khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, NHNN mới quy định trần lãi suất huy động, đảm bảo hệ thống ngân hàng huy động ở một mức nhất định, cho vay ra ở mức lãi suất chấp nhận được. Để đồng bộ, NHNN cũng đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng, khi cầu về vốn của hệ thống có giới hạn sẽ có thêm cơ sở để giảm lãi suất.

Song việc quy định trần lãi suất chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài cần phải xóa bỏ trần lãi suất. Muốn vậy, cần phải giảm dần quy mô của thị trường tiền tệ, đưa thị trường hoạt động theo đúng chức năng của nó. Thời gian qua, hoạt động của các TCTD còn nhiều bất cập, dẫn đến thanh khoản gặp khó khăn, nên phải tăng cao lãi suất để huy động vốn bù đắp. Thực tế này đã biến hệ thống ngân hàng từ kênh cung vốn cho nền kinh tế trở thành kênh đầu tư của nền kinh tế và lấn át vai trò của thị trường vốn.

Trong khi đó, về nguyên tắc, thị trường tiền tệ không đặt vấn đề lãi suất thực dương. Thị trường tiền tệ chỉ là kênh tiền gửi tạm thời nhàn rỗi và là nơi cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngân hàng. Còn nếu muốn có lợi nhuận cao thì tìm đến các kênh đầu tư, sản xuất - kinh doanh..., chứ không phải gửi ngân hàng.

Mục tiêu cuối cùng của tái cấu trúc là đưa thị trường tiền tệ trở về đúng vai trò của nó. Nếu làm được điều đó thì nhất định không có trần lãi suất, không còn chuyện căng thẳng, khó khăn thanh khoản. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đến hết tháng 6/2012, việc bỏ trần lãi suất là không thể.

 

Năm 2011 có thể xem là năm thành công của NHNN trong việc điều hành tỷ giá. Vậy việc điều hành tỷ giá sẽ thế nào trong năm 2012, thưa Thống đốc?

Kể từ thời điểm NHNN điều chỉnh mạnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tới 9,3% vào ngày 11/2/2011, đến cuối năm, tỷ giá bình quân liên ngân hàng chỉ tăng có 0,978%. Có thể nói, tỷ giá cơ bản ổn định trong một môi trường còn nhiều khó khăn.Điều này không hoàn toàn do nguồn ngoại tệ vào nhiều, mà do cân đối vĩ mô ổn hơn, những dòng vốn hiệu quả hơn. Nếu tháng 8/2011 giá vàng không chao đảo thì giai đoạn tháng 4 - 8/2011, VND đã lên giá. Thời điểm đó, NHNN liên tục mua vào USD, nhưng mua theo giá “lưng chừng”, vì không muốn VND lên giá quá mạnh. Nhờ đó, dự trữ ngoại hối tăng thêm hàng tỷ USD.

Chính sách của NHNN trong thời gian tới là đảm bảo vị thế cho VND, cho lợi ích nắm giữ VND. Trên cơ sở phân tích kinh tế vĩ mô, trong năm 2012, nếu không có những cú sốc lớn, thì có thể khẳng định thị trường ngoại hối sẽ ổn định. Tỷ giá dự kiến chỉ tăng 2 - 3%. Bên cạnh đó, dự báo cán cân thanh toán tổng thể có thể thặng dư khoảng 3 tỷ USD.

Phát biểu tại Hội nghị Kinh tế đối ngoại Việt Nam lần thứ 3 chiều 11/1, Thống đốc NHNN cho biết, trong quý I/2012, đặc biệt ngay sau Tết Nguyên đán sẽ có một số trường hợp tương tự câu chuyện tái cấu trúc của 3 ngân hàng SCB, Đệ Nhất và Việt Nam Tín Nghĩa diễn ra. Hình thức có thể khác nhau, đa dạng hơn như hợp nhất, mua bán, nhưng dự kiến sẽ có từ 5 đến 8 ngân hàng được sáp nhập trong năm 2012 trên cơ sở tự nguyện, theo pháp luật. Những bước đi cụ thể đã nằm trong sự chuẩn bị của NHNN cũng như của chính bản thân các TCTD phải tiến hành hợp nhất, mua lại.

Nhuệ Mẫn lược ghi
Nhuệ Mẫn lược ghi

Tin cùng chuyên mục