"Soi" lại thị trường tiền tệ

(ĐTCK) Tuy đạt được một số kết quả trong kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, nhưng thị trường tiền tệ vẫn tồn tại nhiều bất ổn.
"Soi" lại thị trường tiền tệ

"Chóng mặt" với lãi suất

Năm 2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kiểm soát được tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 10%, tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng khoảng 12%; trong đó, ước tính đến thời điểm cuối năm, tín dụng VND tăng 10,2%; tín dụng ngoại tệ tăng 18,7%. Tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất tăng 15,7%. Tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất giảm 20%.

Để đạt được các con số trên, các mức lãi suất điều hành đã được điều chỉnh hợp lý, phản ánh vai trò người cho vay cuối cùng của NHNN. Từ tháng 9, lãi suất tái cấp vốn tăng lên 15%/năm và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng lên 16%/năm. Mặc dù trong tháng 10, lãi suất thị trường liên ngân hàng có áp lực tăng, nhưng tính đến ngày 14/12, lãi suất kỳ hạn qua đêm ở mức 14 - 14,5%/năm; 1 tuần ở mức 15 - 16%/năm; 2 tuần ở mức 16 - 17%/năm; 1 tháng ở mức 18 - 19%/năm.

Trong 8 tháng đầu năm, lãi suất huy động và cho vay VND luôn ở mức cao, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) có lãi suất huy động thực tế trên 14%/năm thông qua việc "lách" các quy định của NHNN. Chi phí vốn cao đã đẩy lãi suất cho vay của các TCTD đối với các DN có thời điểm lên tới 28%/năm, khiến các DN đình trệ sản xuất. Theo thống kê, có tới gần 50.000 DN đã phá sản, ngưng hoạt động hay sáp nhập trong năm 2011. Với việc tăng cường thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và các giải pháp khơi thông vốn, phần lớn NHTM đã thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động.

Tuy nhiên, lãi suất cho vay của nhiều TCTD vẫn ở mức cao, ngoại trừ một số chương trình cho vay ưu đãi đối với một ngành nghề và tại một số NHTM quốc doanh có tính thanh khoản tốt, đóng vai trò đầu tàu trong việc giảm lãi suất cho vay. Ở thời điểm cuối năm, các DN vừa và nhỏ vẫn phải chịu mức lãi suất trung bình 20 - 22%/năm. Nhiều ngân hàng đang trở lại cuộc chạy đua lãi suất và trần lãi suất huy động lại tiếp tục vượt 14%/năm, khiến nhiều người nghi ngại, chưa biết rồi đây các ngân hàng sẽ hạ lãi suất cho vay thế nào.

 "Soi" lại thị trường tiền tệ ảnh 1

Năm 2011, lãi suất cao và thanh khoản thấp khiến tín dụng NH tăng trưởng dưới chỉ tiêu

"Sốc" thị trường ngoại hối

Ngày 11/2/2011, NHNN tăng tỷ giá USD/VND từ 18.932 lên 20.693 và thu hẹp biên độ giao dịch từ ± 3% xuống ±1%. Điều này có nghĩa, đồng Việt Nam giảm giá 9,3% so với USD. Sau đó, tỷ giá ngoài thị trường tự do đã có biến động mạnh, một số thời điểm tỷ giá lên mức 22.000 VND/USD.

Tuy nhiên, sau cú "sốc" này, áp lực tỷ giá USD/VND đã giảm hẳn, thị trường ngoại hối tỏ ra ổn định và không gây ra những biến động lớn. Nhiều thời điểm, tỷ giá thị trường tự do giảm thấp hơn so với thị trường chính thức, tỷ giá liên ngân hàng cũng liên tục giảm.

Sự ổn định trên là thành quả của việc điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, kết hợp với thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ trong nước, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD của tổ chức và cá nhân tại TCTD đã góp phần làm giảm tình trạng đô - la hóa, tăng niềm tin vào đồng tiền Việt Nam. Đặc biệt, NHNN cho biết, từ tháng 4 đến giữa tháng 8/2011 đã mua được khối lượng ngoại tệ khá lớn để bổ sung cho dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, với mức tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tính đến cuối năm 2011 đạt xấp xỉ 19% và tiền gửi tăng khoảng 8% so với đầu năm, cho thấy tình trạng đô - la hóa vẫn còn. Đặc biệt, việc NHNN "neo một cách cơ học" tỷ giá trong gần hai tháng rồi chỉ trong nửa đầu tháng 10/2011 đột ngột liên tiếp tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng được các chuyên gia kinh tế nhìn nhận là tỷ giá sẽ gặp phải những áp lực lớn đầu năm 2012. Nguyên nhân bởi hàng nhập khẩu trước Tết vẫn tiếp tục tăng, nhiều món nợ bằng ngoại tệ của khách hàng với ngân hàng và của ngân hàng với các chủ nợ nước ngoài đã được điều đình để trì hoãn đến đầu năm 2012. Tỷ giá khó có thể giữ vững ở mức hiện nay nếu chỉ số lạm phát vẫn cao và niềm tin của dân chúng vào đồng tiền Việt Nam chưa thực sự được phục hồi.

 

Bất ổn thị trường vàng

Trong năm 2011, giá vàng đã tăng khoảng 25%, mức tăng cao nhất đạt 40% khi giá vàng đạt đỉnh 49,2 triệu đồng/lượng vào ngày 23/8, khoảng cách giữa giá vàng trong nước với thế giới xấp xỉ 2 triệu đồng/lượng và được gọi là "ngày thứ Hai điên rồ". Ngay sau đó, NHNN cho nhập khẩu 5 tấn vàng nhưng không làm giá vàng giảm mạnh, thậm chí đến cuối tháng 9, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới gần 4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng mạnh tiếp tục đẩy nhu cầu mua lên cao, phần nào tạo áp lực khiến NHNN phải cho phép SJC và 5 NHTM là Sacombank, ACB, Techcombank, DongABank và Eximbank được bán vàng bình ổn, với lượng vàng bán ra đạt trên 10 tấn trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, những ngày cuối năm, một vài ngân hàng bán vàng bình ổn đã từ chối bán vàng cho dân với lý do hết vàng.

Dự thảo quản lý thị trường vàng của NHNN đã được công bố nhằm lấy ý kiến rộng rãi của các thành phần kinh tế, trong đó quy định mới và quan trọng là sẽ siết lại việc sản xuất vàng miếng, việc dập vàng miếng tập trung về một đầu mối SJC và NHNN chủ trương dùng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. Tuy nhiên, việc sử dụng một thương hiệu vàng miếng duy nhất là SJC đã khiến cho vàng miếng của thương hiệu này bị khan hiếm. Người dân thay vì mua các thương hiệu vàng miếng khác nhau để tích trữ thì giờ đây đổ dồn sang mua vàng thương hiệu SJC...

Tuần cuối cùng của năm 2011, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới trên 2 triệu đồng/lượng. Việc ban hành Nghị định quản lý thị trường vàng đang được công chúng chờ đợi, để sớm có những giải pháp căn cơ hơn, giúp thị trường vàng đi vào ổn định.

 

"Bất ngờ" tái cấu trúc ngân hàng

Những tháng cuối năm 2011 được nhìn nhận là thời điểm cần thiết phải tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng bởi tính thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ có lúc đã chạm đáy nguy hiểm, đẩy lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng lên đến 30 - 40%/năm (bao gồm cả lãi phạt vì quá hạn). Nhiều ngân hàng không còn cho vay tín chấp mà đòi hỏi phải có thế chấp, một sự việc không có tiền lệ và  cho thấy lòng tin giữa các ngân hàng với nhau xuống tới mức báo động.

Tuy nhiên, điều "bất ngờ" thể hiện ở chỗ tiến trình tái cấu trúc đã được thực thi một cách mau lẹ. Đầu tháng 12/2011, NHNN đã  hỗ trợ việc hợp nhất ba NHTM là Ficombank, TinNghiaBank và SCB. Một số ngân hàng cũng đang được đưa vào tầm ngắm đặc biệt của NHNN và thị trường trong quá trình tái cấu trúc.

Nhưng điều quan trọng nhất mà thị trường chờ đợi ở NHNN là quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được tiến hành một cách minh bạch, công khai. Bởi việc hợp nhất, sáp nhập các ngân hàng vốn là điều không dễ ở thị trường Việt Nam. Hơn thế, việc gộp các ngân hàng bé và yếu lại với nhau sẽ khó cho ra kết quả một ngân hàng lớn và khỏe. Đó là chưa kể đến những xung đột quyền lợi, tranh giành quyền lực làm ngân hàng suy yếu hơn, không tạo niềm tin cho người dân gửi tiền vào ngân hàng. Chắc chắn, câu chuyện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng không phải là điều dễ dàng và NHNN cần hết sức thận trọng.

Rõ ràng, chính sách tiền tệ đã được điều hành một cách linh hoạt và hiệu quả trong việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng và cung tiền, phần nào tạo sự ổn định trên thị trường ngoại hối sau đợt phá giá tiền đồng đầu năm 2011. Tuy nhiên, chỉ số lạm phát cùng mặt bằng lãi suất ở mức cao nhất trong khu vực đang chứng tỏ các nhà quản lý chưa hoàn toàn làm chủ được tình hình thị trường tiền tệ... Những thành quả và hạn chế trong năm 2011 sẽ là tiền đề cho những chính sách và kế hoạch hành động của các nhà quản lý trong năm 2012, nhất là khi ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung đang bước vào công cuộc tái cấu trúc. 

Nhuệ Mẫn
Nhuệ Mẫn

Tin cùng chuyên mục