Nhiều nhà băng tăng trích lập dự phòng ngay từ quý I

(ĐTCK) Dù đã nỗ lực đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nhưng việc phát mãi tài sản không dễ dàng, cộng với nợ nhóm 3 (dư nợ dưới tiêu chuẩn) có xu hướng tăng khiến các nhà băng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro trong quý I/2018.
Nhiều nhà băng tăng trích lập dự phòng ngay từ quý I

Tăng trích lập dự phòng

Một trong số các ngân hàng trích lập dự phòng nhiều nhất trong quý đầu năm nay là BIDV. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý I/2018, các nguồn thu của Ngân hàng đều tăng trưởng, nhưng chi phí dự phòng đã ăn mòn 70% lợi nhuận trước trích lập, với số tiền lên tới 6.000 tỷ đồng. Do đó, BIDV báo lãi trước thuế gần 2.500 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 8,5%. Tính đến cuối quý I, tỷ lệ nợ xấu của BIDV ở mức 1,62%, đi ngang so với quý trước đó.

OCB cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018, với tổng thu nhập từ các hoạt động kinh doanh đạt 1.157 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí dự phòng tăng 89% lên 140 tỷ đồng. Con số nợ xấu tuyệt đối tại OCB tăng 253 tỷ đồng lên 1.117 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ nợ nhóm 3 tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,79% vào cuối năm 2017 lên 2,13% cuối quý I/2018.  

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào cuối tháng 3/2018, lãnh đạo OCB cho biết, ngân sách trích lập năm 2018 là 500 tỷ đồng (gồm 20% nợ xấu VAMC trích theo quy định và nội bảng), nhưng nhiều khả năng sẽ thu hồi được toàn bộ nợ xấu 728 tỷ đồng trái phiếu VAMC và không phải trích lập dự phòng. Tuy nhiên, Ban điều hành Ngân hàng chưa đưa yếu tố này vào dự toán lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng năm 2018.

Ở chiều ngược lại, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giữ ở mức thấp 0,7% chính là lý do dự phòng của ACB giảm trong quý I/2018. Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý I cho thấy, trong quý, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng đạt 2.373 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí hoạt động trong 3 tháng đầu năm là 1.679 tỷ đồng, tăng 14%, trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm sâu chỉ còn 134 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi chi phí dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 1.490 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, ACB đã hoàn thành được 26% kế hoạch năm 2018 (mục tiêu lợi nhuận 5.699 tỷ đồng).

Chưa thể đẩy nhanh xử lý nợ

Nhận định được đưa ra từ một chuyên gia tài chính cho rằng, Nghị quyết 42 đã cho phép các tổ chức tín dụng bán nợ xấu thấp hơn giá trị sổ sách, nhưng cả VAMC và các ngân hàng thương mại vẫn rất thận trọng khi đưa ra giá bán và khó đưa mức giá khởi điểm thấp, bởi lo ngại rủi ro trách nhiệm khi bị thanh tra hoặc kiểm toán đặt vấn đề làm thất thoát vốn nhà nước.

TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, ngân hàng cũng nhận định, để đưa ra được giá khởi điểm khi bán đấu giá nợ xấu, các bên liên quan phải thống nhất được với nhau. Trường hợp con nợ và ngân hàng không thống nhất được thì các bên có thể kiện ra tòa. Khi đó tòa án có thể áp dụng Nghị quyết 42 để xử theo thủ tục rút gọn. Nhưng ngay cả khi có bản án thì việc thi hành án lại tiếp tục rơi vào tình trạng luẩn quẩn là không thống nhất được giá bán để thanh lý tài sản.

Chính điều này khiến quá trình xử lý nợ cũ tại các ngân hàng chưa thể đẩy nhanh, trong khi nợ xấu mới tiếp tục phát sinh khiến gánh nặng dự phòng rủi ro chưa thể giảm, ngược lại còn tăng tại một số ngân hàng.

Tuy nhiên, nhìn chung, khả năng sinh lời của nhiều ngân hàng đang ở mức rất cao, nên rủi ro đối với vấn đề xử lý nợ chưa quá đáng ngại. Điều này được chứng minh qua kết quả kinh doanh đạt được trong quý đầu năm nay, khi không ít nhà băng báo lãi lên tới nghìn tỷ đồng.

Theo đó, Vietcombank ghi nhận 4.359 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2018, cao gấp rưỡi cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 31% kế hoạch cả năm. VietinBank báo lãi hơn 3.000 tỷ đồng, cao hơn 20% so với cùng kỳ.

VPBank báo đạt lợi nhuận trước thuế gần 2.620 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, tăng 36%. MB đạt lợi nhuận trước thuế 1.746 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. HDBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.045 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ 2017. Sacombank, TPBank, VIB, LienVietPostBank cũng đã có thông tin kết quả hoạt động quý I với lợi nhuận trên 500 tỷ đồng…

Cũng trong quý đầu năm 2018, nhiều ngân hàng đã công bố các chỉ số hiệu quả kinh doanh ở mức rất cao. Trong số đó, HDBank có ROA đạt 1,5%, ROE 19,2%. Tương tự, các chỉ số ROA và ROE của VPBank lần lượt là 3,3% và 34,2%, trong khi ROA của VietinBank là 1,12% và ROE đạt 15,33%.                

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục