Ngân hàng kêu không đủ khả năng cung cấp dịch vụ quản lý dòng tiền

(ĐTCK) Do chưa có các khuôn khổ pháp lý và hướng dẫn cụ thể của NHNN, các ngân hàng không có đủ khả năng cung cấp dịch vụ quản lý dòng tiền cho khách hàng. Đây là một trong những nội dung kiến nghị của nhóm ngân hàng sáng nay (5/11) tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - VBF.
Ngân hàng kêu không đủ khả năng cung cấp dịch vụ quản lý dòng tiền

Sáng nay (5/12) đã diễn đàn doanh nghiệp thường niên (VBF) 2016, với chủ đề “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân - Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế Việt Nam”.

Phát biểu tại diễn đàn, Trưởng nhóm Công tác Ngân hàng (BWG), ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) cho rằng, nhờ kinh tế ổn định và chi phí lao động cạnh tranh, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất đã và đang tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Các doanh nghiệp này sẽ tận dụng các hiệp định thương mại hiện nay để khai thác thị trường tiêu dùng lớn của Việt Nam với dân số hơn 96 triệu cùng cơ hội xuất khẩu sang các nước khác.

Ông Hải cho biết, “Việt Nam hiện đang là tâm điểm trong khu vực về mặt thu hút đầu tư FDI. Lợi thế này sẽ tạo đà cho Việt Nam tiến hành cải cách và giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống."

"Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy cải cách trong lĩnh vực ngân hàng, cổ phần hóa danh nghiệp nhà nước, cải cách hành chính để tạo cơ hội kinh doanh và cải thiện sản xuất”, ông Hải nhấn mạnh.

Theo ông Hải, nhìn vào sự kiện Brexit và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã tạo ra nhiều bất ổn chính trị, việc tiếp tục phát triển mạnh kinh tế trong nước, cải thiện chuỗi giá trị, đầu tư vào công nghệ, nâng cấp giá trị các sản phẩm xuất khẩu là rất thiết yếu đối với Việt Nam.

Việc các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI cũng rất quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho Việt Nam và ngân hàng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và cải thiện chuỗi giá trị.

Để phát triển một hệ thống ngân hàng lành mạnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, ông Hải đã đưa đưa ra các kiến nghị:

Thứ nhất, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào các dự án lớn đều đặc biệt quan tâm và có nhu cầu quản lý một cách hiệu quả rủi ro ngoại hối và lãi suất.

“BWG kiến nghị NHNN tiếp tục phát triển khuôn khổ pháp lý và các công cụ phái sinh, phòng ngừa rủi ro nhất định. Các công cụ phòng ngừa rủi ro sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước chủ động quản lý các rủi ro thị trường và thúc đẩy quá trình hội nhập vào thị trường quốc tế”, ông Hải nói.

Ngân hàng kêu không đủ khả năng cung cấp dịch vụ quản lý dòng tiền ảnh 1

 Ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và cải thiện chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI

Thứ hai, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Theo Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản hướng dẫn, TCTD và tổ chức khác được phép hoạt động ngoại hối có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và các chứng từ phù hợp với các giao dịch thực tế. Từ đó, đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

“Chúng tôi xin kiến nghị rằng nên đơn giản hóa thủ tục giấy tờ và chứng từ cho giao dịch ngoại hối thông qua: nâng cấp cơ sở dữ liệu hiện có (ví dụ như hệ thống hải quan điện tử) và/hoặc xác định rõ trách nhiệm của khách hàng về tính chính xác và trung thực của các thông tin và chứng từ thanh toán mà mình cung cấp. Việc này sẽ giúp giảm tải chi phí và thời gian cho cả khách hàng và ngân hàng”, ông Hải nói.

Thứ ba, kết chuyển và cân bằng tiền mặt và cho vay giữa các công ty trong cùng tập đoàn.

Cho phép các công ty quản lý thanh khoản tốt hơn, giảm chi phí (trong trường hợp cho vay giữa các công ty, do chi phí thấp hơn vay thấu chi từ ngân hàng), hoặc tối đa hóa phần lãi tiền gửi (áp dụng trong trường hợp kết chuyển và cân bằng tiền mặt, do ngân hàng có thể cung cấp lãi suất tốt hơn, nếu số dư cuối ngày/qua đêm vượt trên một mức nhất định).

Ông Hải cho biết, hiện nay, do chưa có các khuôn khổ pháp lý và hướng dẫn cụ thể của NHNN về các sản phẩm nêu trên, các ngân hàng không có đủ khả năng cung cấp dịch vụ quản lý dòng tiền cho khách hàng. Điều này sẽ khiến khách hàng, đặc biệt là các công ty đa quốc gia với nhiều công ty con và chi nhánh không được tiếp cận với các công cụ quản lý thanh khoản hiệu quả.

“Chúng tôi đề nghị NHNN xây dựng khung pháp lý cho hoạt động quản lý dòng tiền để các ngân hàng trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ này cũng như hỗ trợ cho khách hàng.Việc này sẽ giúp nâng cao hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước”, ông Hải nhấn mạnh.

Sớm xây dựng đường cong lãi suất ngắn hạn

Đại diện NHNN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc cho biết, NHNN thường xuyên có cuộc trao đổi với BWG để lắng nghe ý kiến như cuộc họp chi tiết, đầy hiệu quả vào cuối tháng 11 vừa qua.

Đối với 3 nhóm vấn đề BWG đề xuất, bà Hồng trả lời như sau:

Thứ nhất về khuyến nghị phát triển khuổn khổ pháp lý phòng ngừa rủi ro và trong đó có các sản phẩm phái sinh như hình thành đường cong lãi suất ngắn hạn.

Hiện các văn bản pháp lý của NHNN đã có quy định về các sản phẩm phái sinh, về lãi suất và hiện đang trong giai đoạn cuối để hoàn thiện; thông tư hướng dẫn về phái sinh giá cả hàng hóa và tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm để phòng ngừa rủi ro trên thị trường.

Về câu chuyện đường cong lãi suất ngắn hạn, bà Hồng cho biết, hiện NHNN cũng đang tích cực đánh giá tổng quan thị trường tiền tệ cũng như xác định lãi suất đại diện tiến tới xây dựng đường cong lãi suất ngắn hạn.

Bà Hồng chia sẻ, hiện trên thị trường tiền tệ có nhiều cải thiện. Trước đây, huy động tiền gửi của tổ chức tín dụng rất ngắn, chỉ vài ngày, một tuần, một tháng gây khó khăn cho quản lý thanh khoản và điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Tuy nhiên, thời gian qua, nhờ sự phối hợp đồng bộ các công cụ và điều hành quyết liệt, thị trường đã ổn định trở lại, hiện các mức lãi suất ngắn hạn đã có đường cong và các TCTD huy động được nguồn vốn dài hạn hơn.

Bà Hồng nói: "Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát thanh khoản và điều hành chính sách của NHNN".

Nhờ sự phối hợp đồng bộ các công cụ và điều hành quyết liệt, thị trường tiền tệ đã ổn định trở lại, hiện các mức lãi suất ngắn hạn đã có đường cong và các TCTD huy động được nguồn vốn dài hạn hơn

 - Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN

Thứ hai, đối với việc giảm thủ tục hành chính liên quan đến việc thực hiện giao dịch ngoại hối. Trên thực tế các giao dịch ngoại hối liên quan luồng tiền vào ra, các văn bản ngoại hối quy định chặt chẽ để làm sao các tổ chức cá nhân tham gia giao dịch ngoại hối phải chứng minh được tính hợp pháp của các giao dịch.

Tại cuộc họp cuối tháng 11 vừa qua, NHNN đã ghi nhận các ý kiến và chỉ đạo các TCTD phối hợp với Bộ Tài chính và thủ tục hải quan để tăng cường kết nối trên cơ sở tờ khai hải quan những vấn đề này.

“NHNN thấy rằng cần phải xem xét rất kỹ lưỡng và phải đảm bảo đủ căn cứ pháp lý và phù hợp với quy định hiện hành và làm sao đạt được mục đích quản lý ngoai hối tránh phát sinh dòng tiền chuyển vào - ra vi phạm pháp luật”, bà Hồng nói.

Thứ ba, với kiến nghị phát triển các sản phẩm quản lý dòng tiền. Đại diện NHNN cho biết, trên thực tế các kiến nghị này phát sinh từ nhu cầu cho vay giữa các công ty của tập đoàn thông qua hoạt động ủy thác của ngân hàng tại NHNN.

Về nguyên tắc, NHNN ủng hộ cần phát triển thị trường tài chính với các sản phẩm có chất lượng cao, đem lại nhiều tiện ích nâng cao hiệu quả hoạt động cho khách hàng và doanh nghiệp nhưng vẫn cần tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật.

Với ủy thác, NHNN đã có thông tư 30 quy định cụ thể về các khái niệm doanh nghiệp cùng tập đoàn cho vay nhau liên tục có mục đích sinh lời phải phụ thuộc vào khái niệm kinh doanh của luật kinh doanh…

“Vấn đề này NHNN ghi nhận, tiếp tục cùng BWG và các bộ liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp để xem xét vấn đề này”, bà Hồng nhấn mạnh.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục