Mùa đại hội ngân hàng 2018: “Nóng” câu chuyện an toàn tiền gửi

(ĐTCK) Sau những sự cố “bỗng dưng” mất tiền, mối quan tâm của khách hàng và cổ đông tại mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng năm nay đã phần nào dịch chuyển từ cổ tức hay nợ xấu sang câu chuyện an toàn tiền gửi…
Từ mùa ĐHCĐ năm 2017, có không ít cổ đông ngân hàng quan tâm đến vấn đề an toàn tiền gửi. Từ mùa ĐHCĐ năm 2017, có không ít cổ đông ngân hàng quan tâm đến vấn đề an toàn tiền gửi.

Tạm lắng chuyện nợ xấu

Tại các mùa ĐHCĐ trước đây, xử lý nợ xấu thường là vấn đề được cổ đông rất quan tâm. Tuy nhiên, năm nay, câu chuyện này dường như đã tạm lắng xuống. Điều này cũng là dễ hiểu bởi năm 2017, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã hoàn thiện thể chế về xử lý nợ xấu, thể hiện ở việc Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) và đặc biệt là ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.

Với Nghị quyết 42/2017, hoạt động xử lý nợ xấu đã có những bước tiến mạnh mẽ. Nghị quyết này đã thông qua việc hỗ trợ pháp lý cho quá trình xử lý khối tài sản bảo đảm đằng sau những khoản nợ xấu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động mua bán nợ của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), đồng thời cho phép các ngân hàng linh hoạt phân bổ lãi dự thu và chênh lệch khi mua bán nợ xấu.

Sau khi Nghị quyết 42/2017 có hiệu lực, các TCTD đã tích cực rà soát các khoản nợ, phân loại nợ, phối hợp với các đơn vị có liên quan để xử lý nợ xấu và bước đầu đã đạt được kết quả tích cực.

Thông tin từ NHNN cho biết, đánh giá sơ bộ bước đầu, tính đến 30/11/2017, toàn hệ thống xử lý được 39.900 tỷ đồng và ước tính đến 31/12/2017 xử lý được khoảng trên 50.000 tỷ đồng nợ xấu, riêng 6 TCTD được lựa chọn tập trung chỉ đạo xử lý nợ xấu gồm BIDV, Agribank, VietinBank, ACB, Sacombank và Techcombank tính đến 30/11/2017 đã xử lý được 20.440 tỷ đồng, bằng 51,3% nợ xấu được xử lý toàn hệ thống.

“Nóng” chuyện an toàn tiền gửi

Còn nhớ hồi giữa tháng 6/2016, khách hàng sau khi sang tên sổ tiết kiệm 32 tỷ đồng do đại diện Phòng giao dịch D2 Giảng Võ (Hà Nội) - BIDV Chi nhánh Tây Hồ trực tiếp trao, thì toàn bộ số tiền đã “biến mất”. Và gần đây nhất, khách hàng Chu Thị Bình, nữ đại gia ngành thủy sản, đã mất hơn 300 tỷ đồng trong số tiết kiệm tại Eximbank...

Thực tế, từ mùa ĐHCĐ năm 2017, không ít cổ đông ngân hàng cho biết, đã rất quan tâm đến vấn đề an toàn tiền gửi. Các cổ đông đã hối thúc ngân hàng triển khai Basel II một cách thực chất, thay vì dùng quy chuẩn này như là một phương thức để đánh bóng hình ảnh.

Việc các ngân hàng để mất tiền thời gian qua là một hồi chuông cảnh báo các thành phần liên quan trong hệ thống tài chính phải có các quy định chặt chẽ, thậm chí mang mệnh lệnh hành chính, để tránh các trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai

- TS. Nguyễn Trí Hiếu

“Nếu được triển khai và áp dụng hợp lý, Basel II sẽ giúp các ngân hàng vận hành an toàn hơn”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nói.

Thực tế, Ủy ban Basel đã nhấn mạnh trong Basel II về vấn đề rủi ro tác nghiệp và quản trị rủi ro tác nghiệp của các ngân hàng thương mại, bên cạnh 2 loại rủi ro truyền thống là rủi ro tín dụng và rủi ro thị trường. Có 4 tác nhân chính gây ra rủi ro tác nghiệp tại TCTD: Thứ nhất là con người, với các trường hợp có thể xảy ra như nhân viên gian lận, cố ý làm sai, ngân hàng thiếu nhân sự chủ chốt cho quá trình kiểm soát rủi ro…;

Thứ hai là quy trình, các văn bản hợp đồng không đầy đủ, việc tuân thủ quy chế nội bộ và bên ngoài kém, sản phẩm quá phức tạp hoặc cung cấp dịch vụ chất lượng thấp…;

Thứ bà là hệ thống, đầu tư công nghệ không phù hợp hoặc lạc hậu, lỗi tích hợp từ vận hành hệ thống, lỗ hổng an ninh hệ thống…;

Thứ tư là các yếu tố bên ngoài, sử dụng nguồn nhân lực bên ngoài không hợp lý, cơ sở hạ tầng chung kém…

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, cả khách hàng và cổ đông đều cần sự an toàn. Khách hàng khi gửi tiền quan ngại về sự an toàn của món tiền gửi và đối với các cổ đông, thiệt hại khi mất tiền sẽ gây tác động trực tiếp.

Cụ thể, việc mất tiền sẽ hạch toán vào khoản lời lỗ của ngân hàng, nếu không đủ lời, ngân hàng sẽ hạch toán vào vốn chủ sở hữu, tức là trực tiếp "đánh" vào quyền lợi của cổ đông.

“Việc các ngân hàng để mất tiền thời gian qua là một hồi chuông cảnh báo các thành phần liên quan trong hệ thống tài chính phải có các quy định chặt chẽ, thậm chí mang mệnh lệnh hành chính, để tránh các trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai”, ông Hiếu nói.

Chính thức có hướng dẫn giao dịch tiền gửi tiết kiệm

Ngày 23/02/2018, NHNN đã có văn bản số 1126/NHNN-TTGSNH gửi các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu nghiêm túc triển khai, thực hiện việc đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm tại các TCTD.

Cụ thể, chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017 về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính và các chỉ đạo của NHNN liên quan đến giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm, an toàn, bảo mật trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các quy định về quy trình, thủ tục, địa điểm giao dịch.

Thu nhập 30 triệu đồng/tháng, ngân hàng vẫn khó tuyển và giữ người

Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới công nghệ để tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; xem xét áp dụng biện pháp xác thực các giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm. Đặc biệt, tăng cường công tác tự kiểm tra (nhất là kiểm tra chéo), kiểm soát, luân chuyển cán bộ làm công tác giao dịch về tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, quy trình, quy định nội bộ của TCTD.

Thực tế, trước đó, NHNN đã xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch tiền gửi tiết kiệm bằng tiền đồng và ngoại tệ giữa TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với cá nhân, nhằm thay thế Quy chế tiền gửi tiết kiệm hiện hành (gồm Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN, Quyết định 47/2006/QĐ-NHNN và Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN). Dự thảo này đã được đưa lên website chính thức của NHNN để nhận ý kiến đóng góp cho đến ngày 4/7/2017.

Tại Chương 2, Điều 13-Thủ tục gửi tiền có kỳ hạn, Điểm 1 của Dự thảo ghi, khách hàng trực tiếp đến TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và thực hiện các thủ tục… Còn tại Điều 14-Chi trả tiền gửi có kỳ hạn, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện chi trả gốc, lãi tiền gửi có kỳ hạn cho khách hàng đến làm thủ tục rút tiền tại các địa điểm giao dịch của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, cuối tuần này hoặc chậm nhất đầu tuần sau, NHNN sẽ chính thức ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch tiền gửi tiết kiệm bằng VNĐ, ngoại tệ giữa TCTD và cá nhân, với mục tiêu chính là đảm bảo an toàn cho khách hàng. Bên cạnh việc giao dịch gửi tiết kiệm buộc các ngân hàng phải được thực hiện tại ngân hàng, một số điểm mới đang được NHNN cân nhắc.

“Cụ thể, yêu cầu hạn mức rút tiền có thể ở mức 200 triệu đồng hoặc 500 triệu đồng trở lên phải có xác thực của khách hàng dưới nhiều hình thức như tin nhắn điện thoại, thư điện tử… do ngân hàng tùy chọn. Đặc biệt, có hay không quy định về việc nhân viên ngân hàng được nhận ủy quyền của khách hàng trong việc thực hiện giao dịch tại ngân hàng...”, vị lãnh đạo NHNN nói.         

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục