Lo thiếu vốn, các “ông lớn” ngân hàng muốn giữ lại lợi nhuận

(ĐTCK) Để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế, cũng như đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, lãnh đạo một số ngân hàng lớn cho rằng, tăng vốn điều lệ là nhu cầu rất cấp bách. Theo đó, để có cơ sở thực hiện tăng vốn, một trong những đề xuất được các lãnh đạo này đưa ra là giữ lại lợi nhuận.
Hiện tại, tăng vốn là vấn đề rất cấp bách đối với các ngân hàng Hiện tại, tăng vốn là vấn đề rất cấp bách đối với các ngân hàng

CAR toàn hệ thống đang giảm

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng đang tăng dần qua các năm. Cụ thể, từ năm 2011 là gần 355.000 tỷ đồng, đến năm 2016 là xấp xỉ 489.000 tỷ đồng.

Tính đến 30/11/2017, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt trên 500.000 tỷ đồng, tăng gần 2,8% so với cuối năm 2016. Trong đó, vốn điều lệ khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài tăng gần 5%; khối ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần cũng tăng gần 5%, đạt khoảng 211.000 tỷ đồng và chiếm 43% tổng vốn điều lệ toàn hệ thống; khối NHTM nhà nước tăng khá khiêm tốn, vào khoảng 0,8%, tương đương 149.000 tỷ đồng và chiếm hơn 28% tổng vốn.

So với cuối năm 2015, vốn điều lệ của toàn hệ thống tăng gần 10% sau 9 tháng đầu năm 2017, trong đó, khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài dẫn đầu với tỷ lệ tăng gần 17%, khối NHTM cổ phần tăng gần 9% và khối NHTM nhà nước là hơn 7,5%.

CTCK Bảo Việt (BVSC) trong một báo cáo gần đây đã nhận định, một số NHTM quốc doanh sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc tăng vốn thời gian tới do chưa thành công trong việc tìm đối tác chiến lược, cũng như chưa được tạo nhiều điều kiện để chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn trong năm 2017.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN thừa nhận: “Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của hệ thống năm 2017 đã giảm so với cuối năm 2016 do khả năng tăng vốn tự có hạn chế, trong khi nhu cầu tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế rất cao. Đây là một thách thức đối với hệ thống ngân hàng, nhất là những NHTM nhà nước phải duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế”.

Để ước lượng nhu cầu vốn giai đoạn 2018-2020, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã tiến hành xây dựng mô hình dự báo nhu cầu vốn tự có cần bổ sung hàng năm đối với 3 NHTM nhà nước là Vietinbank, BIDV và Vietcombank. Kết quả mô hình cho thấy, đến cuối năm 2020, do nhu cầu vốn tự có tăng thêm là rất lớn, các ngân hàng phải tăng vốn tự lên gấp 1,8-2 lần so với thời điểm hiện tại mới có thể đáp ứng quy định của Basel II.

“Do đó, các ngân hàng này cần có lộ trình cụ thể và tính toán phù hợp việc bổ sung vốn để đáp ứng được yêu cầu vào năm 2020”, báo cáo mô hình đánh giá.

Ngân hàng quốc doanh muốn giữ lại lợi nhuận để tăng vốn

Để có cơ sở thực hiện tăng vốn, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank kiến nghị: “Agribank hiện là NHTM 100% vốn nhà nước, việc tăng vốn điều lệ dựa vào ngân sách nhà nước cấp là chính.

Để đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định, thực hiện thành công đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và gia tăng lợi ích Nhà nước khi cổ phần hóa, Agribank kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank theo phương án đã trình NHNN”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cũng chỉ có một kiến nghị là tăng vốn. “Tại Hội nghị triển khai hoạt động của ngành ngân hàng năm 2017, VietinBank đã có kiến nghị về việc tăng vốn, nhưng chưa được chấp thuận. Do đó, năm nay, Ngân hàng tiếp tục đưa ra đề xuất, bởi tăng vốn là vấn đề rất cấp bách”, ông Thắng nhấn mạnh.

Ông Thắng cho biết, việc tăng vốn của VietinBank nếu không được thực hiện thì ngay trong quý I/2018, chỉ số CAR của Ngân hàng sẽ ở dưới mức tối thiểu mà NHNN quy định, cũng như theo thông lệ quốc tế.

“Mặc dù VietinBank đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao năng lực tài chính, nhưng với chỉ số CAR như hiện nay, Ngân hàng rất khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng để phục vụ nền kinh tế”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, việc nâng cao năng lực tài chính của VietinBank hiện nay chỉ trông đợi vào phương án duy nhất là các cổ đông cùng góp vốn để tăng vốn.

“Trên cơ sở đó, VietinBank đề xuất phương án tăng vốn như sau: Thứ nhất, cho phép VietinBank giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu; thứ hai, bổ sung vốn điều lệ cho VietinBank theo phương án đã báo cáo với NHNN để trình Chính phủ phê duyệt; thứ ba, Chính phủ dùng các nguồn khác như Quỹ Sắp xếp đổi mới doanh nghiệp… để tăng vốn cho VietinBank”, ông Thắng nói.

Đồng quan điểm, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank nhận định, tăng vốn điều lệ là vấn đề lớn đối với các NHTM, đặc biệt là NHTM nhà nước. Theo ông Thành, trong thời gian tới, để kiểm soát tăng trưởng tín dụng cũng như phát triển kinh tế-xã hội thì rất cần có vốn, bởi hiện nay, CAR tối thiểu của các NHTM nhà nước nếu áp dụng theo quy định của NHNN đã ngấp nghé ngưỡng an toàn tối thiểu, còn nếu áp dụng theo Basel II chắc chắn sẽ vi phạm.

“Do đó, Vietcombank đề xuất hàng năm được giữ lại một nửa lợi nhuận, cổ tức nộp về Nhà nước để trên cơ sở đó tiến hành tăng vốn. Còn giải pháp căn cơ và dài hạn hơn sẽ theo đề án của NHNN sắp tới lấy ý kiến của Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, ông Thành nói.

Được biết, hiện NHNN đang hoàn thiện phương án nâng cao năng lực tài chính cho 4 NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, bao gồm VietinBank, Vietcombank, Agribank và BIDV, đồng thời tích cực chỉ đạo các NHTM nhà nước rà soát kế hoạch tăng vốn nhằm đáp ứng theo chuẩn mực Basel II để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

NHNN cho biết, việc thoái vốn theo chủ trương của Chính phủ được NHNN chỉ đạo quyết liệt. Theo số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, trong 9 tháng đầu năm 2017, các NHTM nhà nước đã bán cổ phần tại các doanh nghiệp và tổ chức khác (không bao gồm tổ chức tín dụng khác) và thu về số tiền gần 1.200 tỷ đồng (so với xấp xỉ 570 tỷ đồng trong năm 2016).

Tính đến 30/9/2017, tại 23 tổ chức tín dụng cổ phần (gồm 2 NHTM nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, 18 NHTM cổ phần và 3 công ty tài chính cổ phần), các doanh nghiệp nhà nước đang nắm gần 2,1 tỷ cổ phần của các ngân hàng, giá trị khoảng 21.000 tỷ đồng tính theo mệnh giá (10.000 đồng/CP).

Trong năm 2016, giá trị cổ phần tại các tổ chức tín dụng được bán bởi các doanh nghiệp nhà nước đạt gần 1.300 tỷ đồng theo mệnh giá và trong 9 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện bán khoảng 200 triệu cổ phần tại 6 ngân hàng Vietcombank, Eximbank, Saigonbank, VPBank, SHB và MBBank, tương ứng gần 2.000 tỷ đồng theo mệnh giá.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục