Lập lại kỷ cương thị trường tiền tệ

(ĐTCK-online) Hạ lãi suất cho vay xuống còn 17 - 19%/năm là một trong những thông điệp được thị trường hoan hỉ đón nhận sau khi Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của NHNN về triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2011 của ngành ngân hàng kết thúc. Tuy nhiên, để làm được điều này, các tổ chức tín dụng (TCTD) cần tuân thủ nghiêm trần lãi suất huy động 14%/năm.
Việc duy trì mức lãi suất huy động 14%/năm đòi hỏi quyết tâm lớn từ NHNN Việc duy trì mức lãi suất huy động 14%/năm đòi hỏi quyết tâm lớn từ NHNN

 

Thông điệp mạnh mẽ, nhưng...

Để hỗ trợ cho quá trình giảm lãi suất cho vay, NHNN chủ trương duy trì trần lãi suất huy động VND 14%/năm quy định tại Thông tư 02/2011/TT-NHNN, cũng như trần lãi suất huy động USD 2%/năm quy định tại Thông tư 14/2011/TT-NHNN. Chủ trương này đã được NHNN cương quyết thực hiện thông qua Chỉ thị 02/CT-NHNN với những chế tài xử phạt rất nghiêm khắc.

Theo đó, nếu TCTD nào vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý: đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành; người quản lý, người điều hành của TCTD bị đình chỉ, miễn nhiệm không được đảm nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành tại chính TCTD đó trong thời hạn 3 năm kể từ ngày bị đình chỉ, miễn nhiệm; hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động của TCTD trong thời hạn 1 năm kể từ ngày bị xử lý; hạn chế hoặc tạm đình chỉ hoạt động huy động vốn hoặc cho vay của đơn vị vi phạm thuộc TCTD đó.

Đồng thuận lãi suất huy động VND 14%/năm là một câu chuyện không mới. Trong cuộc họp vào trung tuần tháng 12 năm ngoái giữa Ban lãnh đạo NHNN với Tổng thư ký và các thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đại diện lãnh đạo các NHTM đều cho rằng, cần phải ngăn chặn ngay tình trạng cạnh tranh đua tăng lãi suất không lành mạnh, mặc cả lãi suất ngầm khiến lãi suất thị trường méo mó, không minh bạch.

Tiếp đó, các NHTM đã nhất trí cao việc đưa mặt bằng lãi suất huy động VND bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm. Tuy nhiên, câu chuyện diễn ra sau đó như thế nào, tất cả đều đã biết. Ngay cả khi NHNN vào cuộc, "luật hóa" cam kết đồng thuận bằng Thông tư 02, song do thiếu một chế tài xử phạt rõ ràng nên cuối cùng tình trạng khuyến mại lãi suất, thậm chí mặc cả lãi suất, đưa lãi suất huy động vượt trần diễn ra khá phổ biến.

Vì vậy, với những chế tài xử phạt nghiêm khắc như trên, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng, kỷ cương sẽ được xác lập lại trên thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, chừng đó vẫn chưa đủ.

 

“Cần xử lý từ gốc”

Chứng minh cho sự lo ngại này, một chuyên gia ngân hàng phân tích, khi lãi suất huy động được "đánh đồng" về cùng một mức, thì rõ ràng, các NHTM nhỏ sẽ gặp nhiều bất lợi trong cạnh tranh huy động vốn, do yếu thế về thương hiệu, mạng lưới. Lẽ đương nhiên, trước áp lực sống còn, việc các NHTM nhỏ "lách trần" cũng là điều dễ hiểu. Song khi các NHTM nhỏ đẩy lãi suất huy động lên, dòng vốn sẽ bị chảy ngược từ các ngân hàng lớn vào các ngân hàng nhỏ. Không lẽ các ngân hàng lớn lại khoanh tay đứng nhìn và thế là cuộc đua lãi suất bắt đầu, thị trường trở nên hỗn loạn.

Đó là chưa kể việc cào bằng tăng trưởng tín dụng cũng tạo thêm "áp lực" cho các NHTM nhỏ. Vì vậy, theo vị chuyên gia này, chế tài xử phạt mạnh là chưa đủ. Để ổn định thị trường tiền tệ, NHNN cần hỗ trợ thanh khoản cho NHTM nhỏ và bỏ quy định cào bằng tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, cơ cấu lại hoạt động của hệ thống ngân hàng theo hướng "mèo nhỏ bắt chuột nhỏ". Đó mới là giải pháp loại bỏ tận gốc mầm mống chạy đua lãi suất.

Đồng tình với quan điểm này, lãnh đạo một NHTM đề xuất, NHNN nên tăng dự trữ bắt buộc. Việc tăng dự trữ bắt buộc sẽ khiến NHNN có được một nguồn tài chính khá lớn để hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM mà không phải cung thêm tiền, nên không ảnh hưởng đến lạm phát. NHNN cũng có thể tái cấp vốn cho các ngân hàng nhỏ thiếu thanh khoản. Tuy nhiên, để được tái cấp vốn phải có thế chấp, trường hợp các ngân hàng không có thế chấp, NHNN có thể coi nguồn vốn này như là phần vốn góp để từ đó kiểm soát hoạt động của các ngân hàng này. Đặc biệt, NHNN cũng cần tính tới giải pháp buộc sáp nhập những ngân hàng quá nhỏ, quá yếu.

Những nỗ lực chèo lái thị trường tiền tệ của tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình vừa qua là rất đáng ghi nhận. Song, những biện pháp hành chính được NHNN đưa ra như đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành của TCTD được lãnh đạo các ngân hàng cũng như các chuyên gia ngân hàng nhận định là hành động can thiệp sâu, trực tiếp vào hoạt động của ngân hàng. Đó là điều không giúp thị trường tiền tệ thực sự ổn định.

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục