Làm sao hóa giải bất cập lãi suất giữa hai thị trường tiền tệ?

Ròng rã gần một tháng nay, trong khi lãi suất ngắn hạn VND trên thị trường 1 luôn tìm mọi cách phá vỡ sự ổn định mà chúng ta mong muốn ở mức “vào 10, ra 12” thì lãi suất thị trường 2 tiếp tục giảm. Có điều gì bất thường ở đây?
Có vẻ các ngân hàng đã thực hiện huy động đính kèm tặng thưởng, khuyến mãi không “khua chiêng gõ mõ” như trước - Ảnh: Reuters. Có vẻ các ngân hàng đã thực hiện huy động đính kèm tặng thưởng, khuyến mãi không “khua chiêng gõ mõ” như trước - Ảnh: Reuters.

Quan sát số liệu về tổng doanh số giao dịch và lãi suất thị trường liên ngân hàng trong 4 tuần gần đây: tuần 1 (14/5 – 20/5), tuần 2 (21/5 – 27/5), tuần 3 (28/5 - 3/6) và tuần 4 (4/6 - 10/6) cho thấy có khá nhiều vấn đề đáng lưu ý.

 

Nguội lạnh liên ngân hàng

 

Đầu tiên, xét về doanh số giao dịch. Nếu ở tuần 1, tổng doanh số giao dịch xấp xỉ 83.758 tỷ đồng thì tuần 2 nhích lên 98.642 tỷ VND nhưng đến tuần 3, con số này giảm xuống ở mức 86.021 tỷ VND và tuần vừa rồi giảm còn 83.720 tỷ VND.

 

Còn ở lãi suất, ở tuần 1, lãi suất kỳ hạn qua đêm bình quân ở mức 7,09%/năm, giảm 0,05%/năm so với tuần trước đó; lãi suất bình quân các kỳ hạn từ 1 tuần đến 1 tháng đều ở mức dưới 9,51%/năm và đặc biệt, mặc dù lãi suất kỳ hạn 3, 6 và 12 tháng có nhích cao một chút (từ 11,19%/năm đến 11,43%/năm) nhưng doanh số của các kỳ hạn này chiếm tỷ trọng rất thấp, ở mức 2,3%% doanh số toàn hệ thống.

 

Sang tuần 2, ngoại trừ lãi suất bình quân kỳ hạn 6 tháng tăng nhẹ (0,48%/năm) thì hầu hết các kỳ hạn đều giảm so với tuần 1, mức giảm từ 0,01đến 1,55%/năm và các kỳ hạn dài đều giảm nhiều hơn so với kỳ hạn ngắn.

 

Ở tuần 3, lãi suất có xu hướng tăng nhẹ một chút nhưng ở kỳ hạn qua đêm thì vẫn giảm (từ 6,80% xuống còn 6,52%/năm).

 

Còn tuần vừa qua, “không khí” lãi suất liên ngân hàng vẫn chưa có gì khởi sắc khi cả doanh số giao dịch và lãi suất tiếp tục xu hướng giảm. Lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng và không kỳ hạn đều giảm nhẹ trong khi lãi suất qua đêm giữ nguyên như tuần trước ở mức 6,52%/năm.

 

Ngược lại với lãi suất liên ngân hàng, lãi suất thị trường ngắn hạn vẫn gầm ghè nhích lên như những đợt sóng ngầm âm thầm. Mức căng của chúng ở tuần 1 là 14%/năm - 14,5/năm kéo dài đến tuần 2, tuần 3 và đến nay vẫn như vậy; trong khi đầu vào luôn kịch trần 11,5%/năm. Kèm theo đó, có vẻ các ngân hàng đã thực hiện huy động đính kèm tặng thưởng, khuyến mãi không “khua chiêng gõ mõ” như trước.

 

Ở một bình diện khác, trong khi lãi suất giữa hai thị trường nói trên đang diễn biến trái chiều thì ngày 11/6/2010, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội ngân hàng cùng hàng chục lãnh đạo ngân hàng thương mại nhóm họp, thể hiện sự kiên trì với định hướng “vào 10, ra 12”, quyết tâm thực hiện Nghị quyết 18/NQ - CP ngày 6/4/2010 cũng như Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ.

 

Hóa giải bằng cách nào?

 

Khi nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bộ phận giao dịch vốn trên thị trường liên ngân hàng của BIDV cho rằng, có 3 yếu tố.

 

Thứ nhất, khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước công khai chính sách ổn định mặt bằng lãi suất thông qua việc hỗ trợ lãi suất ngân hàng, cung vốn qua thị trường mở... thì các ngân hàng thương mại đã nhận được tín hiệu điều hành ổn định từ Ngân hàng Nhà nước và họ không còn cảm thấy lo lắng về thanh khoản trong tương lai. Kèm theo đó, tín dụng hiện vẫn tăng trưởng chậm do lãi suất huy động còn cao, nên doanh nghiệp chưa mặn mà vay.

 

Thứ hai, trong cơ cấu huy động vốn của các ngân hàng thương mại thì huy động ngắn hạn chiếm tỷ trọng quá lớn, mà các ngân hàng thương mại vẫn bị khống chế tỷ lệ sử dụng 30% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

 

Vì thế, khi lượng vốn ngắn hạn vào ngân hàng, họ không thể cho vay trên liên ngân hàng, cũng không thể cho vay các dự án đầu tư trung - dài hạn quá mức khống chế của Ngân hàng Nhà nước (30%) nên vốn khả dụng của họ trong tình trạng dồi dào.

 

Thứ ba, vấn đề khống chế các ngân hàng thương mại về tỷ lệ huy động vốn trên thị trường 2 không được lớn hơn 20% vốn huy động trên thị trường 1 cùng với việc hạn chế “chỉ được sử dụng 30% vốn ngắn hạn cho vay dài hạn” đã tạo ra vòng luẩn quẩn.

 

Luẩn quẩn ở chỗ muốn huy động nhiều hơn trên thị trường 2 hoặc hợp thức hóa tỷ lệ vay trên thị trường 2 quá lớn trước đó thì phải mở rộng quy mô huy động thị trường 1. Trường hợp quy mô thị trường 1 chưa mở rộng thì lập tức cầu thị trường 2 giảm trong khi cung thị trường 2 tăng, và lãi suất giảm là đương nhiên.

 

Như vậy, có thể thấy thêm một điều khá bất bình thường là lãi suất tăng chưa hẳn đã phản ánh sự thiếu thanh khoản mà chính là do cầu thị trường 2 giảm cộng với nhu cầu mở rộng quy mô huy động thị trường 1 tăng như nói trên.

 

Một yếu tố khác, ông Trương Hoàng Lương, Tổng giám đốc KienlongBank cho rằng, kỳ vọng tăng lãi suất của người dân vẫn khá lớn trong khi nguồn tiền giải ngân cho bất động sản thu hút một lượng lớn, chia sẻ lượng tiền gửi vào ngân hàng, nên cũng góp phần làm cho lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại không muốn “vào 10, ra 12”.

 

Theo tổng giám đốc một ngân hàng, làm thế nào để đưa lãi suất thị trường 2 trở về bình thường, giảm thiểu tình trạng “nâng lãi suất vì sợ mất khách” đang là vấn đề khá nóng hổi.

 

Một số ngân hàng thương mại thực hiện điều chỉnh cơ cấu lãi suất theo hướng nâng lãi suất trung dài hạn, giảm lãi suất ngắn hạn để khách hàng chuyển kỳ hạn ngắn sang dài nhưng điều này không đơn giản vì chúng liên quan nhiều đến việc thay đổi cơ cấu tài sản và cách quản lý tài sản nợ, tài sản có của các ngân hàng.

 

Ông này cho rằng, việc tháo gỡ bất cập này hoàn toàn phụ thuộc vào việc lựa chọn mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước. Nếu chọn tăng trưởng thì Ngân hàng Nhà nước phải xử lý một số khống chế như “huy động thị trường 2 lớn hơn 20% so với thị trường 1”, “sử dụng 30% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn” để ngân hàng thương mại rộng cửa cho vay.

 

Còn nếu vì ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát thì tại thời điểm này, thì phải chăng Ngân hàng Nhà nước đang lo quá xa?


VNE

Tin cùng chuyên mục