Hai thách thức trên thị trường tiền tệ năm 2013

Thách thức lớn nhất và cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2013, theo nguyên phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, là xử lý nợ xấu và khôi phục lại an toàn của hệ thống ngân hàng thương mại.
Hai thách thức trên thị trường tiền tệ năm 2013

Cũng theo ông Nghĩa, điểm yếu nhất của hệ thống ngân hàng Việt Nam vừa qua là chậm xử lý ngân hàng yếu kém và chậm xử lý nợ xấu.

 

Ông Nghĩa cho biết, năm 2012, đặc trưng chung của các nền kinh tế trên toàn cầu là kích thích kinh tế bằng một số giải pháp cơ bản: giữ lãi suất ở mức rất thấp; bơm vốn cho khu vực ngân hàng; dùng tiền của Chính phủ để mua lại tài sản xấu, dùng tiền Chính phủ hoán đổi trái phiếu ngắn hạn thành dài hạn để kéo dài nợ... Nhờ vậy, dự báo kinh tế toàn cầu cũng đã lạc quan hơn trong thời gian gần đây.

 

Tại Việt Nam, đà suy giảm kinh tế cũng chậm lại và có dấu hiệu phục hồi vào những tháng cuối năm, biểu hiện: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng lên chút ít; chỉ số quản lý mua hàng cũng đạt mức trên 50 điểm; khối lượng hàng tồn kho giảm nhẹ…; tuy nhiên, vẫn chậm hơn chúng ta mong muốn: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của những tháng cuối cùng của năm vẫn thấp kỷ lục; thị trường bất động sản (BĐS) vẫn đang trong tình trạng khá ảm đạm, đặc biệt là ở Hà Nội; GDP chỉ tăng 5,3% – thấp so với một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam; mức suy giảm của sản xuất, đặc biệt là của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn còn mạnh và đáy của tăng trưởng có thể rơi vào quý 1/2013.

 

“Thách thức lớn nhất và cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2013, theo các chuyên gia quốc tế là xử lý nợ xấu và khôi phục lại an toàn của hệ thống ngân hàng thương mại, trên nền tảng đó mới có thể nói đến chuyện phục hồi đà tăng trưởng kinh tế và giải cứu thị trường BĐS”, ông Nghĩa nói.

 

Vì sao vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam lại thuộc lĩnh vực tiền tệ, phải chăng, do hệ thống này đang yếu kém nhất?

 

Hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với câu chuyện nợ xấu. Nói đến nợ xấu, là nói đến chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng, nợ xấu càng lớn, chất lượng tài sản càng thấp. Nợ xấu có thể làm cho cung ứng tín dụng của ngân hàng tắc nghẽn; các ngân hàng thương mại (NHTM) nhỏ rơi vào tình trạng khốn đốn – lây lan sang các ngân hàng khác; và quan trọng nữa, xử lý nợ xấu không cẩn thận sẽ làm sụp đổ luôn thị trường BĐS (vì các ngân hàng bán ồ ạt tài sản thế chấp).

 

Mặt khác, các chuyên gia quốc tế cũng muốn nhấn mạnh, kinh tế vĩ mô rồi cũng có thể ổn định được; thị trường BĐS rồi cũng có thể ấm nóng trở lại; nhưng tất cả những điều đó phải dựa trên một nền tảng là hệ thống ngân hàng lành mạnh; vì hầu hết đều liên quan đến tín dụng: muốn kinh tế phục hồi, phải có tín dụng; muốn BĐS tan băng, cũng phải dựa vào tín dụng; muốn tăng trưởng xuất khẩu, đẩy mạnh nông nghiệp, cứu DNNVV… cũng đều cần đến tín dụng.

 

Nhìn lại hàng loạt diễn biến trên thị trường tiền tệ năm 2012, theo ông, điểm yếu nhất của hệ thống ngân hàng là gì?

 

Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang có hai vấn đề lớn: một là chưa xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém. Những ngân hàng này luôn rơi vào tình trạng đói thanh khoản, phải phá trần lãi suất tiền gửi huy động, làm rối tung rối mù hệ thống lãi suất là một bằng chứng. Dù chúng ta tạm thời giữ được các tổ chức tín dụng này ở mức tồn tại, nhưng không ai đảm bảo được rằng họ sẽ không gây khó khăn cho an toàn hệ thống trong tương lai. Điểm yếu thứ hai, đó là nợ xấu ngày càng nhiều, không chỉ ở những ngân hàng nhỏ mà ở cả ngân hàng lớn, trong khi đó, đến nay chúng ta chỉ mới xử lý nợ xấu bằng hai biện pháp cơ bản: một là giãn, hoãn – tức là biến nợ xấu thành nợ không xấu, thì nợ xấu vẫn còn đấy và dùng dự phòng rủi ro – song chỉ xử lý được ở mức độ nhất định: khoảng 30.000 – 40.000 tỉ đồng.

 

Bài học nào cho các ngân hàng Việt Nam, thưa ông?

 

Có ba vấn đề quan trọng nhất: quản trị doanh nghiệp; quản trị rủi ro và công tác giám sát. Tất cả những vấn đề như cấu trúc sở hữu, tín dụng nội bộ, tín dụng của người có liên quan, vai trò của chủ sở hữu, người điều hành…, tất cả phải được minh bạch, được giám sát chặt chẽ để đảm bảo rằng tất cả các ngân hàng đều được hoạt động trong vốn liếng lành mạnh; đảm bảo quyền lợi giữa cổ đông lớn và cổ đông nhỏ, không có chuyện cổ đông lớn muốn vay bao nhiêu thì vay, làm gì thì làm.

 

Theo ông, bức tranh thị trường tiền tệ năm 2013 sẽ ra sao?

 

Mặt bằng lãi suất có thể tiếp tục giảm, xuống còn 6 – 8%/năm với lãi suất huy động; 8 – 10%/năm lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh, 10 – 12% cho vay tiêu dùng và mức lãi suất này có thể ổn định đến cuối năm 2013. Tỷ giá hối đoái có nhu cầu cần phải điều chỉnh, vì hiện nay tiền đồng (VND) đang bị đánh giá cao hơn so với đồng USD vào khoảng 20 – 21% và VND cũng bị đánh giá cao hơn 19 đồng tiền Việt Nam đang có quan hệ thương mại khoảng 3 – 4%. Vì vậy, để các doanh nghiệp xuất khẩu không bị thiệt thòi, tỷ giá hối đoái cần phải điều chỉnh, cũng là để cân bằng cho cán cân vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế, mức điều chỉnh cân nhắc trong khoảng 2 – 3%.

 

Làn sóng mua bán, sáp nhập ngân hàng vẫn tiếp tục được khuyến khích (hiện đang được đàm phán sôi động). Trong trường hợp hoạt động mua – bán chậm chạp, không đảm bảo tiến độ việc xử lý các ngân hàng yếu kém, Chính phủ có thể sẽ mua lại, quốc hữu hoá các ngân hàng này.


SGTT

Tin cùng chuyên mục