Đầu tư ngoài ngành: Ngân hàng giảm chậm rãi

(ĐTCK) Đa phần hoạt động đầu tư tài chính của các ngân hàng không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, nhưng việc thoái vốn khó có thể diễn ra nhanh.
Đầu tư ngoài ngành: Ngân hàng giảm chậm rãi

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước công bố tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV cho biết, các ngân hàng chưa thoái theo lộ trình các khoản vốn góp vượt giới hạn quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng (góp vốn vượt 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp).

Những khoản đầu tư cũ...

Chẳng hạn, BIDV có khoản vốn góp 424,8 tỷ đồng, chiếm 32,21% vốn điều lệ Công ty cổ phần Cho thuê máy bay. Ocean Bank góp vốn chiếm 11,62% vốn điều lệ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Gia Định, góp 13,37% vốn điều lệ Công ty PVC Duyên Hải và 15,63% vốn điều lệ Công ty cổ phần Tư vấn dự án Điện lực Dầu khí từ trước thời điểm NHNN mua lại bắt buộc.

Điểm đáng chú ý được Kiểm toán Nhà nước cho biết đó là, đầu tư tài chính của các ngân hàng không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Kiểm toán Nhà nước cũng dẫn chứng thông qua các con số cụ thể như tại OceanBank, 12/39 khoản đầu tư với giá trị vốn góp 411 tỷ đồng từ giai đoạn 2009 - 2011 đến năm 2016 không thu được cổ tức và năm 2016 không nhận được cổ tức của 28 khoản đầu tư. Tại thời điểm 31/12/2016, Ngân hàng phải trích lập dự phòng 198 tỷ đồng của 14 khoản đầu tư do đơn vị thua lỗ qua nhiều năm (trong đó 5 đơn vị gần như không còn hoạt động).

Tại BIDV, Kiểm toán Nhà nước cho biết, Ngân hàng đầu tư vào 3 công ty con 3.128 tỷ đồng, 12 khoản đầu tư dài hạn khác 280,2 tỷ đồng không nhận được cổ tức. Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV đầu tư 5 mã chứng khoán (CTG, DPM, PVS, THC, GEX) lỗ 239,62 tỷ đồng. Tổng công ty Bảo hiểm BIDV đầu tư cổ phiếu Công ty cổ phần Phát triển Đông Dương xanh từ năm 2009, trích lập dự phòng 65,2% giá trị đầu tư (16,89 tỷ đồng). Hay đối với VietinBank, cổ tức, lợi nhuận chuyển về năm 2016 chỉ bằng 4,1% vốn đầu tư. Đối với Ngân hàng Hợp tác xã, khả năng thu hồi khoản tiền gửi có kỳ hạn 585 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Tài chính Handico từ năm 2011 là rất khó khăn.

Còn tại Vietcombank các khoản đầu tư cũng tương tự. Cụ thể, Ngân hàng đầu tư 204,97 tỷ đồng (tương ứng 9,625 triệu USD) vào Công ty Chuyển tiền Vietcombank, lỗ lũy kế đến 31/12/2016 là 5,347 triệu USD, tuy nhiên nhà băng này đã trích lập dự phòng 103,7 tỷ đồng. Đầu tư 135,15 tỷ đồng vào Công ty liên doanh Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank, lỗ lũy kế đến 31/12/2016 là 12,8 tỷ đồng. Đầu tư 270 tỷ đồng vào Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank - Cardif, năm 2016 lỗ 17,8 tỷ đồng. Đầu tư 123,45 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigon Bank), tỷ lệ cổ tức được chia năm 2016 là 4%; 70,95 tỷ đồng vào Công ty Tài chính Xi măng (CFC), năm 2016 không nhận được cổ tức.

Đang dần được thanh lý

Tuy nhiên, tháng 11/2017, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức hai phiên đấu giá bao gồm 4,3% vốn tại Saigon Bank và 10,91% vốn tại CFC do Vietcombank sở hữu. Trong số 20 nhà đầu tư tham gia có 2 nhà đầu tư bao gồm 1 nhà đầu tư tổ chức và 1 nhà đầu tư cá nhân đã đặt mua cổ phần Saigonbank với mức giá lên đến 20.100 đồng/cổ phiếu, gấp 1,6 lần mức giá khởi điểm 12.550 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, Vietcombank thu về 266 tỷ đồng, lãi 143 tỷ đồng so với giá trị sổ sách.

Bên cạnh đó, phiên đấu giá của CFC dù không thành công như Saigon Bank nhưng cũng giúp Vietcombank thu về khoản lãi 5,3 tỷ đồng. Ngân hàng này đã bán toàn bộ 6,6 triệu cổ phiếu với giá đấu thành công bình quân là 11.554 đồng/cổ phần, thu về trên 76,2 tỷ đồng. Kết thúc 2 phiên đấu giá, Vietcombank đã thoái vốn thành công khỏi 2 tổ chức tín dụng trong số 5 tổ chức tín dụng đã đầu tư.

Chưa kể, trung tuần tháng 4 vừa qua, Vietcombank đã thoái vốn 66,7 tỷ đồng, tương đương 6,67 triệu cổ phần theo mệnh giá, chiếm khoảng 1,36% vốn điều lệ tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với mức giá khởi điểm 13.000 đồng/cổ phần. Kết quả, phiên đấu giá đã bán hết hơn 6,67 triệu cổ phần, tương đương 100% số cổ phần đưa ra đấu giá với giá đấu thành công bình quân là 25.771 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 171,9 tỷ đồng.

Sau khi thoái vốn tại Saigon Bank, CFC và OCB, Vietcombank đang nắm hơn 126 triệu cổ phiếu của MB, tương đương 6,97% vốn điều lệ và nắm trên 101 triệu cổ phiếu Eximbank, tương đương 8,2% vốn của nhà băng này. Thông tư 36 quy định mỗi tổ chức tín dụng không được sở hữu vốn ở quá 2 tổ chức tín dụng với tỷ lệ sở hữu quá 5%, nghĩa là Vietcombank sẽ phải giảm dần tỷ lệ sở hữu tại 2 ngân hàng này.

Liên quan đến những vấn đề trên, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết, các khoản đầu tư tài chính của các ngân hàng được thực hiện từ trước năm 2011 và đến năm 2011 mới có luật nhằm hạn chế đầu tư ngoài ngành của các ngân hàng.

“Thực tế, việc thoái vốn của các ngân hàng không thể tiến hành nhanh, ví dụ đối với Ocean Bank, hiện nay là ngân hàng 100% vốn nhà nước nên khi thoái vốn, thủ tục rất phức tạp”, vị lãnh đạo NHNN nói.                

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục