Đạo đức nghề nghiệp ngân hàng: Không có quy trình, nhưng vẫn có thể đào tạo

(ĐTCK) Ở Nhật Bản, môn Nghiên cứu xã hội (Socical Studies), hay còn gọi là môn Đức dục hoặc Đạo đức là môn học quan trọng thứ hai chỉ sau môn “Tiếng Nhật” và đứng trên mọi môn học khác.
Hiện tại, các ngân hàng chưa chú trọng đúng mức trong hoạt động đào tạo về đạo đức nghề nghiệp Hiện tại, các ngân hàng chưa chú trọng đúng mức trong hoạt động đào tạo về đạo đức nghề nghiệp

Mọi thứ đều có thể có quy trình, trừ đạo đức nghề nghiệp…

Nghe hai từ “Đạo đức” khiến chúng ta có sự liên tưởng đến một chuẩn mực ứng xử nào đó rất khắt khe và nghiêm túc. Những nghề nghiệp mà vấn đề đạo đức luôn được đòi hỏi hàng đầu thường được nhắc đến là nghề y, nghề giáo, nghề luật…

Trong những năm gần đây, sự đòi hỏi về đạo đức nghề nghiệp đã được nhân rộng ra hầu hết các ngành nghề khác của xã hội. Lĩnh vực ngân hàng cũng không là ngoại lệ và càng được lưu tâm hơn khi hàng loạt “đại án ngân hàng” xảy ra liên tiếp trong thời gian qua. Ngân hàng là doanh nghiệp của mọi doanh nghiệp, nơi mà mỗi hoạt động nghiệp vụ đều tuân thủ theo các quy trình. Điều đáng tiếc là, mọi thứ đều có thể có quy trình, trừ đạo đức nghề nghiệp.

Do hoạt động ngân hàng được điều chỉnh chặt chẽ theo các quy định pháp luật, nên để đảm bảo tính tuân thủ, các ngân hàng đều phải “quy định hóa” thành hệ thống văn bản nội bộ, trong đó chỉ rõ những việc được làm, những việc không được làm, những việc có thể lựa chọn làm hoặc không và những điều kiện. Không chỉ dừng ở việc ban hành quy định, kèm theo đó còn là các mẫu biểu để thuận tiện hơn cho người dùng, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng các quy trình chặt chẽ, giảm thiểu tối đa rủi ro trong các tác nghiệp, nghiệp vụ.

Quy trình đầy đủ và chặt chẽ như vậy, nhưng các hành vi phạm tội, vi phạm đạo đức nghề nghiệp vẫn xảy ra, điển hình là vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Trong vụ án này, nhiều cựu cán bộ ngân hàng bị truy tố về hàng loạt tội doanh như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức… Nổi bật nhất là bị cáo Huyền Như, một cựu cán bộ ngân hàng.

Bị cáo đã liên tiếp thực hiện các hành vi phạm tội và liên tục lặp lại các hành vi này với rất nhiều cá nhân, tổ chức trong vòng hơn một năm.

Theo bản án của tòa án, Huyền Như lợi dụng sự am hiểu về nghiệp vụ ngân hàng, lợi dụng sự tin tưởng của một số người vào vị trí cán bộ ngân hàng của bị cáo và một phần giúp sức của một số bị can, một số đối tượng do thiếu trách nhiệm, do vụ lợi đã thực hiện hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Trong tất cả các tình tiết của vụ việc, người ta không tìm thấy các chuẩn mực đạo đức của ngân hàng.

Ở mỗi ngân hàng, các quy trình nghiệp vụ thường rất rõ ràng, nhưng quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp lại rất trừu tượng. Ranh giới để phân biệt đâu là đạo đức nghề nghiệp, đâu là thao tác nghiệp vụ trong nhiều trường hợp là rất mong manh, khó xác định. Chẳng hạn, cùng một thao tác mở sổ tiết kiệm cho khách hàng gửi tiền, có nhân viên thì thực hiện với tác phong chuyên nghiệp, tận tụy, dịch vụ “từ trái tim”.

Ngược lại, có nhân viên lại thực hiện công việc với ý thái độ trễ nải, cẩu thả, làm cho xong, lề mề. Kết quả cuối cùng thì khách hàng vẫn được nhận cuốn sổ tiết kiệm. Vậy chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng có phải là một tiêu chí để đánh giá về sự hoàn thành công việc, hay đạo đức nghề nghiệp của nhân viên đó?

Việc ban hành những quy tắc đạo đức nghề nghiệp thường hiếm hoi, hoặc nếu có ban hành thì cũng khó thực hiện. Thế mới xảy ra chuyện, có những ngân hàng đã hoạt động hàng chục năm trên thị trường song hiếm khi để xảy ra những vụ việc về vi phạm đạo đức nghề nghiệp dù, nhưng cũng có ngân hàng chỉ mới nổi danh đã xuất hiện các vụ việc phát sinh hậu quả về đạo đức nghề nghiệp.

… Nhưng vẫn có thể đào tạo

Trên thực tế, các ngân hàng thường hay triển khai đào tạo (đào tạo lại, đào tạo nâng cao), bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, hầu như các khóa học đều chỉ tập trung cải thiện kỹ năng mềm (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng lãnh đạo,…), mà thiếu đi vấn đề về đạo đức nghề nghiệp.

Các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thường được xây dựng trên nền tảng ý thức trách nhiệm. Mà ý thức trách nhiệm lại được xây dựng dựa trên sự nhận thức về các trách nhiệm rủi ro pháp lý trong nghề nghiệp. Người hiểu được nghề ngân hàng thường là người nhận thức được rủi ro pháp lý nghiệp vụ.

Từ đó, họ có những ứng xử theo chuẩn mực được đòi hỏi từ nhận thức về trách nhiệm. Suy cho cùng, đó chính là chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp - vấn đề mà các ngân hàng chưa chú trọng đúng mức trong hoạt động đào tạo cán bộ của mình.  

Luật sư Phùng Thị Thu Hường, Công ty Luật BASICO

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục