Đại hội đồng cổ đông BIDV: Ông Phạm Quang Tùng vào HĐQT, nhưng vẫn trống vị trí Chủ tịch HĐQT

(ĐTCK) Chiều 21/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022.
Đại hội đồng cổ đông BIDV: Ông Phạm Quang Tùng vào HĐQT, nhưng vẫn trống vị trí Chủ tịch HĐQT

Cụ thể, ĐHCĐ BIDV đã miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT của ông Nguyễn Huy Tựa và bà Lê Thị Kim Khuyên để nghỉ hưu theo chế độ, đồng thời, thông qua việc bầu ông Phạm Quang Tùng giữ chức vụ thành viên HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2017-2022. 

Được biết, ông Tùng bắt đầu công tác tại BIDV từ năm 1996. Kể từ tháng 4/2005- 10/2005, ông Tùng giữ chức vụ Phó giám đốc Sở giao dịch 1 BIDV. Từ tháng 9/2010 - 10/2010, ông Tùng là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm BIDV.

Từ tháng 10/2010 - 5/2016, ông Tùng giữ chức Phó tổng giám đốc BIDV, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm BIDV.

Từ 1/6/2016 đến tháng 3/12/2017, ông được Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Từ ngày 4/12/2017, ông Phạm Quang Tùng trở lại BIDV công tác.

Dù có thêm thành viên HĐQT mới, nhưng HĐQT BIDV vẫn trống chức danh Chủ tich. Kể từ khi ông Trần Bắc Hà về hưu từ tháng 9/2016, ông Trần Anh Tuấn là Thành viên HĐQT được giao nhiệm vụ điều hành hoạt động của BIDV. Trong khi đó, tại BIDV đang có 2 đại diện vốn Nhà nước, cùng là thành viên HĐQT gồm ông Phan Đức Tú và ông Bùi Quang Tiên, mỗi người đại diện 30% vốn. Còn 40% vốn nữa Nhà nước chưa có đại diện.

Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến việc tăng vốn, ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV cho biết, 3 năm trở lại đây, Ngân hàng đã không tăng được vốn theo kế hoạch. Nếu tính theo Basel II, CAR đã xấp xỉ ngưỡng.

Trong khi đó, từ năm 2017, Ngân hàng đã có những phương án tăng vốn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu nhưng không thành công; phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư trong nước nhưng tình hình cho thấy nhà đầu tư không quan tâm; còn duy nhất phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài.

“Hiện có hơn 20 quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến BIDV. Trong đó, có 1 nhà đầu tư có tiềm năng và quan tâm sâu hơn muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược. Từ tháng 4/2017 đến nay, hai bên đã có nhiều cuộc gặp gỡ, khảo sát thực tế, hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật…

Hy vọng cơ quan quản lý nhà nước đưa ra quyết định, chúng tôi sẽ tiếp tục ngồi với nhà đầu tư để xem mức giá kỳ vọng của 2 bên, kết thúc hợp đồng trong năm nay, hoàn tất các giao dịch. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo vẫn đang làm việc với nhiều quỹ, tìm kiếm và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cũng như bán cổ phần cho người lao động”, ông Tú nói.

Đối với quan tâm của nhà đầu tư về kết quả kinh doanh của Ngân hàng tính đến cuối quý I/2018, ông Tú cho biết, tính đến 20/4, tăng trưởng tổng tài sản của Ngân hàng là  3,5%, tăng trưởng tín dụng đạt 2,3%, huy động tăng 5,5%, chênh lệch thu chi đạt con số 9.174 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.700 tỷ, bằng 29% kế hoạch năm 2018, các chỉ số đúng theo quy định của NHNN.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2018, ông Tú cho biết, tín dụng tăng trưởng tối đa 17% và đảm bảo tuân thủ kế hoạch NHNN giao trong từng thời kỳ; huy động vốn tăng trưởng phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn trong từng thời kỳ, đảm bảo cân đối cho nhu cầu tín dụng và đầu tư năm 2018, đáp ứng các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN, phấn đấu tăng trưởng 17%; lợi nhuận trước thuế đạt 9.300 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến khoảng 5-7%.

Đại hội đồng cổ đông BIDV: Ông Phạm Quang Tùng vào HĐQT, nhưng vẫn trống vị trí Chủ tịch HĐQT ảnh 1 

Được biết, năm 2017, tổng tài sản của BIDV đạt 1.202.284 tỷ đồng, tăng trưởng 19,5%; nguồn vốn huy động đạt 1.124.961 tỷ đồng, tăng trưởng 19,7%; dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.154.154 tỷ đồng, tăng trưởng 21,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 8.665 tỷ đồng; nợ xấu 1,44%; tỷ lệ chi trả cổ tức 7%.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục