“Bỏ trần lãi suất huy động, thị trường tiền tệ có thể rối loạn”

Thị trường ngân hàng đang chờ đợi quyết định cuối cùng về khả năng dỡ trần lãi suất huy động để tăng cường khả năng hút vốn, tuy nhiên Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cho rằng đây chưa phải thời điểm thích hợp.
Ảnh minh họa: VNE Ảnh minh họa: VNE

Dưới đây là bài viết của PGS, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ của Chính phủ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP HCM.

 

Trong tình hình hiện nay, cơ chế lãi suất trần không còn phù hợp với thực tế. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần phải thay đổi cơ chế cũ bằng một cơ chế mới, nếu không sẽ gây ra sự đè nén, kiềm chế sự phát triển kinh tế cũng như làm cho sự lưu thông tiền tệ có những tắc nghẽn và biến tướng khó kiểm soát.

“Bỏ trần lãi suất huy động, thị trường tiền tệ có thể rối loạn” ảnh 1
PGS, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân.

 

Một trong những thay đổi cần thiết tại thời điểm này là cơ chế điều hành. Thứ nhất về cơ chế cho vay, Ngân hàng Nhà nước không chỉ dừng lại ở việc cho vay thỏa thuận đối với trung và dài hạn mà phải mở nút thắt cho vay ngắn hạn. Điều này sẽ hạn chế tối đa những biến tướng như việc ngân hàng tìm cách lách luật chuyển đổi những hợp đồng cho vay ngắn hạn thành cho vay dài hạn, làm cho thị trường bị méo mó, khó kiểm soát.

 

Trong thời gian tới, nếu Ngân hàng Nhà nước mở hoàn toàn cơ chế cho vay ngắn hạn sẽ giúp hài hòa lợi ích cả người vay lẫn ngân hàng. Các ngân hàng cũng sẽ không dám cạnh tranh đẩy lãi suất cho vay lên cao vì chẳng đơn vị nào muốn mất hết khách hàng. Việc thực hiện lãi suất cho vay theo thỏa thuận sẽ góp phần tạo ra một cơ chế lãi suất thích hợp với bối cảnh thực tế hiện nay, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn, đồng thời ngân hàng cũng có lãi.

 

Riêng với lãi suất huy động, tuyệt đối không được bỏ trần trong thời gian này. Bởi tình hình thị trường tiền tệ của Việt Nam hiện nay chưa thực sự ổn định. Một số ngân hàng thương mại nhỏ vẫn sẵn sàng vi phạm các định chế pháp luật.

 

Mặt khác, còn rất nhiều nhà băng nhỏ đang thiếu thanh khoản, đang tìm cách lách luật trong việc sử dụng nguồn vốn huy động bổ sung vào vốn điều lệ để đáp ứng con số 3.000 tỷ đồng theo quy định của Nhà nước... Không chỉ thế, những ngân hàng nhỏ một mặt huy động vốn với lãi suất cao, tìm cách bổ sung vào vốn điều lệ, mặt khác để duy trì lợi nhuận buộc họ phải đẩy mạnh cho vay những dự án phiêu lưu mạo hiểm như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng... với lãi suất cao 19%, thậm chí 20%. Rủi ro mất trắng rất cao và nguy cơ phá sản sẽ khó tránh khỏi.

 

Cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, vốn hiện nay hoàn toàn không thiếu mà thị trường chỉ thực sự khát vốn lãi suất thấp. Với các nguồn vốn vay lãi suất cao 17-18% thì doanh nghiệp cần bao nhiêu cũng có.

 

Chính sách tiền tệ phải phụ thuộc rất lớn vào thể trạng của từng hệ thống ngân hàng thương mại. Ngay cả ngân hàng Trung Quốc, đến nay họ vẫn duy trì trần lãi suất huy động để tránh tình trạng cạnh tranh vô tội vạ muốn hút vốn của các ngân hàng với nhau.

 

Do đó, nếu Ngân hàng Nhà nước dỡ trần lãi suất huy động trong thời điểm này sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng nhỏ chạy đua lãi suất huy động, có thể lên tới 14 - 15%..., khiến các "ông lớn"  đang duy trì lãi suất tiền gửi ổn định vì không muốn mất khách hàng sẽ lao vào cuộc đua. Ngược lại, nếu không đua sẽ bị khan vốn và buộc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm vốn vào. Như vậy, vô hình trung sẽ thổi bùng ngọn lửa lạm phát và gây ra sự hỗn loạn cho hệ thống tiền tệ. Và kịch bản tồi tệ của năm 2008 có thể lặp lại, khi đó lãi suất cho vay bị đẩy lên cao kỷ lục 21-22% một năm khiến doanh nghiệp điêu đứng và trở thành chủ đề tranh luận gay gắt trên diễn đàn Quốc hội.

 

Tất cả những vấn đề trên bắt buộc Ngân hàng Nhà nước không thể bỏ trần lãi suất huy động ngay thời gian này. Tuy nhiên, cũng không thể duy trì mức trần lãi suất thấp 10,5 % như hiện nay sẽ không phù hợp với mặt bằng giá cả, không phù hợp với tình hình về lạm phát và thực tế tiền tệ của Việt Nam.

 

Do vậy, việc nới biên độ trần lãi suất phải được điều chỉnh ngay. Mức trần được coi là hợp lý nhất hiện nay sẽ là 12%. Với mức này, các ngân hàng không chỉ đảm bảo huy động được nguồn vốn mà cho vay với mức hợp lý 15 - 16% vẫn có lãi, trong khi doanh nghiệp cũng có thể chấp nhận được. Đây chính là bài toán dung hòa lợi ích của người gửi tiền, người vay tiền cũng như trung gian cho vay tài chính

 

Một khi trần huy động được nâng lên 12% một năm, điều này có nghĩa "nhà băng mẹ" sẵn sàng bơm vốn cho các ngân hàng thương mại ở mức này nếu bị thiếu thanh khoản, Vậy thì các nhà băng cũng không dại gì phải đẩy vốn huy động vượt quá mức đó. Lúc này, trần huy động còn có vai trò giúp các ngân hàng xây dựng mức lãi suất hợp lý.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay mức lãi suất cao là vì nhu cầu của thị trường cao. Hơn nữa, việc xác lập mặt bằng lãi suất cao sẽ giúp loại bỏ những dự án vay không hiệu quả, đồng thời tăng nguồn vốn cho những dự án kinh doanh sản xuất hiệu quả. Điều này khó xảy ra. Một ví dụ cụ thể, nếu một dự án được cho là hiệu quả nhưng mức sinh lời chỉ 18%, doanh nghiệp chỉ có thể chấp nhận mức lãi suất dưới 18%, trong khi dự án khác sinh lời 20% (nhưng độ rủi ro cao hơn) thì mức lãi suất họ chịu đựng được có thể là 18%, 19%. Tất nhiên ngân hàng sẽ cho vay đối với dự án chịu lãi suất cao hơn.

 

Trong thời gian tới, Ngân hàng Trung ương cần tiếp tục điều chỉnh mức trần này theo tín hiệu của thị trường và mức độ kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Cần lưu ý là trần huy động sẽ không duy trì mãi mà sẽ được dỡ bỏ khi các ngân hàng thương mại đã được cũng cố, có dấu hiệu hoạt động lành mạnh, cạnh tranh công bằng, đúng theo quy định của pháp luật. Các ngân hàng đã đáp ứng đúng nguồn vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng. Và như vậy, ít nhất phải 3 tháng nữa mới có thể sắp xếp lại trật tự của hệ thống ngân hàng. Sau đó, tùy vào dấu hiệu ổn định của thị trường và quyết định dở trần lãi suất huy động cũng chưa muộn.

 

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng nên nhanh chóng thay đổi cơ chế lãi suất phù hợp với cả hai luật: Ngân hàng và Dân sự chứ không phải chờ đợi sửa đổi một trong hai luật trên. Đồng thời phải tiến hành thanh tra, giám sát, đưa ra kế hoạch sát nhập các các ngân hàng không đủ vốn điều lệ theo pháp định, ổn định chính sách tỷ giá để tạo niềm tin vào giá trị đồng tiền...


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục