Bitcoin điên loạn, chuyên gia nói gì?

(ĐTCK) Tăng giá tới 7.000 USD trong vòng 1 tuần, bitcoin khiến nhiều nhà đầu tư Việt Nam như thiêu thân lao vào mua bằng mọi giá. Song không ít nhà đầu tư chưa kịp mừng thì đồng tiền ảo này quay đầu giảm giá 3.000 - 4.000 USD chỉ trong vòng một ngày.
Bitcoin điên loạn, chuyên gia nói gì?

Bitcoin loạn giá, đầy rẫy lời mời chào mua “trao tay”

Khởi đầu tuần với giá chỉ 11.000 USD, nhưng đến thứ Sáu (8/12), bitcoin đã vọt lên trên 18.000 USD trên Coinmarketcap. Trên sàn Coinbase, giá bitcoin đã có lúc lên tới gần 20.000 USD. Tuy nhiên, trong 2 ngày cuối tuần, bitcoin đã quay đầu giảm giá  mạnh, có lúc chỉ còn trên 14.000 USD/bitcoin.

Như vậy, chỉ trong 1 tuần, bitcoin khiến nhà đầu tư phấn khích vì tăng giá tới 7.000- 8.000 USD, nhưng cũng khiến không ít người nghẹt thở khi rớt giá vài ba ngàn USD chỉ trong một ngày.

Đáng chú ý, khi giá bitcoin tăng điên loạn, mức giá được các sàn “hét” rất khác nhau và đa phần các sàn đều trong tình trạng quá tải, bị hacker tấn công, không thể truy cập. Những dấu hiệu cá mập thao túng cũng đã xuất hiện ở nhiều sàn khi hiện tượng hủy lệnh hàng loạt xảy ra.

Tại Việt Nam, giao dịch bùng nổ khiến các sàn quen thuộc của giới đầu tư tiền ảo liên tục báo nghẽn, mua không được, bán không xong, thậm chí có người đã bán bitcoin, song sàn không cho rút tiền về.

Khi bitcoin lên cơn sốt, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều lời mời chào mua bitcoin trao tay. Theo cảnh báo của một bloger nổi tiếng về bitcoin, đa phần lời mời chào đều nhắm vào những người chơi mới, phụ nữ hoặc người lớn tuổi để lừa đảo. Vì vậy, người không thành thạo máy tính, công nghệ không nên đầu tư tiền ảo, bởi hình thức đầu tư này không được pháp luật bảo vệ.

Không nên để tiền ảo mãi ngoài vòng pháp luật

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, có một thực tế không thể chối cãi là cộng đồng đầu tư tiền ảo tại Việt Nam vẫn tăng từng ngày. Do đó, đưa các hoạt động giao dịch tiền ảo vào khuôn khổ là đòi hỏi cấp thiết. 

Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn bảo lưu quan điểm không chấp nhận tiền ảo là một phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, Chính phủ đang yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu về tiền ảo.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong khoảng 850 đồng tiền ảo đang được lưu hành, thì bitcoin và ethereum phát triển rất mạnh. Tiền ảo có nhiều lợi ích và cũng nhiều rủi ro, vì vậy cách tiếp cận của mỗi nước với tiền ảo rất khác nhau, có nước chấp nhận, có nước đang nghiên cứu tìm hiểu, có nước chưa công nhận.

“Việt Nam đang có cách tiếp cận tương đối phù hợp với hoàn cảnh, mức độ hiểu biết của người dân. Tuy nhiên, tôi mong rằng, Chính phủ sẽ chỉ đạo nghiên cứu các loại tài sản ảo, trong đó có tiền kỹ thuật số, đồng thời khẩn trương có hành lang pháp lý phù hợp với đồng tiền này”, TS. Lực nói.

Thấu hiểu sự e ngại của Chính phủ Việt Nam với tiền ảo, ông Thomas Leiritz, Giám đốc Công nghệ Blockpass IDN cho rằng, sử dụng tiền ảo phải đối mặt với những rủi ro như rửa tiền, buôn lậu… Tuy nhiên, nếu kiểm soát tốt, sử dụng tiền ảo sẽ mang lại nhiều lợi ích. Đương nhiên, để sử dụng tiền ảo, khách hàng phải có hiểu biết nhất định. “Hiện bitcoin chưa được Chính phủ cho phép lưu hành. Một số công ty như chúng tôi đang nỗ lực để thay đổi tư duy của các nhà quản lý”,  ông Thomas Leiritz nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng: Nên công nhận tiền ảo là hàng hóa

Tôi tán thành việc Ngân hàng Nhà nước không công nhận tiền ảo nói chung, bitcoin nói riêng là phương tiện thanh toán. Song tôi cho rằng, nên công nhận đây là một loại hàng hóa, tài sản. Theo đó, những công ty lưu trữ và giao dịch bitcoin phải được kiểm soát để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Điều này cũng sẽ khiến Nhà nước có thể kiểm soát và thu được thuế từ các giao dịch bitcoin.

Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, Cục trưởng Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư (Tổng cục An ninh): Có 4 nguy cơ của tiền ảo tới nền kinh tế

Nếu để bitcoin phát triển một cách ồ ạt, không có định hướng, không có sự quản lý của Nhà nước, thì có thể gây ra những hậu quả khó lường kể cả về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng an ninh, chủ quyền đất nước.

Có 4 nguy cơ của tiền ảo tới nền kinh tế: các băng nhóm tội phạm lợi dụng tiền ảo để rửa tiền; các thế lực thù địch và phản động lưu vong sử dụng tiền ảo để chuyển tiền tài trợ cho các hoạt động chống đối trong nước; Ngân hàng Nhà nước - với chức năng là ngân hàng trung ương - sẽ mất dần sự kiểm soát đối với hệ thống tiền tệ; nguy cơ mất an toàn, lộ thông tin, bị lừa đảo, bị tấn công… rất cao khi thanh toán bằng tiền ảo.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục