Trận đánh FTA và thế cờ cho doanh nghiệp Việt (bài 3): Nước đi chiến thuật trên bàn cờ toàn cầu hóa

Lần đầu tiên, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt 425 tỷ USD vào năm 2017, gấp hơn 3 lần so với mức kỷ lục 140 tỷ USD vào thời điểm 1 năm sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO (năm 2007). Nhưng khi độ mở của nền kinh tế càng lớn, thì ẩn họa từ các biện pháp bảo hộ thương mại mọc lên tua tủa tại những thị trường đối tác càng hiện hữu. Cuộc chơi FTA thực sự là đòn cân não với doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan hoạch định chính sách.
Trận đánh FTA và thế cờ cho doanh nghiệp Việt (bài 3): Nước đi chiến thuật trên bàn cờ toàn cầu hóa

Khi Việt Nam trở thành một trong những thành viên tích cực nhất trong cuộc chơi thương mại toàn cầu với việc tham gia hàng loạt FTA thế hệ mới, các nhà hoạch định chính sách và giới kinh doanh cùng hiểu rằng, nước đi chiến thuật là chấp nhận cạnh tranh để tiến lên nấc thang cao hơn.

Không đối tác nào là... cả bầu trời

Hội nghị G7 diễn ra tại Canada trở nên căng thẳng khi 6 thành viên G7 phải chịu thuế kim loại mà Mỹ áp trên cơ sở an ninh quốc gia. Bộ trưởng Tài chính Pháp đã gọi G7 là G6 +1 bởi một mình Mỹ chống lại tất cả và gây ra nguy cơ bất ổn kinh tế.

Các biện pháp trả đũa với Mỹ cũng đã xuất hiện và tất nhiên, trong cuộc chơi toàn cầu, các nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam không thể chọn cách đứng ngoài.  

“Các doanh nghiệp phải chủ động theo dõi, dự liệu các kế hoạch phòng ngừa. Mặc dù tôi nhìn thấy các đối sách của các nước hầu như chỉ nhắm vào Mỹ, trả đũa những áp đặt của Mỹ, chứ không nhắm vào các đối tác khác, cũng như không đi ngược lại xu hướng toàn cầu hóa, nhưng thực tế bất định là có”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bình luận.

Lúc này, lời giải cho bài toán thương mại toàn cầu quay trở lại câu chuyện về năng lực cạnh tranh, khả năng ứng phó với những biến động của thị trường. Trong hành trình mấy chục năm cá tra Việt... bơi vào thị trường Mỹ, điều dễ nhận thấy là, thành công thường đến với doanh nghiệp có những thay đổi chiến lược rõ ràng. 

Trận đánh FTA và thế cờ cho doanh nghiệp Việt (bài 3): Nước đi chiến thuật trên bàn cờ toàn cầu hóa ảnh 1

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn là một ví dụ. Năm 2017, doanh thu xuất khẩu cá tra của công ty này đạt 270 triệu USD, tăng 8% so với năm 2016 và Mỹ là thị trường xuất khẩu chính khi chiếm gần 56% giá trị xuất khẩu.

Dù thoát trong đợt Mỹ áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ ngày 1/8/2015 đến 31/7/2016, nhưng năm 2018, Vĩnh Hoàn xác định, nâng tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc từ 10% năm 2017 lên khoảng 17%, đưa Trung Quốc trở thành thị trường chiến lược của mình, trong khi tỷ trọng của thị trường Mỹ giảm từ 56% xuống khoảng 51%.

Ngoài Vĩnh Hoàn, nhiều doanh nghiệp khác cũng tính chuyện chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường châu Á, chủ yếu là Trung Quốc.

Một số doanh nghiệp Việt đã thử xuất vài lô hàng vào Mỹ để thăm dò, song với những gì thị trường này đang thể hiện về bảo hộ thương mại, nhiều doanh nghiệp phải cân nhắc lại ý định phát triển kinh doanh tại đây. 

“Hiện cá tra của Việt Nam có mặt ở hơn 100 quốc gia. Trăm người bán, vạn người mua, Mỹ không phải là tất cả. Không bán chỗ này, chúng tôi bán chỗ khác”, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng nói.

Theo ông Đạo, sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc ngày càng lớn, chi phí vận chuyển thấp, không có rào cản kỹ thuật, không áp thuế bất hợp lý như thị trường Mỹ.

Thế nhưng, dự báo thị trường Trung Quốc sẽ không còn dễ dãi như trước và cũng bắt đầu đòi hỏi cao như Mỹ, EU. Vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam cần tập trung làm tốt về chất lượng để khai thác bền vững thị trường rộng lớn này.

“Chúng tôi tự bơi bao năm nay quen rồi và luôn phải tính toán đi trước Nhà nước, đồng thời tiếp cận nhiều luật lệ khác nhau để thích nghi và tồn tại”, ông Đạo cho biết.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sắt thép cũng hướng về thị trường 10 nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ông Nguyễn Huy Độ, Giám đốc Marketing Công ty cổ phần Thép Việt Ý tiết lộ, Công ty đã có những đơn hàng từ Canada và Mexico.

Đâu là nước đi chiến thuật?

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ nêu ra hàng loạt tồn tại, bất cập và các vấn đề cấp thiết mà các bộ, ngành cần tập trung xử lý, giải quyết. Trong đó, vấn đề hàng xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại được cho là thách thức lớn.

Là người nằm lòng câu chuyện đàm phán trong cuộc chơi hội nhập của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán CPTPP của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, với giá trị xuất khẩu năm 2017 là hơn 213 tỷ USD, trong đó Mỹ, Trung Quốc, EU là những thị trường lớn nhất, Việt Nam vẫn chủ trương tham gia các FTA thế hệ mới và CPTPP được cho là đỉnh cao nhất tính đến thời điểm này. 

Ông Khánh kể, trước đây, khi đàm phán các FTA, các chuyên gia đàm phán của Việt Nam không bao giờ “động đến” các mặt hàng thịt lợn, thịt gà, trừ khi đối tác không có mặt hàng xuất khẩu đó.

Với CPTPP, lần đầu tiên Việt Nam đồng ý đưa mức thuế mặt hàng này về 0%. “Khi bàn về việc này, tôi đã hỏi doanh nghiệp có chịu được không. Họ nói, chịu được, phải chịu thì mới thay đổi cách làm ăn để cạnh tranh”, ông Khánh kể. 

Trận đánh FTA và thế cờ cho doanh nghiệp Việt (bài 3): Nước đi chiến thuật trên bàn cờ toàn cầu hóa ảnh 2

Điều này cũng được áp dụng với ngành thủy hải sản của Việt Nam. Song trong trận chiến FTA, doanh nghiệp không thể tự xoay vần.

Lật lại vấn đề, việc doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đổ xô sang thị trường Trung Quốc đã khiến ngành sản xuất cá tra Việt Nam bị phá nát, do các thương lái Trung Quốc luôn lùng sục thu mua, làm giá cả “nhảy múa”, gây tình trạng nhiễu loạn vùng nuôi.

Hay như đối với thép, đây là một lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp xương sống của tất cả các quốc gia trên thế giới, nên vấn đề bảo hộ luôn được đặt lên hàng đầu. 

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Việt Nam là nước tham gia nhiều FTA thuộc loại hàng đầu thế giới, diện tác động được nhìn thấy ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, dịch vụ và thể chế.

Tuy nhiên, một trong những điểm yếu nhất của Việt Nam là việc sử dụng các biện pháp phòng vệ được phép như thuế quan, phi thuế quan, các hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại, thuế chống bán phá giá… Thậm chí, ngay cả công cụ phòng vệ là độ trễ trong thời gian thực hiện cam kết cũng không được tận dụng tối đa.

Đây là lý do mà Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã nhắc tới CPTPP với sự tin tưởng lớn. “Với CPTPP, lợi ích của Việt Nam không phải là những cam kết gỡ bỏ hàng rào thuế quan, mà là những cam kết cải cách từ bên trong...”, ông Khánh trao đổi thắng thắn với các doanh nghiệp, trước những lo ngại việc CPTPP không có Mỹ, thì Việt Nam sẽ mất đi phần lớn cơ hội xuất khẩu.

Theo một nghiên cứu của Nhật Bản, với Việt Nam, những lợi ích từ thuế quan trong CPTPP chỉ giúp GDP của Việt Nam tăng 1,1%, chưa bằng 1/6 lợi ích mà TPP hứa hẹn. Song lợi ích từ cải cách thể chế mà CPTPP mang lại cho GDP Việt Nam gần như bằng TPP, giúp GDP tăng khoảng 10%.  

Điều quan trọng là trong bối cảnh các trào lưu hợp tác đa phương, song phương và bảo hộ đang xáo trộn, thì áp lực cho việc sửa đổi, cải cách thể chế kinh tế để tận dụng tối đa cơ hội từ tự do thương mại, chủ động ứng phó với các rào cản thương mại ngày càng tinh vi và bất định sẽ trở nên nặng nề.

Đặc biệt, sau 23 năm hình thành, có nhiều vấn đề mà WTO - tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh không điều chỉnh được và trở nên lúng túng trước các đối tượng, các quốc gia, như quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử, kinh tế số…

Do đó, sớm hay muộn phải có một bộ quy tắc mới để điều chỉnh vấn đề mới của kinh doanh và đó là CPTPP. “Rất may mắn cho Việt Nam là có thể ngồi vào đàm phán những hiệp định mới như vậy”, ông Khánh nói. 

Rõ ràng, trong “bàn cờ” FTA thế hệ mới, Mỹ hay bất cứ thị trường nào khác sẽ không phải là cả bầu trời với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt sẽ tự tin chọn nước đi của mình cùng sự hậu thuẫn của các cơ quan quản lý, hiệp hội doanh nghiệp trong sử dụng các biện pháp phòng hộ thương mại được phép. 

FTA chưa bao giờ là trận đánh dễ thở, nhưng cơ hội sẽ dành cho những người chấp nhận thay đổi để cạnh tranh thực sự.

"Trách nhiệm số 1 của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô"

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ

Độ mở lớn trong nền kinh tế thế giới và địa chính trị khó lường, xu hướng bảo hộ mậu dịch tăng dễ tác động đến Việt Nam. Vì vậy, trách nhiệm số 1 của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, gia tăng khả năng chống chịu của hệ thống tín dụng, ngân hàng. Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng đề án đánh giá rủi ro và giải pháp đảm bảo phát triển bền vững đến năm 2020.

"Sợ nhất là cải cách thể chế trong nước không theo kịp"

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam

Doanh nghiệp thủy sản có kinh nghiệm “va đập” trong các trận đánh phòng vệ thương mại từ thời Việt Nam gia nhập WTO và họ luôn tìm mọi cách để nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều họ sợ nhất là cải cách thể chế trong nước không theo kịp so với sự chuẩn bị của các quốc gia khác. Bởi đối thủ cạnh tranh mạnh luôn phân tích các thị trường mà Việt Nam tham gia FTA, xem họ sẽ “ăn thêm” hoặc bị doanh nghiệp Việt Nam lấy mất bao nhiêu phần trăm thị phần.

"Ý chí, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng"

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương

Cơ quan quản lý thay đổi tư duy lãnh đạo sang kiến tạo. Để chính sách được đưa ra mang màu sắc kiến tạo nhiều hơn, các cơ quan quản lý, tổ chức, hiệp hội cần tăng cường kênh đối thoại cho người dân, doanh nghiệp. 
Trong một xã hội mà kinh tế đầy biến động như hiện nay, ý chí, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Họ là người biết và hiểu rõ nhất về môi trường kinh doanh, biết làm thế nào để thuận lợi nhất cho công việc kinh doanh.

"Lợi ích kinh tế của đất nước là quan trọng nhất"

Ông Nguyễn Huy Độ, Giám đốc marketing Công ty cổ phần Thép Việt Ý

Bên cạnh rủi ro về việc Mỹ có thể sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ đối với các nước có hàng hóa sử dụng nguyên vật liệu xuất xứ từ Trung Quốc, nhiều khả năng, làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp thép từ Trung Quốc lại tràn sang Việt Nam, khiến doanh nghiệp trong nước bị cạnh tranh hơn. Đối với mỗi quốc gia, lợi ích kinh tế của đất nước là quan trọng nhất. Bản thân Nhà nước với công cụ của mình cũng phải bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục