Khơi thông dòng chảy đầu tư và thanh toán thương mại ASEAN

(ĐTCK) Trong khi tự do thương mại đối với hầu hết các sản phẩm và dịch vụ trong khối ASEAN đã được thực hiện trong hơn thập kỷ qua, thì dòng chảy đầu tư và thanh toán thương mại vẫn chưa thực sự diễn ra suôn sẻ.

Tầm nhìn và kế hoạch

Tự cường và đổi mới, đó là chủ đề chính trong năm Chủ tịch luân phiên ASEAN 2018 của Singapore. Hai yếu tố này đều rất cần thiết nếu ASEAN muốn đạt được sức mạnh thực sự của một thị trường hợp nhất.

Tầm nhìn của Singapore là nhắm đến xây dựng một ASEAN tự cường, tận dụng các cơ hội từ các công nghệ đột phá để sáng tạo và tăng tính cạnh tranh cho khu vực.

Khơi thông dòng chảy đầu tư và thanh toán thương mại ASEAN ảnh 1

 Ông Winfield Wong, Giám đốc Toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng - Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam

Kế hoạch đặt ra là cần tạo một môi trường khuyến khích tự do thương mại, khuyến khích sự phụ thuộc tương hỗ trong khu vực và xây dựng một mạng lưới các thành phố thông minh. Điều này sẽ thúc đẩy kinh tế khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và khuyến khích đầu tư. Thị trường tiêu thụ kỹ thuật số tăng trưởng nhanh của ASEAN cùng với các nhu cầu tương ứng là các yếu tố có thể hỗ trợ kế hoạch này.

Xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN

Đông Nam Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng Internet nhanh nhất trên thế giới. Dự báo, gần 4 triệu người dùng mới tham gia lướt web mỗi tháng trong vòng 5 năm tới. Theo nghiên cứu của Google và Temasek, con số này đồng nghĩa với cơ sở người dùng 480 triệu người đến năm 2020, nhưng những người tiêu dùng này ước tính chỉ chi tiêu 30 tỷ USD mua sắm trực tuyến. Mặc dù vậy, nhiều dự báo cho rằng, mức chi tiêu có thể đạt 200 tỷ USD đến năm 2025, chủ yếu đến từ mua sắm hàng điện tử, quần áo, đồ gia dụng, hàng tạp phẩm, cũng như từ nhu cầu đi lại trong khu vực tăng.

Tại ASEAN, mỗi tháng có thêm khoảng 4 triệu người dùng mới tham gia lướt web 

Tại Việt Nam, thị trường mua sắm trực tuyến có khả năng tiếp nhận công nghệ mới khá cao. Triển vọng này đến từ lực lượng dân số trẻ cởi mở với công nghệ, tỷ lệ người dùng mạng Internet cao với 67% dân số có thể truy cập mạng và số người dùng sở hữu điện thoại thông minh ngày càng tăng, với 84% số người sử dụng điện thoại di động sở hữu điện thoại thông minh tính đến cuối năm 2017.

Tốc độ tăng trưởng nhanh của lượng người tiêu dùng có thu nhập trung bình cũng dẫn đến sức mua sắm hàng trực tuyến tăng mạnh. Tầng lớp trung lưu và có tầm ảnh hưởng ở Việt Nam đến năm 2020 được kỳ vọng tăng gấp đôi năm 2014, đạt 33 triệu người, chiếm khoảng 1/3 dân số.

Đặc biệt, công nghệ kỹ thuật số đã thay đổi mạnh mẽ cách người dùng tìm kiếm, chọn lựa và thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ. Theo một khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao gần đây, mua hàng trực tuyến đã tăng gấp ba sau một năm, chiếm tỷ lệ 2,7%.

Theo Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, khoảng 30% dân số được kỳ vọng sẽ tham gia mua sắm trực tuyến đến năm 2020, thương mại điện tử từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng sẽ tăng 20% mỗi năm, đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Rõ ràng, các nền kinh tế ASEAN đang ở vị thế hoàn toàn có thể tận dụng các lợi ích đến từ tiềm năng của nền kinh tế số hóa đang khởi sắc. Nhưng để biến tiềm năng này trở thành hiện thực, một số thay đổi cần được thực hiện.

Hòa hợp các chuẩn mực và các hệ thống thanh toán tích hợp

Tầm nhìn của khu vực về một thị trường số duy nhất sẽ bao hàm những quy tắc để bảo vệ an ninh không gian mạng, đồng thời cho phép các giao dịch thương mại giữa các thị trường được thực hiện với chi phí thấp hơn rất nhiều. Điều này mở ra một chủ đề quan trọng liên quan tới thanh toán trực tuyến tích hợp. Một hệ thống thanh toán đơn nhất và liên thông mang đến cơ hội to lớn thúc đẩy hoạt động kinh doanh, cũng như thương mại trong nội vùng. Một khi đưa vào hoạt động, hệ thống thanh toán điện tử ASEAN tích hợp sẽ cho phép một doanh nghiệp Singapore thanh toán ngay lập tức cho nhà cung cấp ở Việt Nam bằng tiền đồng chỉ bằng một thao tác thực hiện giao dịch thanh toán ở nước ngoài.

Công nghệ ngân hàng số ngày càng thông dụng trong cuộc sống 

Dỡ bỏ các rào cản về chi phí, cũng như hậu cần đối với các giao dịch thanh toán quốc tế là một bước đi quan trọng tiến đến khai phá tiềm năng tăng trưởng của ASEAN.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, Chính phủ đã khuyến khích phát triển thanh toán điện tử nhằm giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt. Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển tổng thể cho thương mại điện tử trong giai đoạn 2016 - 2020, hướng đến xây dựng một mạng lưới hỗ trợ các dịch vụ thương mại điện tử trong nước, cũng như các hoạt động thương mại điện tử giữa các thị trường.

Số hóa cũng được xem là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam nhằm hỗ trợ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội như được đề cập tại hội thảo về kỹ thuật số do Văn phòng Chính phủ tổ chức vào tháng 1/2018. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các ngân hàng và cơ quan nhà nước đã hợp tác để cùng triển khai thanh toán điện tử cho các doanh nghiệp. Điều này giúp cải thiện quy trình quản lý nhà nước, đẩy nhanh các thủ tục hải quan, mang đến sự tiện lợi cho khách hàng, cũng như hỗ trợ việc thu ngân sách nhà nước.

Cùng với các ngân hàng khác, HSBC Việt Nam đã triển khai thanh toán thuế điện tử, thanh toán phí hải quan điện tử giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giảm lượng giấy sử dụng và cải thiện quy trình hoạt động. HSBC cũng là một trong những ngân hàng nước ngoài đầu tiên áp dụng khung thời gian mở rộng cho hoạt động thanh toán thuế trực tuyến, giúp doanh nghiệp có nhiều thời gian hơn để thực hiện các nghĩa vụ thuế.

Số hóa quy trình thương mại

Nhiều lợi ích to lớn khác cũng sẽ đạt được nếu việc hợp nhất khu vực được thực hiện song song với áp dụng các công nghệ mới (chẳng hạn như cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ sổ cái phân phối). Tương tự như việc tích hợp, áp dụng những công nghệ mới này có thể đẩy mạnh lợi nhuận trong khu vực lên khoảng 25-45 tỷ USD đến năm 2030.

Còn nhiều việc cần làm để số hóa quy trình chuỗi cung ứng và giảm các rào cản phi thuế quan. Các đề án như cơ chế một cửa tạo điều kiện thuận lợi cho quy trình hải quan, hay cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN, là những khởi đầu tích cực.

Đáng chú ý, các hệ thống tài trợ thương mại vẫn còn dựa nhiều vào việc sử dụng giấy tờ. Tổ chức OECD ước tính, chi phí ẩn của các giao dịch thương mại - liên quan đến các quy trình được thực hiện thủ công trong hầu hết các giao dịch - có thể chiếm 15% giá trị hàng hóa giao dịch.

Tại HSBC, hàng năm, chúng tôi thực hiện các giao dịch thương mại trị giá 500 tỷ USD. Một đội ngũ hơn 4.000 người thực hiện việc xem xét hàng triệu bộ hồ sơ giấy tờ một cách thủ công. Khách hàng phải cung cấp cho ngân hàng nhiều loại chứng từ để có thể thực hiện các giao dịch của mình.

Với các sáng kiến số hóa, khách hàng có thể trải nghiệm kênh giao dịch hiện đại, hỗ trợ việc nộp chứng từ thương mại, từ đó đơn giản hóa quy trình kinh doanh; các giao dịch thương mại sẽ được thực hiện giữa các quốc gia một cách an toàn, nhanh chóng, đơn giản, chi phí thấp với việc sử dụng giấy ít hơn và việc tham gia của con người cũng giảm đáng kể, giảm thiểu các lỗi gây ra do các thao tác được thực hiện thủ công.

Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN

Cùng với nền kinh tế kỹ thuật số, một mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN cũng được đề nghị phát triển. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tại châu Á đồng nghĩa với các thành phố không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải trở nên hiệu quả hơn, được tổ chức quy củ và thông minh hơn.

Sự quá tải của hạ tầng giao thông, nhà ở, mạng lưới công nghệ thông tin và viễn thông là một minh chứng. Phát triển cơ sở hạ tầng là trọng tâm của tất cả vấn đề này. Đường sá, cầu cảng, sân bay và mạng lưới viễn thông cần được xây dựng hoặc cải tạo để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này.

HSBC ước tính, ASEAN cần khoảng 2.100 tỷ USD đầu tư cơ sở hạ tầng, một con số quá lớn so với khả năng ngân sách. Tuy nhiên, các chính phủ ASEAN dường như không bị nản lòng bởi điều này. Các kế hoạch đã được công bố để tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng qua những dự án có quy mô lớn, bao gồm hệ thống tàu cao tốc và hệ thống vận tải công cộng.

Số hóa giữ vai trò quyết định

Hình thành các thành phố thông minh, số hóa quy trình thương mại, xây dựng các hệ thống thanh toán tích hợp… là những ưu tiên hàng đầu mà Singapore đang nỗ lực đưa vào chương trình nghị sự của ASEAN. Trong trường hợp lý tưởng, ASEAN sẽ đặt ra một khung chương trình hành động cho tất cả những sáng kiến này.

Nhưng trong trường hợp điều lý tưởng này không xảy ra, nếu chỉ có thể ưu tiên một vấn đề, nền kinh tế kỹ thuật số cần được đưa lên hàng đầu. Nếu không đầu tư vào cơ sở hạ tầng mềm của khu vực và hài hòa các hệ thống, ASEAN sẽ mất lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Và các thành phố thông minh sẽ không thể trở thành hiện thực nếu không nắm bắt các công nghệ được sử dụng trong xây xựng nền kinh tế kỹ thuật số.

Tăng trưởng nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN không phải là một sáng kiến mới trong bối cảnh sự dịch chuyển của công dân trở thành công dân số đang diễn ra mạnh mẽ. Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu số hóa không phải là yếu tố theo sau, mà giữ vai trò quyết định. 

Winfield Wong
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục