Văn hóa doanh nghiệp Nhật đang thay đổi

Hồi tháng 12/2015, vụ tự tử do làm việc quá sức của một nữ nhân viên trẻ thuộc Hãng quảng cáo khổng lồ Dentsu đã gióng lên hồi chuông báo động cho giới doanh nghiệp cũng như Chính phủ Nhật Bản. 
Văn hóa doanh nghiệp Nhật đang thay đổi

Hiện là người lãnh đạo cuộc cải cách lao động tại nước này, trong năm nay, Thủ tướng Shinzo Abe đang cố gắng điều chỉnh vấn đề làm thêm giờ ở xứ sở mặt trời mọc - nơi mà tình trạng "tử vong do làm việc quá sức" (được gọi là "karoshi") đã và đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng.

Trong nỗ lực này, một ủy ban thuộc chính phủ do Thủ tướng Shinzo Abe đứng đầu hôm 28/3 công bố kế hoạch hành động nhằm kêu gọi giảm giờ làm và đảm bảo sự đối xử công bằng giữa nhân viên thường xuyên và nhân viên thời vụ.

Theo đó, thời gian làm thêm không nên vượt quá 100 giờ/tháng, dù có trong giai đoạn cao điểm. Nếu giai đoạn cao điểm kéo dài hơn một tháng, số giờ làm thêm trung bình mỗi tháng không vượt quá 80 giờ - mức độ làm việc có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, theo JapanToday.

"Chính phủ có một vai trò quan trọng. Kế hoạch hành động sẽ vô nghĩa nếu nó không được luật hóa và ban hành", ông Shinzo Abe nói về vấn đề thay đổi phong cách làm việc trong một cuộc họp của ủy ban này, đồng thời cho biết năm 2017 sẽ là "điểm khởi đầu" cho công cuộc cải cách lao động tại Nhật.

CNBC nhận định, xét về khía cạnh chất lượng cuộc sống, đây là một sự thay đổi đáng hoan nghênh, nhưng còn đối với sức mạnh của nền kinh tế Nhật thì lại là một câu chuyện khác.

Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) mới đây cho biết, sự cắt giảm giờ làm việc quá mức có thể gây ra tác động lớn đến sự tăng trưởng kinh tế. Deutsche Bank đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật từ 1,1% trong năm 2017 và 1,4% trong năm 2018 xuống thành 1% và 1,1%.

Đi tìm giải pháp tiềm năng

CBRE - một trong những hãng bất động sản lớn nhất thế giới đã và đang thiết kế lại văn phòng tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Theo đó, họ bỏ các bàn làm việc cố định và tạo nên một không gian làm việc mở dựa trên từng loại hoạt động cụ thể. Tất cả nhân viên, bao gồm cả CEO, đều đựng đồ đạc riêng trong một ngăn tủ locker thay vì trong ngăn bàn làm việc như lúc trước.

Trong văn phòng của CBRE tại Tokyo còn có cả một cửa hàng cà phê lớn để phục vụ nhân viên. Những góc văn phòng (corner office: vị trí đẹp trong tòa nhà với hai bức tường vuông góc và có nhiều cửa sổ) - nơi trước đây thường chỉ dành cho những nhà điều hành cấp cao, giờ biến thành một "khu vực mở" cho tất cả mọi người, theo CNBC.

Văn hóa doanh nghiệp Nhật đang thay đổi ảnh 1

"Trong văn phòng kiểu cũ, bạn đến bàn làm việc của mình rồi làm việc. Chỉ có thế. Bạn không thể tình cờ gặp một nhân viên ở bộ phận khác hoặc có cơ hội trò chuyện về những cơ hội mới. Những lợi ích từ việc sở hữu một phòng làm việc riêng chỉ là trên lý thuyết. Làm sao nó có thể thực sự phản ánh địa vị hay quyền lực của bạn?", Chinatsu Kaneko - Giám đốc chiến lược nơi làm việc (Workplace Strategy Director) của CBRE nói.

Sự thay đổi này cũng tương tự cách thiết kế văn phòng phổ biến của các hãng công nghệ tại Thung lũng Silicon, nhằm mục đích thúc đẩy sự kết nối giữa các bộ phận và tăng sự hài lòng của nhân viên.

Theo một nghiên cứu về nguồn vốn nhân lực toàn cầu năm 2015 của Deloitte, có 87% công ty/tổ chức cho rằng yếu tố văn hóa và sự gắn kết là một trong những thách thức lớn nhất mà họ phải đối mặt. Trong khi đó tại Nhật Bản, chỉ có 7% nhân viên cho biết cảm thấy có sự gắn kết với công việc.

Trên thực tế, Chinatsu Kaneko cho biết, quá trình cải cách không gian làm việc cũng không nhận được sự đồng tình của tất cả nhân viên. Có người nói rằng: "Tôi đã đi làm được 20 năm, tôi có cách làm việc riêng và tôi không muốn thay đổi". "Bạn phải giúp họ nhìn thấy được những lợi ích theo từng bước một", Chinatsu Kaneko nhận định.

"Cuộc cách mạng" lần này là một phần của sáng kiến mang tên Workplace 360 của CBRE, hướng đến mục tiêu biến mọi văn phòng làm việc của Hãng trên toàn cầu thành những "môi trường hợp tác". Văn phòng của CBRE tại Tokyo được mô tả như một "vật mẫu" để khách hàng doanh nghiệp muốn sử dụng dịch vụ đổi mới không gian làm việc của Hãng có thể tận mắt chứng kiến.

Kaneko cho rằng nếu chính phủ tăng cường sự cải cách lao động trên toàn nước Nhật, phong cách và dịch vụ văn phòng của CBRE sẽ trở nên phổ biến và được yêu thích.

Xu hướng làm việc từ xa

Một trong những cách để hạn chế tình trạng "karoshi" là cho phép nhân viên làm việc từ xa. Hồi tháng 1, Hãng sản xuất các sản phẩm chăm sóc phụ nữ, trẻ em và đồ gia dụng Unicharm cũng đã công bố một chương trình làm việc từ xa cho khoảng 1.500 nhân viên.

Cùng với nhiều doanh nghiệp khác, Tập đoàn Giao dịch chứng khoán Nhật Bản (còn được gọi là JPX, sáp nhập từ Sở giao dịch chứng khoán Tokyo và Sở giao dịch chứng khoán Osaka) cũng sẽ tham gia vào xu hướng này. Bắt đầu từ tháng 4, các nhà điều hành JPX sẽ cho phép nhân viên làm việc tại nhà đến 2 ngày/tuần, theo Japan Times. Chương trình sẽ được áp dụng cho gần 1.000 nhân viên với thâm niên tối thiểu 2 năm.

Cũng bắt đầu từ tháng 4, Hãng dịch vụ tài chính Nomura Securities sẽ cho phép gần 4.100 nhân viên tại các trụ sở chính của Hãng làm việc từ xa 5 ngày/tháng. Còn Công ty thiết bị máy tính cá nhân Fujitsu và Hãng sản xuất thực phẩm và đồ uống Kagome thì cho biết sẽ công bố chương trình làm việc từ xa cụ thể cho nhân viên trong tháng tư. Toyota Motor, Nissan Motor và The Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ, Ltd. cũng đã có những chính sách tương tự.

"Khoảng một thập kỷ trước, chính sách làm việc từ xa gần như chỉ được thực hiện bởi các công ty nước ngoài và các hãng công nghệ thông tin, nhưng hiện tại xu hướng này đã lan đến cả các công ty tài chính và cả các hãng sản xuất", Mika Togashi - Tổng thư ký Hiệp hội Làm việc từ xa Nhật Bản (Japan Telework Association - đơn vị đề xướng thực hiện chính sách làm việc từ xa trong các doanh nghiệp Nhật) cho biết.

theo DNSG

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục