Sau phút thăng hoa, chứng khoán đồng loạt quay đầu

(ĐTCK) Sau khi thiết lập đỉnh cao lịch sử phiên cuối tuần trước, phố Wall đã đồng loạt quay đầu trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Sau phút thăng hoa, chứng khoán đồng loạt quay đầu

Sau phiên tăng cao để thiết lập kỷ lục mới trong phiên cuối tuần trước nhờ thông tin Thượng viện Mỹ thông qua kế hoạch cắt giảm 6.000 tỷ USD tiền thuế của Tổng thống Donald Trump, phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới sau thông tin liên minh đảng cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thắng lớn trong cuộc bẩu cử diễn ra hôm 22/10.

Đà tăng được duy trì trong suốt phiên sáng, nhưng sau đó đã quay đầu giảm trở lại trong phiên chiều do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu công nghệ và công nghiệp.

Cụ thể cổ phiếu của đại gia công nghệ General Electric giảm 6,3% sau khi các công ty phân tích giảm mục tiêu giá do khả năng cắt giảm cổ tức của tập đoàn này khá cao.

Kết thúc phiên 23/10, chỉ số Dow Jones giảm 54,67 điểm (-0,23%), xuống 23.273,96 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 10,23 điểm (-0,40%), xuống 2.564,98 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 42,23 điểm (-0,64%), lên 6.629,05 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục phiên lình xình trong phiên đầu tuần mới khi các nhà đầu tư thận trọng về cuộc khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha. Dù vậy, sắc xanh nhạt vẫn được duy trì trên cả 3 chỉ số chính của khu vực nhờ sự hỗ trợ của thông tin mua bán, sáp nhập và kết quả kinh doanh.

Kết thúc phiên 23/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 1,22 điểm (+0,02%), lên 7.524,45 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 11,86 điểm (+0,09%), lên 13.003,14 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 14,43 điểm (+0,27%), lên 5.386,81 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chiến thắng áp đảo của liên minh đảng cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã giúp chứng khoán Nhật Bản tiếp tục thăng hoa với phiên tăng thứ 15 liên tiếp, lên mức cao nhất 21 năm trong phiên thứ Hai. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông lại giảm mạnh do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục lại may mắn có được sắc xanh nhạt do sự ổn định của nhóm cổ phiếu tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe.

Kết thúc phiên 23/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 239,01 điểm (+1,11%), lên 21.696,65 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 181,36 điểm (-0,64%), xuống 28.305,88 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,05 điểm (+0,06%), lên 3.380,70 điểm.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này tiếp tục giảm trong suốt phiên châu Á và châu Âu, cũng như nửa đầu phiên Mỹ. Tuy nhiên, vào cuối phiên giao dịch Mỹ, khi chứng khoán quay đầu giảm, giá vàng đã bất ngờ vọt trở lại và đóng cửa với mức tăng nhẹ.

Kết thúc phiên 23/10, giá vàng giao ngay tăng 2 USD/ounce (+0,16%), lên 1.282,0 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 0,4 USD/ounce (+0,03%), lên 1.280,9 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, theo dữ liệu vừa công bố, xuất khẩu dầu thô từ miền Nam Iraq, nước sản xuất lớn thứ 2 của OPEC đã giảm 110.000 thùng/ngày trong tháng 10. Tuy nhiên, theo nguồn tin mới nhất từ Reuters, xuất khẩu từ miền Bắc đã tăng lên 288.000 thùng/ngày vào cuối ngày thứ Hai, từ mức 255.000 thùng/ngày.

Thông khác cho thấy, số lượng giàn khoan của Mỹ trong tuần qua giảm 7 giàn, xuống mức 736 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 6.

Dù các thông tin trên là tích cực với thị trường dầu thô, nhưng giới đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng, bởi họ đang đợi kết quả về lượng hàng tồn kho của Mỹ sẽ được công bố lần lượt vào thứ Ba và thứ Tư. Số lượng giàn khoan của Mỹ giảm tuần qua chủ yếu là do yếu tố khách quan từ ảnh hưởng của những cơn bão và nó không phản ánh chính xác sản lượng dầu thô của Mỹ tăng lên trong năm 2018.

Kết thúc phiên 23/10, giá dầu thô Mỹ tăng 0,06 USD (+0,10%), lên 51,90 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giảm 0,38 USD (-0,66%), xuống 57,37 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục