Rủi ro từ giao dịch qua Wechat tại Trung Quốc

(ĐTCK) Tại Trung Quốc, nhân viên ngân hàng và giao dịch viên tại các sàn chứng khoán không gọi điện hay gửi mail khi thực hiện giao dịch. Bởi tất cả đều được thực hiện qua WeChat, một ứng dụng "tất cả trong một" trên di động.
Rủi ro từ giao dịch qua Wechat tại Trung Quốc

Mặc dù giới chức quản lý ngành tài chính tại nhiều nơi đang thắt chặt kỷ cương đối với  hoạt động giao dịch tài chính bằng phần mềm/ứng dụng nhắn tin riêng tư, nhưng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thực trạng này diễn ra rất phổ biến. Giới đầu tư tại thị trường trái phiếu trị giá 11.000 tỷ USD ở Đại lục sử dụng tài khoản cá nhân trên WeChat và QQ - ứng dụng di động thuộc sở hữu bởi hãng công nghệ khổng lồ Tencent Holdings Ltd cho mọi hoạt động, từ nhận bản tin phân tích, cho tới đặt lệnh mua/bán.

Thực tế, việc sử dụng các công cụ mạng xã hội để tiến hành công việc kinh doanh không trái luật, nhưng tại đa phần thị trường phát triển, cơ quan quản lý yêu cầu các ghi chép cần được lưu giữ. Trung Quốc cũng có các quy định về việc lưu giữ tin nhắn, nhưng không rõ ràng hiệu lực của quy tắc này như thế nào đối với các tin nhắn bằng WeChat, hoặc trên cộng đồng QQ, theo Bloomberg News. Quy định rõ ràng nhất là của Hiệp hội Các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường tài chính, khi yêu cầu các nhà môi giới trên thị trường liên ngân hàng cần giữ các tin nhắn/đoạn hội thoại trong ít nhất 3 tháng.

“Việc sử dụng các công cụ mạng xã hội tại thị trường tài chính Trung Quốc là xu hướng không thể đảo ngược. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các giao dịch, bởi tài khoản WeChat mang tính cá nhân và không được điều chỉnh bởi quy định rõ ràng”, Hao Hong, chiến lược gia trưởng tại Bocom International Holdings Co., cho biết.

Công nghệ tài chính tại Trung Quốc đã đạt đến mức ngay cả các khoản vay hoặc cầm cố tài sản đều có thể dễ dàng thực hiện trên nền tảng thương mại điện tử như Taobao. Bên cạnh đó, được thành lập năm 2011, WeChat đã nhanh chóng xâm nhập vào mọi mặt đời sống của người dân Trung Quốc, khi họ sử dụng nó để nhắn tin, đăng ảnh, tìm kiếm thông tin và thanh toán điện tử.

Trong bối cảnh này, các giao dịch viên Đại lục đã lập các nhóm trên WeChat hoặc QQ để chia sẻ nghiên cứu và thông tin liên quan, cũng như các tin đồn. Trong tháng 6, tin đồn rằng, các nhà băng đang cố bán ra cổ phiếu của Dalian Wanda Group Co., được lan truyền trong các nhóm tài chính trên WeChat, khiến cổ phiếu và trái phiếu do Công ty phát hành đồng loạt lao dốc. Sau đó, Wanda đã xác nhận đây chỉ là thông tin giả mạo.

“WeChat và QQ rất hiệu quả trong việc tiếp cận nhiều người so với gọi điện thoại. Nếu bạn muốn cho vay hoặc mượn tiền, mua hoặc bán trái phiếu, chỉ cần đăng tin lên nhóm. Nếu ai đó quan tâm, hai người có thể trò chuyện riêng”, Wang Ming, Giám đốc Hoạt động tại Shanghai Yaozhi Asset Management Co., nói và cho biết thêm, công ty của ông không có quy định về việc phải ghi chép, lưu giữ lại các đoạn hội thoại trước giao dịch. Đồng nghĩa với việc, bất kỳ giao dịch nào được thực hiện qua điện thoại cá nhân của nhân viên đều không bị kiểm soát.

Trong khi đó, tình trạng này ở Hồng Kông rõ ràng hơn, khi giới chức yêu cầu các giao dịch qua điện thoại cần được lưu giữ. Nếu giao dịch được sắp xếp qua di động cá nhân, giao dịch viên/nhân viên ngân hàng bắt buộc phải gọi điện tới công ty để các thông tin được ghi chép lại. Trong tuần trước, một lãnh đạo ngân hàng tại Hồng Kông đã bị cấm hoạt động trong 6 tháng vì chấp nhận lệnh giao dịch qua WeChat.

Không riêng Hồng Kông, tại các thị trường tài chính phát triển, quy định sử dụng tin nhắn cá nhân trong giao dịch khá nghiêm ngặt. Chẳng hạn, đầu năm nay, cựu lãnh đạo Ngân hàng Jefferies Group LLC đã bị phạt vì chia sẻ số liệu kín trên WhatsApp. Trong khi các nhà băng lớn Phố Wall đều có chính sách cụ thể nhằm ngăn chặn việc phát tán, cung cấp thông tin tài chính trên mạng xã hội trong bối cảnh bùng nổ sử dụng ứng dụng nhắn tin cá nhân tại cộng đồng tài chính.

Thậm chí, Deutsche Bank AG đã cấm việc nhắn tin trên di động, cũng như các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp trong hoạt động dịch vụ trên toàn cầu, nhằm giữ vững các tiêu chuẩn an toàn.

Clifford Lee, Giám đốc Thu nhập cố định tại DBS Group Holdings Ltd cho biết: “Xác nhận giao dịch không qua các kênh chính thức, hoặc không được lữu giữ có thể dẫn tới nhiều vấn đề. Hiện tại, người ta chưa chú trọng tới nó bởi vì trào lưu sử dụng các ứng dụng nhắn tin cá nhân đang rất mạnh. Tuy nhiên, hậu quả thường tới muộn và các bài học sẽ rất thấm thía”.   

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục