Những điều kỳ lạ tại thị trường chứng khoán 7,4 nghìn tỷ USD của Trung Quốc

(ĐTCK) Kể từ ngày 1/6, MSCI Inc quyết định bổ sung cổ phiếu của 234 công ty niêm yết tại Đại lục vào các chỉ số của mình, buộc các quỹ đầu tư dựa theo những chỉ số này phải bổ sung thêm những cổ phiếu kể trên. Khi cánh cửa dẫn tới thị trường chứng khoán trị giá 7,4 nghìn tỷ USD của Trung Quốc mở rộng hơn, nhà đầu tư nước ngoài không khỏi ngạc nhiên vì những điều khác thường tại thị trường này.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Đặt tên rất quan trọng

Tại Trung Quốc, không ngạc nhiên khi nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu chỉ vì cái tên cổ phiếu nghe “hấp dẫn”. Thông thường, dòng tiền sẽ đổ vào các công ty với tên có chữ “hoàng đế”, “vua”. Một ví dụ điển hình là một cổ phiếu có tên nghe gần giống phát âm tiếng Anh của cụm từ “Trump thắng lớn” đã tăng giá 6,1% vào ngày diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, trong khi một cổ phiếu khác nghe như “bà Hillary” lại đi xuống.

Thậm chí, cổ phiếu của một công ty sản xuất tủ lạnh và điều hòa có tên tiếng Hoa nghe gần giống “Barack Obama” đã tăng giá 6 ngày liên tiếp sau khi vị tổng thống này thắng cử năm 2008.

Chơi xổ số cùng IPO

Một trong những cách nhanh nhất để kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán Đại lục là mua cổ phiếu IPO, dù điều này cũng đòi hỏi nhiều may mắn, khi tỷ lệ chọi để mua được là 1 trong số 2.000 người đăng ký. Cổ phiếu IPO có sức nóng đặc biệt khi thường tăng giá mạnh trong ngày giao dịch đầu tiên. Trong năm 2018, mọi cổ phiếu mới niêm yết đều tăng giá tới giới hạn 44%.

Xếp hàng

Không riêng nhà đầu tư gặp khó khi săn cổ phiếu, mà doanh nghiệp muốn được niêm yết cũng phải kiên nhẫn xếp hàng. Tính cho tới cuối tháng 5, đang có 310 doanh nghiệp đợi được chấp thuận lên sàn. Thời gian trung bình để các công ty có thể niêm yết tại Trung Quốc là 536 ngày, theo số liệu tổng hợp của Bloomberg. Trong khi con số này tại Mỹ là 32 ngày và Nhật Bản là 25 ngày.

Nhà đầu tư cá nhân là chủ yếu

Hãy tạm quên đi chiến lược dài hạn khi đầu tư tại Trung Quốc, bởi đa phần nhà đầu tư nơi đây không có chiến lược, chưa nói tới dài hạn. Thực tế, các nhà đầu tư tổ chức rất hiếm hoi tại sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, nơi mà nhà đầu tư cá nhân và môi giới chiếm tới 80% khối lượng giao dịch mỗi ngày.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thị trường chứng khoán Trung Quốc bùng nổ và sụp đổ vào năm 2015 có nguyên nhân chính xuất phát từ các nhà đầu tư mới. Cụ thể, trong 2 tuần trước khi thị trường sụp đổ, 2,8 triệu nhà đầu tư cá nhân mới đã tham gia thị trường, không ít trong số này chưa từng học hoặc tốt nghiệp trung học.

Chiến thuật đóng băng

Một thủ thuật mà các doanh nghiệp gặp trục trặc tại thị trường chứng khoán Trung Quốc hay sử dụng là tạm ngừng giao dịch. Thực tế, việc ngừng giao dịch tại Đại lục diễn ra thường xuyên gấp nhiều lần so với các thị trường khác. Tính tới tháng 3/2018, khối lượng các cổ phiếu tạm ngừng giao dịch tại các sàn chứng khoán ở quốc gia này đạt hơn 456 tỷ USD, cao gấp 3.150 lần tại Mỹ, nơi có giới hạn chỉ được ngừng giao dịch trong 10 ngày.

MSCI đã từ chối đưa cổ phiếu Trung Quốc vào các chỉ số của mình trong 3 năm liền, chủ yếu bởi sự kiểm soát của chính quyền quốc gia này đối với thị trường tài chính.

Do đó, lần đồng ý đầu tiên này được kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn mới đối với thị trường Đại lục. Theo thông báo từ MSCI, công ty này đề nghị Trung Quốc sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường đối với các nhà quản lý tài sản trên toàn cầu bằng cách cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu tại sàn Thẩm Quyến – vốn được coi là Nasdaq của Trung Quốc.

Khi đó, cánh cửa đối với thị trường quy mô lớn của Đại lục sẽ rộng mở hơn với nhà đầu tư nước ngoài và những điều kỳ lạ kể trên sẽ phần nào thay đổi.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục