Kỷ nguyên nới lỏng tiền tệ đã đến hồi kết

(ĐTCK) Kể từ khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra, các ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới đã giữ lãi suất ở mức gần bằng 0, tiến hành mua vào hàng nghìn tỷ USD trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp với kỳ vọng rằng, lãi suất thấp sẽ thúc đẩy chi tiêu của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hiện tại, nhiều dấu hiệu cho thấy, giới chức tiền tệ đã quyết định sẽ kết thúc chính sách nới lỏng tiền tệ vào năm tới.
Fed bắt đầu để các trái phiếu đến hạn, thay vì đáo hạn nhằm thu hẹp dần bảng cân đối kế toán trị giá 4.500 tỷ USD Fed bắt đầu để các trái phiếu đến hạn, thay vì đáo hạn nhằm thu hẹp dần bảng cân đối kế toán trị giá 4.500 tỷ USD

Thực tế, các chuyên gia kinh tế còn nhiều tranh cãi về việc chính sách nới lỏng đã có tác động như thế nào tới tăng trưởng kinh tế nói chung. Tuy nhiên, có 2 điều được đa phần giới chuyên môn đồng thuận, đó là dòng tiền dồi dào với chi phí rẻ đã giúp ngành tài chính phục hồi sau khi sụp đổ năm 2008 và đưa thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu lên những đỉnh cao mới.

Chẳng hạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bơm 3.600 tỷ USD vào nền kinh tế trong giai đoạn 2008 - 2014 và mối liên hệ giữa chính sách nới lỏng và diễn biến thị trường là rất chặt chẽ. Hơn một nửa lần tăng điểm của chỉ số S&P 500 từ năm 2008 cho tới khi Fed bắt đầu nâng lãi suất vào cuối năm 2015 trùng với ngày Fed công bố các quyết định chính sách.

Hiện tại, giới chức tiền tệ nhiều quốc gia tin rằng, nền kinh tế của họ đã đủ mạnh để phát triển tích cực mà không cần quá nới lỏng tiền tệ. Fed là cơ quan thực hiện bước đi đầu tiên vào tháng 10 khi bắt đầu để các trái phiếu đến hạn, thay vì đáo hạn nhằm thu hẹp dần bảng cân đối kế toán trị giá 4.500 tỷ USD. Theo đó, 50 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng sẽ được rút ra khỏi thị trường trái phiếu quốc gia từ nay cho tới tháng 10/2018.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã công bố kế hoạch thu nhỏ các gói mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu từ đầu năm 2018, dù hiện tại vẫn mua vào. Đồng thời, giới chức tiền tệ Trung Quốc được dự báo sẽ kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng trong năm tới, khi Chủ tịch Tập Cận Bình tập trung vào chiến lược giảm thiểu rủi ro tại ngành tài chính.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) là ngân hàng trung ương lớn duy nhất dường như vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng. Tuy nhiên, một "dấu chân ngược chiều" này không đủ sức để ngăn lại xu hướng dần chấm dứt nới lỏng của giới chức tiền tệ trên toàn cầu. Các nhà kinh tế học nhận định, chiến lược thắt chặt sẽ bắt đầu vào khoảng giữa năm 2018.

Thêm vào đó, 3 trong số 4 thống đốc ngân hàng trung ương quan trọng nhất trên toàn cầu đang ở gần cuối nhiệm kỳ và nhiều khả năng sẽ bị thay thế (Chủ tịch Fed Janet Yellen kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 2/2018; Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda vào tháng 4/2018; ông Chu Tiểu Xuyên, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sắp về hưu sau 15 năm nắm quyền), trong bối cảnh có nhiều yếu tố thúc đẩy những người kế nhiệm đẩy nhanh hơn quá trình thắt chặt.

Cụ thể, đa phần các nền kinh tế đang tăng trưởng vững chắc, thị trường việc làm phục hồi, thu nhập của hộ gia đình tại Mỹ lên mức cao ấn tượng, các cuộc khủng hoảng tại một số quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha dần lắng xuống, Trung Quốc kiểm soát chặt hơn dòng tiền đổ ra thị trường trước mối lo khủng hoảng nợ.

Trong bối cảnh này, một số chuyên gia kinh tế lại tỏ ra lo ngại sự dịch chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt có thể ảnh hưởng đồng bộ tới hoạt động của giới đầu tư, với rủi ro có thể tạo nên một cuộc khủng hoảng mới. Chẳng hạn, khi Fed bắt đầu nâng lại lãi suất vào năm 1994, hành động này đã tạo nên đà giảm tồi tệ nhất tại thị trường trái phiếu doanh nghiệp kéo dài trong 2 thập kỷ. Chưa kể, quyết định này còn "bóp cò" cho việc hạ giá đột ngột của đồng peso Mexico, từ đó dẫn tới khủng hoảng kinh tế Mexico 1994, hay còn được gọi là "Khủng hoảng Tequila".

Dù vậy, các ngân hàng trung ương đã bắt đầu đặt mối lo ngại này sang một bên, cũng như việc vẫn chưa đạt được mức lạm phát mục tiêu, giá cả hàng hóa chưa đi lên như kỳ vọng, để tập trung vào việc thắt chặt dòng tiền so với giai đoạn trước đây.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục