Giới đầu tư tiếp tục đặt niềm tin vào chứng khoán

(ĐTCK) Dù chịu một số thông tin kém tích cực, nhất là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn, nhưng giới đầu tư vẫn đặt cược vào đà tăng trưởng của nền kinh tế nên vẫn rót tiền mạnh vào chứng khoán.
Giới đầu tư tiếp tục đặt niềm tin vào chứng khoán

Phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Hai nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ khi nhà dầu tư tiếp tục đặt cược vào đà tăng trưởng kinh tế. Đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ giúp Nasdaq thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, trong khi nhóm cổ phiếu năng lượng giảm theo giá dầu đã hãm đà tăng của S&P 500.

Trong đó, cổ phiếu Apple lên mức cao kỷ lục sau khi các nhà đầu tư đặt cược vào Hội nghị dành cho nhà phát triển của Apple (WWDC) 2018 diễn ra vào đêm 5/6.

Ngoài ra, dữ liệu việc làm tháng 5 tích cực được công bố trước đó cũng tiếp tục hỗ trợ thị trường trong phiên thứ Hai.

Kết thúc phiên 4/6, chỉ số Dow Jones tăng 178,48 điểm (+0,72%), lên 24.813,69 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,25 điểm (+0,45%), lên 2.746,87 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 52,13 điểm (+0,69%), lên 7.606,46 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng duy trì đà tăng trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi nỗi lo về chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các đối tác bị lu mờ trước dữ liệu việc làm của Mỹ khả quan, cùng với cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 3 tháng tại Italia có lối ra.

Kết thúc phiên 4/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 39,52 điểm (+0,51%), lên 7.741,29 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 46,48 điểm (+0,37%), lên 12.770,75 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 7,39 điểm (+0,14%), lên 5.472,91 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, ảnh hưởng từ phiên khởi sắc cuối tuần trước của phố Wall, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông có phiên giao dịch đầy hứng khởi đầu tuần mới, chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng hồi phục trở lại nhờ nhóm cổ phiếu tiêu dùng và bất động sản.

Kết thúc phiên 4/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 304,59 điểm (+1,37%), lên 22.475,94 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 505,57 điểm (+1,66%), lên 30.997,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 16,05 điểm (+0,52%), lên 3.091,19 điểm.

Lình xình trong phiên châu Á, nhưng giá vàng bật tăng mạnh trong phiên châu Âu và đầu phiên Mỹ khi đồng USD giảm mạnh xuống mức thấp nhất 2 tuần. Tuy nhiên, giá kim loại quý này lại đảo chiều đi xuống sau đó và đóng cửa dưới mức giá của ngày cuối tuần trước khi chứng khoán vẫn tỏ ra sự hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 4/6, giá vàng giao ngay giảm 1,6 USD (-0,12%), xuống 1.291,5 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 1,7 USD/ounce (-0,13%), xuống 1.293,1 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh trong phiên đầu tuần mới với việc giá dầu thô Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4, xuyên thủng mốc hỗ trợ khi sản lượng của Mỹ gia tăng và nỗi lo về nguồn cung sẽ tăng thêm khi Nga và OPEC có thể sẽ bỏ thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Kết thúc phiên 4/6, giá dầu thô Mỹ giảm 1,06 USD (-1,64%), xuống 64,75 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,50 USD (-1,99%), xuống 75,29 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục