Facebook thừa nhận chia sẻ dữ liệu với các nhà sản xuất Trung Quốc

(ĐTCK) Facebook Inc vừa tiết lộ, Công ty có chia sẻ dữ liệu với 4 đối tác là các nhà sản xuất thiết bị người dùng của Trung Quốc, bao gồm Huawei Technologies Co. Thông báo này ngay lập tức gây thêm lo ngại về các chính sách bảo mật thông tin người dùng của gã khổng lồ mạng xã hội này.
Facebook thừa nhận chia sẻ dữ liệu với các nhà sản xuất Trung Quốc

Thông tin trên được Facebook đưa ra sau khi Mark Warner, đảng viên Đảng Dân chủ thuộc Uỷ ban Đặc biệt về tình báo của Thượng viện Hoa Kỳ lên tiếng cho rằng, ông nhìn thấy “những nguy cơ” từ việc Facebook chia sẻ dữ liệu người dùng với các đối tác Trung Quốc.

4 nhà sản xuất thiết bị người dùng của Trung Quốc mà Facebook hợp tác là Huawei, Lenovo, OPPO và TCL. Sau khi đưa ra thông tin, Facebook nhấn mạnh, Công ty luôn chọn lựa các đối tác một cách cẩn thận, mục tiêu hợp tác với những doanh nghiệp này là nhằm giúp các nhà sản xuất smartphone có thiết kế phù hợp nhất với ứng dụng Facebook trên các thiết bị.

Mặc dù vậy, việc xác nhận hợp tác với các nhà sản xuất của Trung Quốc khiến mối lo ngại rủi ro an toàn dữ liệu người dùng, cũng như các chính sách quyền riêng tư của Facebook bị nghi ngờ, khi nội dung của thỏa thuận hợp tác này không được tiết lộ với người dùng Facebook.

Facebook thừa nhận chia sẻ dữ liệu với các nhà sản xuất Trung Quốc ảnh 1

 Huawei là mối lo ngại lớn nhất trong số các đối tác Trung Quốc của Facebook

Trong số các đối tác Trung Quốc của Facebook, Huawei là “mối lo ngại” lớn nhất. Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc, lớn thứ ba trên toàn cầu, từng bị Nghị viện Mỹ cáo buộc có mối quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc và có khả năng tham gia vào hoạt động gián điệp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong tháng 4/2018, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc cấm các quỹ liên bang có hoạt động thương mại với Công ty này, vì mối lo ngại các sản phẩm của Huawei có thể ung cấp “cửa sau” tới hệ thống máy tính của Mỹ. 

Trong thời gian vừa qua, Facebook đã phải tốn nhiều công sức để giải tỏa phần nào mối lo ngại của các nhà quản lý, cũng như khách hàng về chính sách bảo mật thông tin người dùng của mình. CEO Mark Zuckerberg đã tới Washington vào thàng 4 và dành 10h để trả lời chất vấn của nghị viện.

Tất cả xuất phát từ việc Công ty đã tiết lộ dữ liệu của khoảng 87 triệu người dùng cho hãng tư vấn Cambridge Analytica, vốn có các hoạt động liên quan tới chính trị và gần đây nhất là sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ.

Vậy nhưng, mới đây, scandal khác lại nổ ra với gã khổng lồ này, khi cuối tuần trước, New York Times công bố Facebook đã có các thỏa thuận trong nhiều năm với khoảng 60 nhà sản xuất điện thoại và thiết bị cầm tay, cho phép các doanh nghiệp này có quyền tiếp cận với một phần thông tin về người dùng và bạn bè của họ.

Những cái tên nổi tiếng có thể kể tới như Apple, Samsung, Microsoft, Blackberry... Hiện tại, vẫn chưa rõ các đối tác này có chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba nào hay không.

Những thông tin này khiến làn sóng phản đối Facebook ngày càng mạnh mẽ. Hiện tại, có hơn 2 tỷ người đang dùng ứng dụng Facebook trên toàn cầu, chưa kể, doanh nghiệp này còn sở hữu các ứng dụng phổ biến khác như Instagram, WhatsApp và Messenger.

Với những thông tin bất lợi kể trên, giá cổ phiếu Facebook đã giảm gần 1% trong phiên giao dịch ngày 6/6 tại New York, đóng cửa ở mức 192,94 USD/cổ phiếu.

Lam Phong (Theo Bloomberg)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục