Chính sách hướng Đông của Nga đang gặp khó

(ĐTCK) Quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên căng thẳng từ năm 2014, sau khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva, do cáo buộc liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine.
Chính sách hướng Đông của Nga đang gặp khó

Kinh tế Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi lệnh trừng phạt kinh tế đã hạn chế thương mại và khiến quốc gia này khó thu hút vốn đầu tư trên các thị trường quốc tế.

Trước tình thế đó, Nga đã xúc tiến một chiến dịch có tên gọi là “Hướng Đông”, nhằm củng cố mối quan hệ hữu nghị và tăng cường đầu tư với các nền kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, chính sách “Hướng Đông” của Nga đến thời điểm hiện tại chỉ có tính chất chính trị và khoa trương, chứ không có ý nghĩa thực sự về kinh tế.

“Không thể phủ nhận Trung Quốc đã trở thành một thị trường xuất khẩu quan trọng của Moskva  trong những năm gần đây và hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Nhưng quốc gia này hiện chỉ chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga, thấp hơn nhiều so với nhóm các nước Tây Âu. Ở chiều ngược lại, Nga thậm chí chỉ chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc”, William Jackson, nhà kinh tế cao cấp phụ trách các thị trường đang nổi thuộc Capital Economics cho biết.

Trên thực tế, hợp tác Nga - Trung chỉ thực sự rõ nét trong lĩnh vực năng lượng, khi Nga xuất khẩu khoảng 50.000 thùng dầu thô/ngày sang Trung Quốc thông qua hệ thống đường ống dẫn trực tiếp. Bắc Kinh cũng là khách hàng lớn mua than đá và kim loại công nghiệp của Moskva.

Một số thỏa thuận đáng kể giữa hai nước là các dự án phát triển  cơ sở hạ tầng, trong đó có dự án đường ống dẫn từ Siberia nhằm cung cấp khí đốt cho Trung Quốc theo một hợp đồng có thời hạn 30 năm. Được ký kết năm 2014, đây được coi là hợp đồng lớn nhất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Gazprom của Nga từ trước đến nay. Thêm vào đó là Dự án khí đốt hóa lỏng Yamal của Moskva mà Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cam kết tài trợ 12 tỷ USD hồi đầu năm nay. Kết quả, các nhà đầu tư Trung Quốc được sở hữu 49% cổ phần trong Dự án khí đốt hóa lỏng Yamal.

“Mặc dù hai nước đã thể hiện ý chí chính trị với mong muốn tăng cường hợp tác, song cấu trúc kinh tế và xã hội khác biệt giữa hai nền kinh tế khiến Nga và Trung Quốc gặp khó khăn trong triển khai mong muốn đó đi vào thực tiễn”, Guo Yu, người đứng đầu Trung tâm tư vấn Verisk Maplecroft tại châu Á đánh giá.

Nga chưa thực sự tin vào những tác động tích cực của sở hữu nước ngoài đối với nền kinh tế, dù đối tượng sở hữu là ai. Điều này khiến các doanh nghiệp Trung Quốc muốn mua cổ phần của doanh nghiệp Nga không hài lòng. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc vào Nga dù được cải thiện từ đầu năm 2014, song vẫn ở mức thấp.

Nguồn tài chính nhà nước là rất quan trọng để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển chủ chốt, song giới phân tích cho rằng, Trung Quốc nắm giữ rất ít nợ Chính phủ của Nga. Tổng nợ nước ngoài của Nga chỉ chiếm khoảng 14% GDP, trong đó chủ yếu là phát hành công cụ nợ để vay vốn ngắn hạn từ thị trường tài chính.

Giới phân tích cũng cho rằng, có rất ít điểm chung trong văn hóa Nga và Trung Quốc để có thể gắn kết hai quốc gia. Người dân Nga và Trung Quốc hiện có mối quan hệ tương đối tích cực, song sự liên kết song phương dường như chỉ phù hợp vì lợi ích quốc gia của hai bên, như một doanh nhân Trung Quốc có nói, người Nga chào đón vốn đầu tư từ Đại lục, song không thực sự hứng thú với người Trung Quốc.

Việt khoa (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục