Vụ cổ phiếu MTM: 59 tài khoản “làm giá”, 2 công ty chứng khoán có sai phạm

(ĐTCK) Hành vi thao túng giá chứng khoán đối với cổ phiếu MTM được thực hiện thông qua 59 tài khoản chứng khoán.

Hồ sơ giả “qua mặt” HNX

Đầu tư Chứng khoán đã có bài phản ánh thủ đoạn đưa cổ phiếu của một công ty không hề có hoạt động kinh doanh, không có vốn thực góp lên giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung. Đó là trường hợp CTCP Mỏ và XNK Khoáng sản miền Trung (mã Upcom: MTM).

Theo đó, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định, nhóm đối tượng này đã làm giả danh sách cổ đông, làm giả chứng từ góp vốn, làm giả các hợp đồng mua bán, chứng từ chuyển tiền ngân hàng giữa các công ty để có doanh thu ảo, từ đó đưa vào báo cáo tài chính, báo cáo thuế, thuê công ty kiểm toán để kiếm toán các BCTC. Từ các tài liệu giả này, nhóm đối tượng đã hoàn tất hồ sơ đăng ký giao dịch Upcom nộp lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội HNX.

Bộ hồ sơ bao gồm giấy đề nghị đăng ký giao dịch; Thông tin tóm tắt về công ty, BCTC năm liền trước... được lập dựa trên các giấy tờ, chứng từ giả đã qua mặt được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Ngày 30/3/2016, HNX có văn bản chấp thuận cho giao dịch cổ phiếu MTM.

Cổ phiếu MTM chào sàn ngày 15/4/2016 với giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu.

Không dừng lại, các kết quả điều tra cho thấy, sau khi đưa cổ phiếu lên giao dịch Upcom, các đối tượng đã thực hiện hành vi thao túng giá chứng khoán.

Tạo cung cầu giả

Trần Hữu Tiệp, khi đó là Chủ tịch HĐQT MTM đã giao cho Phùng Thành Công, Trưởng Ban kiểm soát MTM và 2 nhân sự khác sử dụng 59 tài khoản tại 3 công ty chứng khoán.

Các tài khoản này đứng tên những người có trong danh sách cổ đông giả, người thân, người quen do Phùng Thành Công nhờ.

Trong 43 phiên giao dịch từ ngày 15/4/2016 đến ngày 17/6/2016, Phùng Thành Công trực tiếp đặt lệnh và chỉ đạo 2 nhân sự khác đặt lệnh mua bán cổ phiếu MTM khớp chéo giữa các tài khoản trong nhóm.

Khớp lệnh xong, Phùng Thành Công nhờ các cá nhân cho mượn tên mở tài khoản cho nhờ ủy quyền giao dịch rút ngay tiền bán chứng khoán. Rút tiền xong, Phùng Thành Công lại nhờ các cá nhân cho mượn tên mở tài khoản nộp tiền vào các tài khoản khác để tiếp tục đặt lệnh mua chứng khoán, tạo cung cầu giả tạo.

Cơ quan ANĐT xác định có 2 trong số các công ty chứng khoán đã xảy ra một số sai phạm.

Phùng Thành Công đã nhờ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng phòng giao dịch một công ty chứng khoán cho mượn 1 tài khoản, rút hộ 370 triệu đồng; nhờ Trần Sỹ Tiệp, Phó trưởng phòng cho mượn 2 tài khoản, rút hộ 4,4 tỷ đồng.

Phùng Thành Công đã đặt nhiều lệnh mua bán qua đặt lệnh online, đặt lệnh qua điện thoại và đặt lệnh trực tiếp. Nguyễn Ngọc Hưng đã tiếp nhận và đặt một số lệnh mua bán cổ phiếu MTM tại 37/46 tài khoản chứng khoán. Trần Sỹ Tiệp đặt lệnh tại 2/46 tài khoản do Phùng Thành Công sử dụng tại đây...

Khi không đủ tiền đặt lệnh mua, Phùng Thành Công sử dụng dịch vụ “bảo lãnh sức mua” của một công ty chứng khoán khác để ứng tiền vào tài khoản giao dịch. Thực tế, công ty chứng khoán không giải ngân tiền vào  tài khoản chứng khoán mà cấp bút toán trên hệ thống ghi nhận tài khoản có tiền cho 4/11 tài khoản.

Mặc dù không được UBCKNN cho phép, ngày 30/3/2016, Chủ tịch HĐQT công ty chứng khoán này vẫn ban hành quyết định số 31 về sản phẩm bảo lãnh sức mua để cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán.

Đối với một số cá nhân tại các công ty chứng khoán có vi phạm, Cơ quan ANĐT không đề nghị xử lý hình sự nhưng sẽ kiến nghị UBCKNN có biện pháp chấn chỉnh, xử lý.

Hàng nghìn nhà đầu tư mắc kẹt

Ngày 17/6/2016, khi phát hiện Công ty MTM đã ngừng hoạt động nhưng chưa đóng mã số thuế, HNX đã ra thông báo tạm dừng giao dịch đối với cổ phiếu MTM.

Đến thời điểm đó, có 1.156 nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu MTM. Có 80/103 cá nhân trong danh sách cổ đông giả ban đầu chưa lưu ký, 12/59 cá nhân cho Trần Hữu Tiệp và Phùng Thành Công mượn tài khoản vẫn còn cổ phiếu MTM. Còn lại 1.064 nhà đầu tư khác sở hữu cổ phiếu này.

Cơ quan ANĐT đã triệu tập lấy lời khai của các nhà đầu tư. Có 822 nhà đầu tư sở hữu hơn 12 triệu cp với số tiền hơn 17 tỷ đồng có đơn đề nghị làm rõ thiệt hại. Có 39 người đến làm việc nhưng không đề nghị xem xét thiệt hại. 147 người không có mặt ở nơi cư trú và 56 người không đến làm việc.

Kết quả giám định của Bộ Tài chính xác định Phùng Thành Công, Đỗ Hữu Tài, Bùi Thiện Lý đã có hành vi đặt lệnh mua/bán khớp chéo với tỷ trọng cao so với tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Các đối tượng cũng thực hiện nộp/rút tiền liên tục tại 59 tài khoản để tạo cung cầu giả tạo, thao túng  cổ phiếu MTM.

Về giá trị thu lời và thiệt hại,  xác định tổng số tiền các nhà đầu tư bị thiệt hại là hơn 56 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi bị khởi tố bị can, Phùng Thành Công đã bỏ trốn. Ngày 30/9/2016, Cơ quan ANĐT đã ra quyết định truy nã bị can Phùng Thành Công.

Bùi Trang - Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục