Tránh bẫy rủi ro ủy quyền các giao dịch tiền tỷ

(ĐTCK) Nếu như việc uỷ quyền hoặc chuyển giao quyền có thể mang đến rủi ro tiềm ẩn từ người thứ ba thì việc chuyển giao nghĩa vụ sẽ ít rủi ro hơn. Tìm hiểu vấn đề này, Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với luật sư Vũ Ngọc Chi, Giám đốc Công ty Luật Tam Anh. 
Tránh bẫy rủi ro ủy quyền các giao dịch tiền tỷ

Những vụ việc tiền tỷ trong tài khoản “bốc hơi” được phản ánh trong thời gian qua xuất phát từ việc nạn nhân ủy quyền cho người thứ ba giao dịch. Thực tiễn xét xử tại tòa án cũng cho thấy, nhiều đối tượng“móc ngoặc” với công chứng để lập hợp đồng ủy quyền nhà đất với nội dung mong muốn nhằm chuyển nhượng, định đoạt nhà đất. Rõ ràng rủi ro pháp lý đến từ người thứ ba là rất cao. Ông đánh giá như nào về vấn đề này?

Những câu chuyện như trên thực tế không phải hiếm và đã diễn ra trong một thời gian dài. Nhiều toà án hiện vẫn đang giải quyết các vụ án có liên quan đến việc uỷ quyền như vậy. Qua các vụ việc có thể thấy, người uỷ quyền nhiều khi không nắm bắt pháp luật.

Họ dễ dàng bị người nhận uỷ quyền thuyết phục trên cơ sở niềm tin và niềm tin đó được củng cố bằng lời nói. Người uỷ quyền bị thuyết phục và có thể có được một phần nhỏ lợi ích, tuy nhiên, không ít trường hợp không có lợi ích, chỉ đơn thuần là giúp đỡ như người thân trong gia đình. Như vậy, lòng tốt đã bị lợi dụng.

Theo quy định pháp luật, có 2 chế định là ủy quyền hoặc chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ. Điểm chung của cả hai hình thức này là người thứ ba thực hiện thay công việc. Như đã nói trên, việc ủy quyền có thể gây ra rủi ro pháp lý nếu người thứ ba cố ý lợi dụng danh nghĩa được giao để chiếm đoạt tài sản. Vậy việc chuyển giao nghĩa vụ có thể tránh bẫy rủi ro này không, thưa luật sư?

Tránh bẫy rủi ro ủy quyền các giao dịch tiền tỷ ảnh 1

 Luật sư Vũ Ngọc Chi

Nếu như việc uỷ quyền hoặc chuyển giao quyền có thể mang đến nhiều rủi ro thì việc chuyển giao nghĩa vụ sẽ ít rủi ro hơn. Theo Điều 370 Bộ luật Dân sự 2015 thì khi được chuyển giao nghĩa vụ, người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ.

Về bản chất, sự chuyển giao nghĩa vụ dân sự là sự chuyển dịch nghĩa vụ pháp lý từ chủ thể chuyển sang chủ thể nhận. Như vậy việc thực hiện nghĩa vụ là phải chi trả hoặc thực hiện nghĩa vụ trước, sau đó người thực hiện nghĩa vụ mới yêu cầu người uỷ quyền thanh toán lại.

Tất nhiên, rủi ro vẫn tồn tại trong trường hợp chuyển giao nghĩa vụ nhưng hạn hữu hơn và hiếm khi xảy ra trong thực tế, trừ một vài trường hợp đặc biệt.

Điều này còn được lý giải vì người đi thực hiện nghĩa vụ thường phải tính phương án thu hồi lại tài sản ngay tức thì, càng sớm càng tốt và phương án phải khả thi, an toàn mới chấp nhận. Do vậy, bản thân chủ thể thực hiện nghĩa vụ thay phải lường trước tình huống này, từ đó có thể tránh được rủi ro như đã đề cập.

Việc xác lập giao dịch là ý chí tự nguyện của các bên. Nhưng bản chất của ủy quyền là bên được ủy quyền thực hiện công việc nhân danh ủy quyền. Vậy với những trường hợp đặc thù liên quan đến việc bảo vệ tài sản hoặc các giao dịch liên quan đến ngân hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền... thì cần phải lưu ý những gì?

Có rất nhiều vấn đề cần lưu ý khi thực hiện việc uỷ quyền, trong đó có liên quan đến tài sản là nhà đất khi uỷ quyền, đặc biệt là các yếu tố sau.

Thứ nhất, cần kiểm soát về nội dung uỷ quyền, tức là người được uỷ quyền được thực hiện hành vi nào. Ví dụ, được thay mặt bên uỷ quyền vay ngân hàng, hoặc được thay mặt người uỷ quyền toàn quyền định đoạt…

Thứ hai, cần kiểm soát phạm vi uỷ quyền (hay có thể hiểu là mức độ của hành vi) như được thay mặt bên uỷ quyền vay ngân hàng số tiền không vượt quá 1 tỷ đồng, hoặc  được thay mặt uỷ quyền định đoạt tài sản này song phải được bên uỷ quyền đồng ý bằng một văn bản khác mà không phải là văn bản này ...

Thứ ba, nên tìm hiểu quy định pháp luật về việc mình định làm. Điều này giúp chủ thể tham gia lường trước các rủi ro và như vậy có thể tránh được những thiệt hại đáng kể xuất phát từ yếu tố chủ quan.

Mặt khác, cần hiểu rõ bản thân đang làm gì khi thực hiện các giao dịch có liên quan đến tài sản để có sự cân nhắc lựa chọn phương án phù hợp với hoàn cảnh thực tế và mục đích cuối cùng là để tránh rủi ro.

Điều 370 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về chuyển giao nghĩa vụ dân sự:

“1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.

2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ”.

Đỗ Mến thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục