Khoảng trống bảo vệ người tiêu dùng nhìn từ vụ Khải Silk

(ĐTCK) Sau vụ bê bối bán hàng lụa Việt gắn mác “Made in China”, Tập đoàn Khải Silk đã công bố chiến dịch thu hồi sản phẩm.
Toàn bộ các cửa hàng bán lẻ thương hiệu Khải Silk đã tạm ngừng hoạt động bán hàng Toàn bộ các cửa hàng bán lẻ thương hiệu Khải Silk đã tạm ngừng hoạt động bán hàng

Trước đó, trên phương tiện truyền thông ngày 25/10/2017, ông chủ thương hiệu Khải Silk Hoàng Khải đã xin lỗi khách hàng và cho biết sẽ thu hồi các sản phẩm bán ra thị trường, nếu khách hàng có mong muốn đổi trả. Ông Khải cam kết sẽ bồi thường cho khách hàng một cách nghiêm túc.

Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ vụ việc của Khải Silk, nhưng điều người tiêu dùng quan tâm nhất là chương trình đổi trả sản phẩm của Khải Silk có đúng như cam kết hay không.

Trong hơn một tuần qua, không ít khách hàng ở Hà Nội đã đem sản phẩm khăn lụa đến cửa hàng số 113 Hàng Gai để đổi trả. Tuy nhiên, một số người tiêu dùng phản hồi, cửa hàng chỉ chấp nhận đổi trả nếu sản phẩm có đầy đủ nhãn mác, hóa đơn. Sáng 1/11/2017, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã đến cửa hàng số 113 Hàng Gai nhằm xác minh thông tin trên. Nhân viên tại đây cho biết, cửa hàng sẵn sàng nhận đổi trả sản phẩm với khách hàng có nhu cầu, kể cả đối với sản phẩm không có hóa đơn.

Thu hồi sản phẩm khuyết tật là biện pháp mà nhiều doanh nghiệp áp dụng, mặc dù không nằm trong “tâm bão” khủng hoảng. Tuy nhiên, đây là cách thức để doanh nghiệp bảo vệ, duy trì và phát triển thương hiệu. Tại Việt Nam, thông tin về việc thu hồi sản phẩm của các thương hiệu lớn thường xuyên được cập nhật trên website của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương.

Chẳng hạn, chương trình thu hồi sản phẩm khuyết tật của Công ty Honda Việt Nam tháng 4/2017. Honda đã tiến hành triệu hồi 300 xe Honda Civic 15TP 2016 (nhập khẩu từ Thái Lan, sản xuất năm 2016) với lý do thay thế, sửa chữa phụ tùng. Địa điểm, phương thức, thời gian, chi phí thực hiện đều được Honda công bố công khai.

Theo Điều 21, 22 và 23, Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm bảo hành, đổi hoặc thu hồi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện cho người tiêu dùng và trả lại tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp hết thời gian thực hiện bảo hành mà không sửa chữa hoặc khắc phục được lỗi.

Khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, doanh nghiệp có trách nhiệm tiến hành mọi biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa trên thị trường.

Đồng thời, thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 5 số liên tiếp trên báo ngày, hoặc 5 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông.

Luật cũng quy định thời gian, phương thức, địa điểm thu hồi và các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi quyền lợi người tiêu dùng. Trong trường hợp hàng hóa khuyết tật gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, doanh nghiệp còn phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Tuy nhiên, Luật Bảo vệ người tiêu dùng không đề cập chế tài xử phạt, mà dành quyền khởi kiện vụ án dân sự cho khách hàng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc khởi kiện có thể khiến khách hàng tốn không ít thời gian, công sức, tiền bạc. Vô hình trung, điều này tạo nên rào cản, cản trở người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Theo đó, việc thu hồi sản phẩm chủ yếu đến từ ý thức của doanh nghiệp, với mong muốn cung cấp ra thị trường sản phẩm đúng tiêu chuẩn và chất lượng đề ra. Động thái này không chỉ giúp doanh nghiệp tạo dựng, mà còn giúp duy trì và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, luật sư Nguyễn Văn Đãng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, nhìn nhận về thị trường và tâm lý người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay, việc thu hồi sản phẩm của Khải Silk là không khả thi. Trường hợp này không giống với câu chuyện sản phẩm bị lỗi như ô tô, xe máy, nhà sản xuất có thể thu hồi sản phẩm từ các đại lý phân phối.

Sản phẩm đã bán cho người tiêu dùng, doanh nghiệp không thể đến từng nhà gõ cửa để thu hồi sản phẩm nhỏ lẻ. Trong khi đó, hành vi của Khải Silk diễn ra trong thời gian dài, bao gồm cả khách hàng trong nước và nước ngoài, có ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.

“Để xử lý cái gốc của vấn đề phải đến từ chính các cơ quan chức năng, phải giám sát, đưa ra các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng như kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm soát nhập khẩu, sản xuất của doanh nghiệp”, luật sư Đãng nói.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục