Các chữ ký mẫu có cần “đúc khuôn”?

(ĐTCK) Giao dịch viên đưa cho khách hàng hết bản đăng ký chữ ký mẫu này đến bản mẫu khác, nài nỉ: “Bác cố gắng ký ở hai ô giống hệt nhau giúp cháu”. Điều đó có cần thiết?
Các chữ ký mẫu có cần “đúc khuôn”?

Để mở một tài khoản tiền gửi thanh toán tại ngân hàng, khách hàng phải trải qua thủ tục mở tài khoản. Giao dịch viên sẽ hướng dẫn khách lập Giấy đăng ký mở và sử dụng tài khoản, và đăng ký chữ ký mẫu giao dịch.

Thông thường, trên mẫu Giấy đăng ký có hai ô trống, gồm ô mẫu chữ ký thứ nhất và ô mẫu chữ ký thứ hai. Khách hàng sẽ ký vào hai ô chữ ký mẫu đó. Mẫu chữ ký của khách hàng được cập nhật vào hệ thống dữ liệu trực tuyến của ngân hàng. Sau này, khi khách hàng giao dịch tại các đơn vị trong hệ thống ngân hàng, mẫu chữ ký lưu trong dữ liệu điện tử sẽ là căn cứ đối chiếu để nhận diện.

“Bác lại ký không giống rồi, bác chịu khó ký giống y như chữ ký của ô bên trái nhé. Cháu nhắc lại bác phải cố gắng ký thật giống vào giúp cháu!”.

Đang ngồi chờ làm thủ tục giao dịch tại ngân hàng, tôi nghe một giao dịch viên hướng dẫn cho khách hàng ký mẫu chữ ký lập hồ sơ mở tài khoản như vậy.

Theo bạn, mẫu chữ ký thứ nhất và mẫu chữ ký thứ hai trên hồ sơ mở tài khoản nên giống hay khác nhau?

“Nên giống nhau và cần phải giống nhau chứ!” - Đó là câu trả lời mà tôi nhận lại từ nhiều giao dịch viên khi đặt câu hỏi nêu trên. Hiếm khi có người trả lời câu hỏi theo hướng ngược lại.

Nguyên tắc này từ đâu mà ra vậy các bạn?

Về pháp luật, tôi khẳng định, không có quy định nào đặt ra nguyên tắc này. Các quy định hướng dẫn chi tiết từ phía Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ dừng lại ở yêu cầu khách hàng phải đăng ký hai mẫu chữ ký. Tuy nhiên, khi đăng ký các mẫu chữ ký, việc khách hàng ký giống hay khác nhau thì pháp luật không
can thiệp.

Một số bạn cho biết, đó là theo quy định của ngân hàng. Trong suốt sự nghiệp làm pháp chế, trực tiếp soạn thảo quy trình nghiệp vụ mở và sử dụng tài khoản cho nhiều ngân hàng, tôi biết trong các quy trình của họ không đặt ra nguyên tắc ký chữ ký mẫu giống nhau. Còn trong các bộ quy trình, quy chế tôi không tham gia soạn thảo nhưng đã được tham khảo, cũng không hề gặp quy định nào tương tự.

Vậy thực chất nguyên tắc những chữ ký mẫu cần phải giống nhau xuất phát từ đâu? Nhiều giao dịch viên bày tỏ, họ biết được nguyên tắc này từ sự hướng dẫn của các đồng nghiệp kỳ cựu. Người trước dạy người sau, người sau truyền lại kinh nghiệm cho người sau nữa.

Anh bạn tôi là giám định viên của Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an cho biết, thực chất, chữ ký mẫu là phương thức nhận diện ra đặc điểm nhân thân của một con người. Khi cần biết chữ ký trên giấy tờ, tài liệu có thuộc về một con người nhất định, người ta sẽ nhận dạng chữ ký đó trên cơ sở đối chiếu, phân tích với những chữ ký mẫu. Trong trường hợp này, càng có nhiều chữ ký mẫu, việc phân tích nhận dạng đối tượng càng thuận lợi hơn.

Chữ ký của một người sẽ có một số nét phân đoạn đặc trưng về sự uốn lượn, độ tỳ đè, đậm nhạt... Có thể có 3 chữ ký trông rất khác nhau khi chúng ta nhìn bằng mắt thường, nhưng khi phân tích so sánh cùng các thiết bị kỹ thuật hỗ trợ, giám định viên sẽ phát hiện những nét đặc trưng nhận dạng trong mỗi chữ ký. Từ dữ liệu phong phú thu thập được, có thể kết luận những chữ ký thuộc về cùng một người hay không.

Vậy thì các mẫu chữ ký nên khác nhau chứ. Trong hàng nghìn khách hàng trung thực, chúng ta có thể gặp một khách hàng có động cơ không tốt. Hãy hình dung trong trường hợp khách hàng chủ định ký một chữ ký rất lạ vào một bản kê lĩnh tiền. Vì rất nhiều lý do, giao dịch viên không đối chiếu chữ ký. Sau đó khách hàng vu vạ rằng chưa từng nhận tiền, rằng chữ ký trên chứng từ không thuộc về họ. Lúc này, ngân hàng chỉ có vỏn vẹn một mẫu chữ ký tham khảo làm căn cứ nhận dạng nên phải mất thời gian và chi phí nhờ đến khoa học xác minh.

Việc đăng ký chữ ký mẫu của khách hàng xuất phát từ khoa học nhận dạng chữ ký. Không phải ngẫu nhiên mà người ta đặt ra yêu cầu phải đăng ký nhiều mẫu chữ ký. Mục đích để có được nhiều bản mẫu khác nhau trong chữ ký của một người. Trong khi đó, việc chúng ta yêu cầu khách hàng ký các chữ ký mẫu giống nhau thực chất tạo nên một bản mẫu duy nhất. Vậy có thể chúng ta đang đảo ngược ý nghĩa của việc lấy chữ ký mẫu từ khách hàng.

Khách quan mà nói, ngành ngân hàng Việt Nam còn khá trẻ trung. Sự phát triển tăng tốc mới chỉ diễn ra trong hơn chục năm gần đây. Trong quá trình đó, các ngân hàng học hỏi, sao chép nhau không chỉ về quy trình, công nghệ, mà còn cả những kinh nghiệm tốt lẫn kinh nghiệm chưa tốt. Bạn sẽ lựa chọn kinh nghiệm nào khi hướng dẫn khách hàng ký các chữ ký mẫu?

Quy định khách hàng đăng ký mẫu chữ ký giao dịch là một biện pháp phòng tránh rủi ro cho ngân hàng. Khách hàng thực hiện càng nhiều dạng chữ ký mẫu khác nhau, khả năng nhận diện chữ ký khách hàng càng cao. Đừng bao giờ yêu cầu khách ký hai chữ ký mẫu giống nhau như khuôn đúc.

(Trích Sách Hiểu nghề Giữ nghiệp cuốn 2 - 30 bài học pháp lý Nghiệp vụ dành cho nghề Teller ngân hàng của 

Luật sư Trần Minh Hải)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục