Vụ án tiến sỹ “dạy làm giàu”: Kiến nghị theo dõi, thu hồi tiền góp vốn

(ĐTCK) Chiều 21/5/2018, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra ở Công ty cổ phần Thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế - IDT. Bị cáo Phạm Thanh Hải (sinh năm 1966, ở quận Hà Đông, chủ trang mạng Học làm giàu), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc IDT bị tuyên án chung thân.
Vụ án tiến sỹ “dạy làm giàu”: Kiến nghị theo dõi, thu hồi tiền góp vốn

Vụ án này được dư luận đặc biệt quan tâm vì số lượng tiền bị cáo huy động vốn lên tới hơn 2.700 tỷ đồng. Có 2.574 người rót tiền cho bị cáo thông qua hơn 8.000 hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng ủy thác đầu tư.

Trong quá trình điều tra, cơ quan công an chỉ xác định có 508 người có đơn tố cáo và yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền 594 tỷ đồng. Một số người khác không hợp tác với cơ quan điều tra, hoặc bị lôi kéo vào nhóm người tự xưng kêu oan cho bị cáo. Hiện còn 2.200 tỷ đồng chưa được làm rõ.

Cơ quan tố tụng nhận định, để huy động số tiền lớn, bị cáo Phạm Thanh Hải đưa ra các thông tin gian dối là IDT đang triển khai các dự án có lãi cao, Hải là Chủ tịch Hội đồng quản trị có nhiều kinh nghiệm tài chính…

Để các nhà đầu tư đưa tiền, bị cáo đưa ra lãi suất cao từ 40 - 50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền, đồng thời khuyến khích khách hàng mở rộng mạng lưới và chi từ 2 - 10% tiền thưởng kết nối môi giới cho mỗi hợp đồng. Số tiền huy động vốn, bị cáo sử dụng để quay vòng trả lãi cho bị hại, chi 157 tỷ đồng góp vốn vào công ty khác với danh nghĩa cá nhân, tự ý cho vay không lãi suất 114 tỷ đồng… Hiện bị cáo mất khả năng thanh toán.

Bên cạnh vấn đề trách nhiệm hình sự, điều mà các nhà đầu tư quan tâm nhất là việc thu hồi lại số tiền đã góp vốn. Bản án tuyên chiều 21/5/2018 đã kiến nghị theo dõi, thu hồi số tiền bị cáo đã góp vốn mua cổ phần, cho vay dưới danh nghĩa cá nhân.

Cụ thể, bị cáo góp 50% với số tiền ban đầu 30 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng công nghệ cao Việt Nam (VITC) và Hợp tác xã Đầu tư xây dựng và khai thác quản lý chợ Cường Phát xây dựng chợ Phố Mới Lào Cai (50% dự án). VITC cho biết, dự án chưa đi vào vào hoạt động, nhưng 2 tháng nữa khi hoàn thành dự kiến sẽ thu về số tiền 1.600 tỷ đồng. Số tiền lãi của Hải là 800 tỷ đồng. Hội đồng xét xử kiến nghị cơ quan điều tra phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai giám sát thu hồi số tiền trên.

Đối với sàn tầng 10 Tòa nhà Diamond Flower Lê Văn Lương (TP. Hà Nội), Công ty cổ phần Mắc ca đang cho thuê lấy tiền. Cơ quan điều tra xác minh, cá nhân bị cáo Hải bỏ ra 20 tỷ đồng mua dự án trên. Nguồn gốc số tiền trên là do bị cáo chiếm đoạt mà có. Tòa án kiến nghị cần cấm các bên tự ý dịch chuyển tài sản, kiến nghị cơ quan thi hành án theo dõi sát sao vấn đề này.

Ngoài ra, Phạm Thanh Hải góp 19 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (IDVA) do ông Trần Việt Phương làm Tổng giám đốc. IDVA cho biết, việc góp vốn dự kiến thu về 200 - 300 tỷ đồng, trong đó phần vốn góp của Hải là 51%. Tòa kiến nghị cơ quan điều tra theo dõi, thu hồi tiền lãi.

Đối với tài sản bị phong tỏa ở các ngân hàng dưới dạng tiền gửi, Tòa kiến nghị thu hồi để thực hiện nghĩa vụ dân sự của bị cáo. Số tiền bị cáo góp vốn ở các công ty dưới dạng tiền góp vốn mua cổ phiếu, trái phiếu cần được thu hồi về và có lộ trình để cho người được nhận tiền bồi thường có lợi nhất. Đồng thời, Tòa án kiến nghị các cơ quan nhà nước phối hợp với cơ quan chủ quản để thu hồi số tiền hoa lợi, lợi ích của khoản tiền Hải góp vốn vào Công ty.

Trường hợp số tiền bồi thường thiếu, cần buộc Hải phải bồi thường thêm. Nếu số tiền thu hồi trả cho các bị hại và người liên quan thừa, sau 3 năm kể từ ngày cơ quan thi hành án thông báo, nếu không có phát sinh bị hại mới hoặc nguyên đơn dân sự mới của bản án khác có hiệu lực thì trả lại cho Phạm Thanh Hải.

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục