Viện Kiểm sát: Đề nghị giảm nhẹ cho bị cáo Đinh La Thăng vì thành khẩn khai báo

(ĐTCK) Trong phiên tranh luận chiều 11/5, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX phúc thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Đinh La Thăng và đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho nhiều bị cáo khác.
Viện Kiểm sát: Đề nghị giảm nhẹ cho bị cáo Đinh La Thăng vì thành khẩn khai báo

Bị cáo Đinh La Thăng: Tôi không quanh co chối tội

Tự bào chữa trước Tòa, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, tòa cấp sơ thẩm quy kết bị cáo có hành vi Cố ý làm trái là chưa thỏa đáng và mong cấp phúc thẩm xem xét lại.

“Tôi không quanh co chối tội”, bị cáo Đinh La Thăng nói.

Trình bày thêm về các hành vi bị quy kết, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, việc chỉ định thầu là thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, căn cứ vào Văn bản 978 của Chính phủ đồng ý về nguyên tắc chỉ định thầu.

Về năng lực tài chính của PVC, theo bị cáo Thăng, chỉ định thầu diễn ra năm 2009, đến năm 2011 mới xảy ra thua lỗ. Khi chỉ định thầu, bị cáo không thể biết trước được đến năm 2011, PVC sẽ thua lỗ.

Khi chỉ đạo tạm ứng, theo bị cáo Đinh La Thăng, bị cáo đều yêu cầu phải thực hiện đúng các quy định pháp luật, ghi rõ trong các văn bản. Việc sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích đó là vi phạm của PVC.

Về thiệt hại, bị cáo Đinh La Thằng cho rằng, cách tính của giám định tài chính là giả định. Nhà nước cấp tiền để PVN kinh doanh không phải để gửi tiết kiệm. Thực tiễn không thể có việc đó được. Mặc dù kinh doanh thì phải tối ưu hóa lợi nhuận nhưng phải phù hợp với thực tiễn vì nếu chỉ tối ưu hóa lợi nhuận thì EVN không đầu tư kéo điện về vùng sâu vùng xa...

Đối với bị cáo Ninh Văn Quỳnh, luật sư của bị cáo cho biết, vợ bị cáo đã vay mượn được 300 triệu đồng và nộp khắc phục hậu quả cho chồng. Luật sư đề nghị xem xét tình tiết giảm nhẹ mới cho bị cáo.

Đối với bị cáo Phùng Đình Thực, luật sư bào chữa cho bị cáo Thực cho rằng, bị cáo thực không thúc ép ký hợp đồng 33 khi chưa đủ điều kiện. Một số công văn liên quan dự án bị cáo không nhận được.

Nếu có nhận được, mà không thuộc thẩm quyền bị cáo cũng không xử lý. Tòa cấp sơ thẩm quy kết bị cáo Thực thúc ép ký hợp đồng 33 chỉ căn cứ vào lời khai của bị cáo Nguyễn Quốc Khánh trong khi chính bị cáo Khánh là người ấn định thời điểm khởi công dự án.

Theo luật sư, chỉ đến khi nhận được công văn “mật” số 378 của bị cáo Vũ Hồng Chương, ông Thực mới biết hợp đồng số 33 chưa đủ điều kiện. Bị cáo Phùng Đình Thực không hề chỉ đạo việc tạm ứng cho hợp đồng số 33.

Các bị cáo đều thừa nhận hành vi, không kêu oan

Tranh luận lại với các luật sư và các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng cho đến nay, không còn bị cáo nào kêu oan. Trong kháng cáo, bị cáo Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực kêu oan. Nhưng đến nay, các bị cáo này đều thừa nhận hành vi và chỉ cho rằng, hành vi phạm vào tội khác, nhẹ hơn tội Cố ý làm trái. Đó là tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với bị cáo Đinh La Thăng, theo đại diện Viện Kiểm sát, cơ quan công tố xem xét hành vi đã bị quy kết tại bản án sơ thẩm, đối chiếu chức năng nhiệm vụ của bị cáo Thăng, đối chiếu với hành vi của bị cáo, lời khai nhân chứng và xem xét có tình tiết nào mới tại phiên tòa phúc thẩm.

Bị cáo nguyên là Chủ tịch HĐTV, có vai trò chính trong việc chỉ đạo ký hợp đồng số 33 trái quy định sau đó chỉ đạo cấp dưới tạm ứng và dẫn đến hành vi sử dụng tiền trái mục đích của Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác, gây thiệt hại cho nhà nước.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKS nhận thấy không có tình tiết mới, cơ bản bị cáo đã nhận thức sai nhưng nhận thức có mức độ. Do đó, Viện Kiểm sát đề nghị cho bị cáo áp dụng tình tiết giảm nhẹ là khai báo thành khẩn.

Đối với bị cáo Phùng Đình Thực, Viện Kiểm sát nhận thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ và đề nghị giảm hình phạt cho bị cáo ở mức độ tối đa.

Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, đã khắc phục toàn bộ số tiền, khai báo thành khẩn, ăn năn hối hận về những việc đã phạm, gia đình có nhiều tình tiết giảm nhẹ. VKS đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo ở mức tối đa.

Đối với các bị cáo Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển, Lê Đình Mậu, Vũ Đức Thuận, Nguyễn NGọc Quý, Lương Văn Hòa, Vũ Hồng Chương, Trần Văn Nguyên... VKS cho rằng có căn cứ để xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Viện đề nghị đối với các bị cáo bị tuyên án sơ thẩm ở mức 9 - 10 năm tù  đề nghị giảm từ 2 – 3 năm tù. Các bị cáo bị tuyên 6 năm tù, đề nghị giảm 2 năm tù.

Bị cáo Vũ Đức Thuận bị xử 2 tội, tội Cố ý làm trái tuyên phạt 7 năm tù, đề nghị giảm 1 năm tù vì vai trò thấp, tội Tham ô tài sản bị tuyên phạt 15 năm tù, VKS đề nghị giảm 2 – 3 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Anh Minh, bị cáo Phạm Tiến Đạt bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng, đề nghị giảm 12 - 18 tháng. Các bị cáo bị tuyên phạt án treo giảm 18 – 24 tháng.

Riêng bị cáo Đinh La Thăng, VKS đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn, thừa nhận hành vi phạm tội. Đại diện VKS nhấn mạnh, không đề nghị giảm nhẹ hình phạt. Theo đại diện VKS, xét tổng thể vụ án, hình phạt 13 năm tù với ông Đinh La Thăng là hình phạt có phần nghiêm khắc nhưng đây là sự nghiêm khắc cần thiết.

Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh quan điểm của ngành Kiểm sát khi thực hiện quyền công tố tại phiên tòa thì có 2 căn cứ giảm nhẹ hình phạt quan trọng nhất là là khai báo thành khẩn và khắc phục hậu quả.

Bùi Trang – Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục