Phúc thẩm đại án PVC: Chỉ định PVC làm tổng thầu là lựa chọn duy nhất?

(ĐTCK) Bị cáo Đinh La Thăng khẳng định, không có nhà thầu nước ngoài nào đồng ý tham gia liên danh. PVC thừa nhận tìm kiếm đối tác nhưng bất thành vì nhà đầu tư nước ngoài muốn đứng đầu liên danh.
Bị cáo Đinh La Thăng Bị cáo Đinh La Thăng

Sáng 10/5, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm liên quan đến việc lựa chọn, chỉ định nhà thầu thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Ngày 15/10/2010, PVN có Nghị quyết số 9396/NQ-DKVN về việc phê duyệt phương án thành lập liên danh tổng thầu EPC, trong đó PVC cùng các nhà thầu nước ngoài cùng thực hiện gói thầu và phần chính công việc do nhà thầu nước ngoài thực hiện.

Vài tháng sau, ông Đinh La Thăng ký Văn bản 817/DKVN-HĐQT gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất cho PVC là tổng thầu dự án, không theo phương án liên danh như ban đầu. Từ đó, PVC được chỉ định là tổng thầu dự án. Quá trình triển khai, PVC không đủ năng lực tài chính, chuyên môn, dự án chậm trễ.

Các bị cáo nguyên là lãnh đạo PVN bị cáo buộc đã chỉ đạo ký hợp đồng EPC, tạm ứng cho PVC trái quy định dẫn đến việc PVC sử dụng không đúng mục đích số tiền hơn 1.300 tỷ đồng, gây thất thoát cho Nhà nước gần 120 tỷ đồng.

Phần xét hỏi sáng nay có sự tham gia của các luật sư. Trả lời luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) khai nhận, thời điểm năm 2010-2011, không có nhà thầu trong nước nào có kinh nghiệm làm tổng thầu dự án nhà máy nhiệt điện công suất lớn đến 1.200 kw. Chỉ duy nhất Lilama là tổng thầu dự án Vũng Áng 1. Tuy nhiên, dự án này cũng bị chậm tiến độ 3 năm.

Bị cáo Thăng khẳng định, quá trình triển khai liên danh nhà thầu, không có nhà thầu nào đồng ý tham gia liên danh. Việc này do các ban Tập đoàn báo cáo, khi đó, dự án Long Phú 1 cũng không tìm được đối tác tham gia liên danh.  Đây là lý do cơ bản để PVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ định PVC là tổng thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Việc chỉ định thầu theo đúng quy định pháp luật.

Để làm rõ vấn đề này, luật sư Phan Trung Hoài hỏi thêm bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC). Bị cáo Thuận trình bày, PVC có tìm hiểu một số đơn vị nước ngoài làm liên danh tổng thầu nhưng liên danh không thực hiện được. Có nhà đầu tư nước ngoài đồng ý nhưng họ muốn đứng đầu liên danh, mà nếu doanh nghiệp nước ngoài làm tổng thầu, Chính phủ sẽ không bảo lãnh vốn. Tuy nhiên, thời gian “quá lâu” nên bị cáo không nhớ mời nhà thầu nào. Bị cáo không nhớ PVC có gửi văn bản báo cáo với PVN.

Bị cáo Thuận thừa, nhận trách nhiệm mời nhà thầu liên danh là việc của PVC.

Quá trình xét hỏi, bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên Tổng giám đốc PVN) khai nhận, ban đầu phản đối việc PVC là tổng thầu, sau đó lại ủng hộ bởi lẽ việc này được toàn bộ thành viên HĐTV thông qua.  

Đỗ Mến - Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục