Cựu Tổng giám đốc Hanoi Land bị cáo buộc lừa bán cổ phiếu của Lilama Land

(ĐTCK) Cựu Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Hà Nội (Hanoi Land) Lê Trung Kiên khai nhận sử dụng hơn 25 tỷ đồng của nhà đầu tư có nhu cầu góp vốn thành lập Tổng CTCP Bất động sản Lilama (Lilama Land) để mua tàu biển (tàu du lịch) ở nước ngoài và “chạy” xin một số dự án xây dựng ở trong nước, nhưng không xuất trình được các tài liệu, chứng cứ chứng minh.
Cựu Tổng giám đốc Hanoi Land bị cáo buộc lừa bán cổ phiếu của Lilama Land

Từ năm 2009, một số nhà đầu tư đã có đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Lê Trung Kiên (SN 1972, ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Hà Nội (viết tắt là Hanoi Land, trụ sở tại phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng). Tuy nhiên, một năm trước đó, Lê Trung Kiên đã bỏ trốn ra nước ngoài. Đến ngày 17/7/2015, Lê Trung Kiên bị bắt theo quyết định truy nã của cơ quan An ninh điều tra - Công an TP. Hà Nội.

Sau 7 năm xảy ra vụ việc, ngày 20/10/2016, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa bị cáo ra xét xử.

Kết quả điều tra thể hiện, đầu năm 2007, Lê Trung Kiên dùng Đề án thành lập Tổng công ty cổ phần Bất động sản Lilama (Lilama Land) để mời chào các nhà đầu tư góp tiền mua cổ phiếu.

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng (từ ngày 9/4 - 16/5/2007), Lê Trung Kiên đã thu số tiền 75,2 tỷ đồng của 72 nhà đầu tư. Toàn bộ số tiền trên được chuyển vào tài khoản của Hanoi Land do Kiên làm Tổng giám đốc.

Ngày 9/5/2007, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam triệu tập cuộc họp cổ đông sáng lập để bàn bạc thống nhất thành lập Lilama Land. Trong cuộc họp này, Hanoi Land không được mời. Hội nghị đã chốt danh sách 6 đơn vị sáng lập Lilama Land gồm Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội, Công ty Bất động sản Tân Long, Công ty cổ phần May Đức Giang và Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam.

Ngày 17/5/2007, Ban thành lập Lilama Land công khai danh sách cổ đông sáng lập trên phương tiện thông tin đại chúng. Các cổ đông nộp tiền cho Kiên không thấy Hanoi Land có tên trong danh sách nên tìm gặp Kiên.

Lê Trung Kiên đưa ra 2 phương án giải quyết là rút lại tiền góp vốn hoặc Hanoi Land sẽ chuyển tiền góp vốn vào Lilama Land như đã thỏa thuận. Một số nhà đầu tư đồng ý lấy lại tiền. Còn 45 nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục mua cổ phiếu, Kiên lập danh sách gửi sang Lilama Land.

Ngày 25/5/2008, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lilama Land phê duyệt danh sách tiếp nhận 45 nhà đầu tư trên và yêu cầu Kiên chuyển toàn bộ số vốn góp sang tài khoản Công ty để thực hiện hợp đồng.

Thời điểm này, có một số nhà đầu tư yêu cầu rút lại tiền để tự liên hệ với Lilama Land nộp tiền nên Kiên trả lại tiền.

Như vậy, còn lại 29 nhà đầu tư có nguyện vọng mua cổ phiếu Lilama Land (số tiền 25,2 tỷ đồng). Ngày 6/6/2008, Kiên lập danh sách gửi sang Lilama Land chờ tiếp nhận, nhưng sau đó Kiên không chuyển tiền của 29 nhà đầu tư sang Lilama Land, mà sử dụng đầu tư vào một số dự án.

Quá trình điều tra, Kiên khai nhận sử dụng toàn bộ số tiền 25,2 tỷ đồng để mua tàu biển (tàu du lịch) ở nước ngoài và “chạy” xin một số dự án xây dựng ở trong nước nhưng không thành. Tuy nhiên, Kiên không xuất trình được các tài liệu, chứng cứ chứng minh. Với hành vi trên, cơ quan tố tụng truy tố bị cáo về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 140, Bộ luật Hình sự.

Trước khi phiên tòa được mở, gia đình Lê Trung Kiên nộp số tiền 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Tại phiên tòa ngày 20/10/2016, do vắng mặt đại diện Viện kiểm sát nhân dân và một số bị hại, người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan, Hội đồng xét xử quyết định lùi ngày xét xử sang tháng 11.

Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi vụ án trên được đưa ra xét xử.      

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục