Đo “nhiệt” đại gia Petrolimex trước cuộc chơi năm 2018

Cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã từng là điểm nóng thị trường khi mới niêm yết, nhưng đại gia ngành xăng dầu này liệu có đủ nhiệt để tiếp tục cháy trong giai đoạn sắp tới hay không vẫn là ẩn số.
Đo “nhiệt” đại gia Petrolimex trước cuộc chơi năm 2018

Doanh thu tăng, lợi nhuận vẫn giảm

Còn nhớ, khi Petrolimex niêm yết vào tháng 4/2017, nhiều nhà đầu tư đã đánh giá, đại gia này chọn thời điểm lên sàn khá phù hợp sau một năm kinh doanh thuận buồm xuôi gió. Tuy nhiên, từ khi lên sàn đến nay, hoạt động kinh doanh của Petrolimex không còn thuận lợi như cách đây 1 năm.

Nhìn vào kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm, Petrolimex có doanh thu tăng trưởng khá tốt, nhưng lợi nhuận không vì thế mà được cải thiện, ngược lại đang có chiều hướng đi xuống.

Cụ thể, tổng doanh thu thuần hợp nhất 9 tháng đầu năm của Petrolimex là 112.427 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của đại gia số một ngành xăng dầu này chỉ đạt 3.546 tỷ đồng, bằng 87,3% cùng kỳ, đạt 75,7% kế hoạch. Tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng năm 2017 là 2.906 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu hợp nhất là 12,5%.

Trong cơ cấu lợi nhuận của Petrolimex, lợi nhuận trước thuế hoạt động kinh doanh xăng dầu của toàn Tập đoàn là 1.814 tỷ đồng, tương đương 51,2% tổng lợi nhuận hợp nhất. Sản lượng xuất bán xăng dầu 9 tháng năm 2017 là 7.214.846 m3/tấn, tăng 6,95% so với cùng kỳ 2016 (6.745.960 m3/tấn).

Các hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu đạt tổng lợi nhuận trước thuế 1.732 tỷ đồng, tương đương 48,8% tổng lợi nhuận hợp nhất.

Cổ phiếu PLX đang “nguội” dần

Với xu hướng đi xuống về kết quả lợi nhuận, cổ phiếu PLX ngày càng “nguội” dần trên sàn chứng khoán trong thời gian gần đây.

Cụ thể, sau khi đạt đỉnh 69.000 đồng/cổ phiếu vào hồi giữa tháng 9/2017, cổ phiếu PLX liên tục bị nhà đầu tư xả hàng và giảm giá, đến nay thị giá PLX chỉ quanh mốc 56.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy đã trải qua một chu kỳ giảm giá, nhưng sự lo ngại về khả năng cổ phiếu PLX tiếp tục nguội lạnh vẫn hiện hữu, bởi mặt bằng giá hiện tại vẫn cao hơn khá nhiều so với mặt bằng giá chỉ hơn 40.000 đồng/cổ phiếu tại thời điểm mới chào sàn. Trong khi đó, khi PLX mới lên sàn, cổ phiếu này được hưởng những tác động tâm lý tích cực từ hoạt động kinh doanh khá tốt của năm 2016.       

Cơ cấu tài chính của Petrolimex

Tổng tài sản: 60.048

Nợ phải trả: 36.810

Vốn chủ sở hữu: 23.238

ĐVT: tỷ đồng
Nói về sự sụt giảm của lợi nhuận năm nay, đại diện Petrolimex cho biết, do một số chi phí phát sinh tăng như chi phí bảo hiểm xã hội, chi phí dịch vụ mua ngoài… Đồng thời, chính sách điều hành thuế nhập khẩu bình quân trong cấu thành giá cơ sở của Nhà nước đối với một số chu kỳ giá thấp hơn 10% của mặt hàng xăng (thuế ưu đãi nhập khẩu từ Hàn Quốc) đã tác động đến hiệu quả kinh doanh xăng dầu nói riêng và hợp nhất nói chung.

Một mảng kinh doanh nữa không thuận lợi bằng năm ngoái là hoạt động kinh doanh các mặt hàng nhiên liệu bay, nhựa đường…

Bối cảnh kinh doanh hiện nay cho thấy, đại gia Petrolimex đang chịu nhiều áp lực trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng một trong những ẩn số đáng quan tâm đối với Petrolimex trong hoạt động kinh doanh 2018 là việc triển khai phân phối xăng sinh học RON 92 E5.

Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Petrolimex, hiện Tập đoàn đang xúc tiến để đến ngày 1/1/2018 đảm bảo 100% cây xăng của Petrolimex có xăng E5 bán ra thị trường. “Nguồn đầu vào chủ yếu sẽ nhập từ các nhà máy nguyên liệu sinh học trong nước. Thời gian qua, Tập đoàn đã có một số đợt kiểm tra chất lượng nguyên liệu và cơ bản đảm bảo yêu cầu”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, về mặt quản trị, Petrolimex cũng đã đưa vào vận hành vận hành 2 hệ thống quan trọng. Đó là ERP - Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp và Egas - Phần mềm quản lý cửa hàng xăng dầu. Những công cụ này được kỳ vọng sẽ tăng hiệu quả tốt hơn trong hoạt động kinh doanh thời gian tới, trước mắt là năm 2018 đang cận kề.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục