Chỉ giải ngân đúng 300.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 – 2020

Đó là cam kết của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thuế, hải quan, giải pháp quản lý nợ công, diễn ra hôm qua (16/11).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Tạo đánh giá, tỷ lệ bội chi ngân sách, nợ công/GDP năm 2017 đã giảm nhẹ so với năm 2016; thủ tục thông quan hàng hóa đã đơn giản hơn, thời gian thông quan đã giảm so với năm 2016, nhưng việc kiểm tra hàng hóa chuyên ngành vẫn gây phiền hà cho doanh nghiệp; nợ công vẫn là mối quan tâm rất lớn của cử tri và Quốc hội. “Bộ trưởng có giải pháp gì để kiểm soát nợ công, bội chi cũng như cải cách thủ tục thông quan?”, ông Tạo chất vấn.

Trong khi đó, đại biểu Vũ Thị Thủy lo ngại về hoạt động chuyển giá vì theo bà “chuyển giá có chiều hướng gia tăng”. Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Trần Đình Gia và nhiều đại biểu tham gia chất vấn đánh giá cao nỗ lực của ngành tài chính trong việc cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, nhưng theo ông Ngân: “Vẫn còn nhiều dư địa để thực hiện cải cách thủ tục hành chính 2 lĩnh vực này để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia”.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ tài chính không thực hiện bảo lãnh chính phủ, chỉ giải ngân nguồn vốn đã ký kết trước đó.   

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành, giao 13 bộ, ngành xây dựng, sửa đổi hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, nâng cao chất lượng kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm thiểu kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu và áp dụng kiểm soát rủi ro và chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. “Đến nay, các bộ, ngành đã sửa đổi được 66/87 văn bản pháp luật có liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thông quan hàng hóa”, ông Dũng thông tin.

Hiện có khoảng 200 danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan với khoảng 100.000 mặt hàng. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của nước ta gấp 1,6 - 1,7 lần GDP. Trong tổng thời gian xuất  nhập khẩu thì thơi gian làm thủ tục hải quan do cơ quan hải quan chịu trách nhiệm chỉ chiếm 28%, số còn lại là thời gian kiểm tra chuyên ngành do các bộ, ngành khác đảm trách. Nếu không gỡ được nút thắt trong kiểm tra chuyên ngành thì khó có thể đẩy mạnh lưu thông hàng hóa qua biên giới, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước và tốc độ tăng trưởng kinh tế.

“Có mặt hàng phải chịu kiểm tra chuyên ngành của 2 - 3 bộ, ngành, tức là khi xuất hoặc nhập khẩu phải có 2 - 3 giấy phép, nên mất rất nhiều thời gian, chi phí. Vì vậy, thay vì các bộ, ngành kiểm tra chuyên ngành, nên xã hội hóa. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước chỉ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, hàm lượng…, căn cứ vào đó, doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thực hiện kiểm tra chuyên ngành ngay tại địa điểm kiểm tra chuyên ngành đặt tại cửa khẩu”, ông Dũng nhấn mạnh.

Thừa nhận nợ công vẫn là áp lực rất lớn và là mối quan tâm thường nhật của Quốc hội cũng như cử tri cả nước, ông Dũng cam kết trong thời gian tới quán triệt thực hiện Nghị quyết 25/2016/QH14 về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết 07/NQ-TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công; Chỉ thị 02/CT-TTg về việc tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Trên cơ sở chỉ đạo của các văn bản này, Bộ Tài chính kiên quyết giữ mức dư nợ công tối đa 65% GDP, nợ chính phủ 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia 50% GDP.

“Chúng ta đã tốt nghiệp vốn ODA của Ngân hàng Thế giới, nhiều đối tác đa phương và song phương đang giảm dần và sẽ chấm dứt vốn ODA cho Việt Nam, tức là chúng ta phải vay ưu đãi với lãi suất cao hơn, mức độ ưu đãi thấp hơn, nên phải tập trung vốn vào các dự án quan trọng có tính chất lan tỏa và từng bước kiểm soát tốc độ tăng nợ công. Hạn chế bảo lãnh chính phủ cho doanh nghiệp vay vốn, từ năm 2016 đến nay Bộ Tài chính không thực hiện bảo lãnh chính phủ, chỉ giải ngân nguồn vốn đã ký kết trước đó”, ông Dũng cho biết.

Giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch tài chính trung hạn chỉ bố trí vốn vay ODA và vay ưu đãi 300.000 tỷ đồng, chỉ bằng 30 - 40% so với nguồn vốn phía đối tác nước ngoài đã cam kết. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cam kết sẽ thực hiện đúng yêu cầu của Quốc hội là chỉ giải ngân đúng 300.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020.

Nam Kinh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục