Vinamilk phát triển bền vững cùng hàng triệu hộ gia đình

(ĐTCK) Báo cáo phát triển bền vững của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã xuất sắc vượt qua 50 báo cáo vào vòng chung khảo và giành giải nhất nội dung này trong Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên 2017.
Các sản phẩm của Vinamilk luôn giành được sự tin yêu của người tiêu dùng Các sản phẩm của Vinamilk luôn giành được sự tin yêu của người tiêu dùng

Thông điệp phát triển bền vững

Nhận xét về báo cáo phát triển bền vững của Vinamilk, đại diện Hội đồng bình chọn cho biết, Vinamilk đã xuất sắc trong việc cung cấp cho công chúng một cái nhìn tổng quan về những vấn đề về môi trường, xã hội và kinh tế liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty, trên cả hai phương diện thách thức và cơ hội một cách rõ ràng, đáng tin cậy.

Đồng thời, báo cáo đã chuyển tải cho người đọc một thông điệp rõ ràng: “Phát triển bền vững là một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của Vinamilk”.

Một điểm khác biệt nữa giúp báo cáo phát triển bền vững của Vinamilk được trao giải nhất là Công ty đã tiến hành rà soát, đánh giá sự liên quan giữa 17 mục tiêu về phát triển bền vững của Liên hợp quốc và chiến lược hành động cụ thể của doanh nghiệp trong các lĩnh vực trọng yếu: con người, sản phẩm và thiên nhiên, tạo nền móng vững chắc để xây dựng chiến lược và hoạch định bền vững.

“Đây là một báo cáo phát triển bền vững xuất sắc toàn diện”, vị thành viên Hội đồng bình chọn nhấn mạnh.

Về mặt cấu trúc, báo cáo của Vinamilk được lập theo tiêu chuẩn GRI phiên bản G4 và công bố bổ sung cho ngành sản xuất, chế biến thực phẩm nên có đầy đủ các phương diện phát triển bền vững và phù hợp với loại hình kinh doanh của Công ty.

Trong nhiều năm liền, Vinamilk đã tạo được mức độ tin cậy và tính thuyết phục cao cho báo cáo từ hệ thống quản lý bài bản, giàu kinh nghiệm dựa trên nền tảng của các tiêu chuẩn và chứng nhận quốc tế như OHSAS 18001 (8/13 nhà máy, dự tính đạt 13/13 trong năm 2017), hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm FSSC 22000, Global G.A.P, ISO 9001,ISO 17025, chứng nhận đăng ký FDA của Mỹ (5/13 nhà máy), chứng nhận sản xuất sản phẩm sữa theo tiêu chuẩn Organic EU (1 nhà máy). Ngoài ra, mức độ tin cậy của báo cáo năm nay được nâng cao do được đảm bảo bởi PwC Việt Nam.

Các chỉ tiêu của báo cáo được trình bày đầy đủ và giải thích rõ ràng đối với các phương diện phát triển bền vững quan trọng của một doanh nghiệp sản xuất. Ví dụ, đánh giá tình hình sử dụng năng lượng và các giải pháp quản lý nước thải, chất thải. Ngoài ra, báo cáo cũng trình bày các thông tin rất chi tiết và thực tế, đơn cử chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng không chỉ báo cáo số liệu tổng thể mà còn phân tích theo bình quân/tấn sản phẩm (MJ/tấn) và cho thấy xu hướng giảm trong năm 2016 trong hoạt động sản xuất.

Giá trị thương hiệu hơn 1,7 tỷ USD

Mới đây, Tạp chí Forbes Việt Nam đã công bố danh sách “40 thương hiệu công ty có giá trị nhất Việt Nam”, với tổng trị giá 5,4 tỷ USD. Trong đó, thương hiệu Vinamilk đứng vị trí số 1, với trị giá hơn 1,7 tỷ USD.

Đây là năm thứ hai liên tiếp, Vinamilk đứng đầu danh sách này. So với con số 1,5 tỷ USD trong danh sách công bố năm 2016, giá trị thương hiệu của Vinamilk trong bảng xếp hạng năm nay tăng 13% và lớn gấp đôi so với giá trị thương hiệu của doanh nghiệp xếp thứ hai là Viettel - 849,6 triệu USD. Điều đó cho thấy sự lớn mạnh của Vinamilk, không chỉ giữ vững ngôi vị số 1, mà còn không ngừng vươn lên để vượt qua thành công của chính mình.

Cần phải nói thêm, trong danh sách 40 công ty có giá trị lớn nhất Việt Nam lần này, nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng chiếm số lượng áp đảo, xếp sau là nhóm tài chính - ngân hàng và cuối cùng là công nghệ - viễn thông. Mặc dù hầu hết doanh nghiệp nổi bật trên thị trường hiện nay đều góp mặt trong danh sách được đánh giá, nhưng đó chưa phải toàn bộ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước lớn tại Việt Nam, mà đánh giá chỉ dựa trên những doanh nghiệp có số liệu tài chính minh bạch.

Trụ sở chính của Vinamilk tại Thành phố Hồ Chí Minh 

Phương pháp đánh giá của Forbes tính toán vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.

Sau khi lập danh sách sơ bộ hơn 80 doanh nghiệp có thương hiệu, Forbes Việt Nam tính toán thu nhập trước thuế và lãi vay, sau đó xác định giá trị đóng góp của tài sản vô hình

. Giá trị thương hiệu chung được xác định dựa trên chỉ số P/E (hệ số giữa giá thị trường và thu nhập ròng trên mỗi cổ phần mà thương hiệu mang lại) trung bình ngành. Với công ty chưa niêm yết sẽ được so sánh với công ty cùng ngành, cùng quy mô để xác định giá trị thương hiệu.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Vinamilk đã được vinh danh 3 lần trên Tạp chí Forbes châu Á và Việt Nam qua các bình chọn: 2000 công ty lớn nhất toàn cầu - Global 2000, 50 công ty niêm yết xuất sắc nhất Việt Nam và mới đây nhất là Top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk nhiều năm liền được vinh danh trong Top 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam. Đây đều là những danh hiệu được bình chọn uy tín và danh giá, không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên quốc tế. Nội lực mạnh mẽ, khao khát vươn cao của Vinamilk luôn được thể hiện bằng những con số và thành tựu mà Công ty gặt hái được.

Thương hiệu Việt vươn tầm thế giới

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 15/4/2017, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, mục tiêu tổng doanh thu của Công ty đến năm 2021 là 80.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu nội địa 61.000 tỷ đồng (chiếm 75%), doanh thu tại các thị trường nước ngoài 19.000 tỷ đồng (chiếm 25%). Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm doanh thu trong nước là 10%/năm, bằng hoặc cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường.

Năm 2017, Vinamilk đặt mục tiêu tổng doanh thu 51.000 tỷ đồng, tăng 8%; lợi nhuận sau thuế 9.735 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2016. Cần chú ý, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bình quân của Vinamilk năm 2017 ước tính ở mức 17,5%, cao hơn mức 16,7% năm 2016.

Vinamilk hiện có trụ sở chính đặt ở TP. HCM và 3 chi nhánh, 13 nhà máy cùng 10 trang trại phủ khắp các vùng miền Việt Nam (trong đó trang trại Đà Lạt là trang trại duy nhất đạt tiêu chuẩn organic châu Âu tại Việt Nam). Ngoài ra, Vinamilk có các nhà máy ở Mỹ (sở hữu 100% nhà máy Driftwood tại bang California), Campuchia (sở hữu 100% nhà máy Angkormilk tại thủ đô Phnompenh), New Zealand (tỷ lệ sở hữu 22,8%), cùng 1 công ty con tại Ba Lan. Các sản phẩm của Công ty được xuất khẩu đến 43 nước trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Úc…

Với kế hoạch phát triển các trang trại mới, Vinamilk sẽ đưa tổng số đàn bò của Công ty từ các trang trại và của các nông hộ lên khoảng 120.000 con trong năm 2017 và khoảng 140.000 con vào năm 2020, với sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đến năm 2020 tăng hơn gấp đôi, đạt 1.000 - 1.200 tấn/ngày, đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu sữa thuần khiết thiên nhiên dồi dào cho hàng triệu gia đình Việt Nam. 

Bảo Giang
Đặc san Báo cáo thường niên 2017

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục