Sức bật của cổ phiếu PNJ

(ĐTCK) Theo CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), 6 tháng đầu năm nay, mảng kinh doanh vàng trang sức tiếp tục tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực vào đà tăng trưởng của lợi nhuận. Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm của PNJ đạt 304,5 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ và đạt 66% kế hoạch cả năm.
 
Sức bật của cổ phiếu PNJ

Xét theo cơ cấu sản phẩm, mảng vàng trang sức chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 77,7% doanh thu và 88% vào lợi nhuận gộp của PNJ. Đây cũng là mảng kinh doanh có tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn so với các mảng còn lại. Từ chỗ chỉ chiếm tỷ trọng 21% doanh thu năm 2011, chỉ sau 4 năm, đã tăng lên 77,70%, tương đương với mức tăng trưởng kép (CAGR) 20,9% mỗi năm.

Trong quý I/2016, doanh thu của mảng vàng trang sức tiếp tục tăng trưởng 19%, trong khi mảng bạc giảm nhẹ 1% và vàng miếng tiếp tục giảm 7% so với cùng kỳ. Việc giảm tỷ trọng mảng vàng miếng và gia tăng mảng trang sức vàng giúp tăng lợi nhuận gộp cho PNJ. Nếu như biên lợi nhuận gộp của mảng vàng miếng rất thấp (khoảng 0,5%) so với mảng vàng trang sức (khoảng 17,2%). Hiện PNJ chỉ duy trì mảng kinh doanh vàng miếng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, chứ không chú trọng phát triển để giảm thiểu rủi ro biến động giá vàng.

Sản phẩm của PNJ là các mặt hàng trang sức có giá trị gia tăng cao. Biên lợi nhuận tốt, cho phép Công ty hấp thụ được biến động nhỏ về giá nguyên liệu (chủ yếu là giá vàng) và duy trì được kết quả kinh doanh tổng thể. Tuy nhiên, trong trường hợp giá nguyên liệu biến động nhiều hơn 10%, PNJ có thể điều chỉnh giá bán để đảm bảo mức lợi nhuận tối thiểu.

Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), biên lợi nhuận ở mảng kinh doanh vàng trang sức sẽ tiếp tục cải thiện nhờ hiệu quả kinh tế theo quy mô và việc đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Nguồn vàng nguyên liệu của PNJ chủ yếu đến từ các đối tác bán sỉ. Đây đa phần là các cửa hàng bán lẻ vàng tư nhân với nguồn vàng đến từ các khách hàng vãng lai. Dù vậy, vàng nguyên liệu chiếm khoảng 90% giá vốn mảng vàng trang sức, nên biến động giá vàng có tác động nhất định tới biên lợi nhuận của Công ty.

Thực tế cho thấy, thị trường hàng tiêu dùng cá nhân và gia đình tại Việt Nam, đặc biệt là ngành hàng trang sức có triển vọng tích cực nhờ quy mô dân số lớn, với tỷ lệ người có thu nhập trung bình và cao tăng dần và khuynh hướng sử dụng hàng chất lượng cao, có thương hiệu gia tăng. Hiện PNJ đang nắm giữ hơn 25% thị trường vàng trang sức, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh liền kề là Doji và SJC. Độ bao phủ thị trường lớn và thương hiệu vốn đã quen thuộc với nhiều người tiêu dùng là các lợi thế riêng của PNJ, giúp việc mở rộng hệ thống vẫn đạt hiệu quả cao.

PNJ hiện có nhiều cửa hàng ở các ở trung tâm thương mại lớn như Vincom Đồng Khởi, Big C Miền Đông, Maximark Cộng Hòa, AEON Tân Phú, Pearl Plaza… Hệ thống cửa hàng bán lẻ lớn và đang mở rộng nhanh chóng là mấu chốt giúp PNJ gia tăng thị phần. Bán lẻ là mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất và có biên lợi nhuận cao nhất trong các kênh phân phối sản phẩm của PNJ. Tính đến cuối quý II/2016, PNJ sở hữu 204 cửa hàng bán lẻ ở 43 tỉnh, thành trên cả nước; trong đó có 135 cửa hàng vàng, 65 cửa hàng bạc và 4 cửa hàng trang sức cao cấp (thương hiệu CAO).

Năm 2016, PNJ dự kiến sẽ mở mới thêm 25 cửa hàng, chủ yếu là cửa hàng chuyên về vàng hoặc kinh doanh nhiều loại sản phẩm. Với tốc độ này, mục tiêu sở hữu 300 cửa hàng trước năm 2022 của PNJ có thể cán đích trước hạn. Việc mở rộng hệ thống phân phối hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của PNJ. Thời gian đạt điểm hòa vốn của các cửa hàng là khoảng 1,5 năm, do đó, các cửa hàng bắt đầu hoạt động từ các năm trước 2015 sẽ bắt đầu đóng góp vào lợi nhuận cho PNJ.

VDSC ước tính, các cửa hàng mới (dưới 12 tháng) có thể đóng góp khoảng 21% doanh thu năm 2016. Với các cửa hàng cũ, tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm là khá ổn định, trung bình khoảng 10 - 12%. Các sản phẩm vàng trang sức của PNJ được kiểm định chặt chẽ hơn so với các cửa hàng truyền thống và được Công ty cam kết mua lại với giá lên đến 70% giá mua.

Các khoản đầu tư ngoài ngành kỳ vọng sẽ không tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh chung của PNJ từ năm 2017 và hiện PNJ đang nỗ lực thoái vốn. VDSC ước tính, doanh thu năm 2016 của PNJ có thể tăng khoảng 9% và lợi nhuận sau thuế ước đạt khoảng 517 tỷ đồng, cao hơn 239% so với năm 2015. Nếu loại bỏ các khoản bất thường, lợi nhuận sau thuế có thể đạt 569 tỷ đồng, tương ứng tăng khoảng 36% so với kết quả hoạt động kinh doanh chính trong năm trước.

Hoạt động kinh doanh cốt lõi của PNJ đang trên đà tăng trưởng tốt, VDSC cho rằng, mức giá hợp lý của PNJ vào khoảng 101.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 32% so với giá đóng cửa ngày 4/7. Do đó, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư mua cổ phiếu PNJ trong dài hạn. Rủi ro với hoạt động kinh doanh chính của PNJ là biến động giá vàng, mặc dù Công ty có khả năng chuyển một phần biến động giá nguyên liệu vào giá bán, nhưng nhu cầu có thể chững lại khi giá trang sức tăng lên.    

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục