Sau khi tăng vốn lên 200 tỷ đồng, VKC sẽ chuyển sang sàn HOSE

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lương Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc CTCP Cáp Nhựa Vĩnh Khánh (mã VKC) cho biết, sau đợt phát hành tăng vốn lên 200 tỷ đồng lần này, VKC sẽ chuyển sang niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) và tiếp tục tăng vốn lên 300 tỷ đồng trong thời gian tới. 

Với kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm khả quan, theo ông, Công ty có khả năng vượt chỉ tiêu kinh doanh cả năm?

Kết thúc quý II/2016, VKC đạt doanh thu lũy kế 576,53 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế 24,89 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái. Theo chu kỳ kinh doanh, Công ty thường ghi nhận mức tăng trưởng tốt ở các quý cuối năm, nên tôi tin việc vượt chỉ tiêu kinh doanh năm nay nằm trong tầm tay.

Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016, VKC đã công bố kế hoạch hoạt động sản xuất - kinh doanh cho năm 2016, với 1.210,4 tỷ đồng doanh thu, tăng 14,6% so với thực hiện năm 2015 và 44,3 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 95,7% so với thực hiện năm 2015; tỷ lệ cổ tức là 15%. Công ty cũng thống nhất đặt chỉ tiêu phấn đấu để đạt tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm giai đoạn 2016 -2020 từ 10%/năm và doanh thu đạt bình quân năm 2016 - 2020 là 1.300 - 1.500 tỷ đồng/năm.

Sau khi tăng vốn lên 200 tỷ đồng, VKC sẽ chuyển sang sàn HOSE ảnh 1

Ông Lương Minh Tuấn

Công ty đã chốt việc phát hành thêm 7 triệu cổ phiếu và khẳng định chắc chắn thu về 84 tỷ đồng. Đâu là cơ sở để VKC tự tin như vậy, thưa ông?
 Ngày 2/8/2016 là ngày đăng ký cuối cùng cho việc chốt danh sách cổ đông đăng ký mua 7 triệu cổ phiếu, với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện là 13:7. Công ty đã có đơn vị bảo lãnh phát hành cho đợt tăng vốn lần này, nên dù thị trường diễn biến không thuận lợi, VKC vẫn chắc chắn thu về 84 tỷ đồng. Mức giá 12.000 đồng/cổ phiếu được Ban lãnh đạo tính toán rất kỹ, nhằm đảm bảo phản ánh đúng khả năng tăng trưởng của Công ty và kỳ vọng của nhà đầu tư khi đăng ký mua cổ phiếu phát hành thêm.

Sau đợt phát hành lần này, Công ty có dự định sẽ tiếp tục tăng vốn trong thời gian tới, cụ thể là trong năm 2017, thưa ông?

Sau khi nâng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng, VKC dự định sẽ chuyển sàn niêm yết sang HOSE và dự định tăng vốn lên 300 tỷ đồng trong thời gian sắp tới, nhằm tài trợ các dự án đầu tư dự kiến sẽ mang về lợi nhuận rất lớn cho Công ty trong năm 2017.

Ông có thể cho biết cụ thể về kế hoạch đầu tư từ nguồn vốn mới của VKC?

Nguồn vốn huy động được chúng tôi đầu tư vào 3 mảng chính của Công ty. Cụ thể, 9 tỷ đồng sẽ dùng để xây dựng kho vỏ xe khi chúng tôi tiến hành bán sản phẩm mới cho thị trường Việt Nam; 22,5 tỷ đồng dùng để đầu tư vào các dây chuyền sản xuất cho mảng cáp và nhựa; 52,5 tỷ đồng dùng để tài trợ vốn lưu động cho các dự án sắp tới.

Theo ông, đầu tư vào cổ phiếu VKC, nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì trong thời gian tới?

VKC luôn chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao. Công ty đã chốt mức cổ tức năm 2015 tỷ lệ 15% bằng tiền mặt và tỷ lệ cổ tức này cũng được trả cho năm 2016. Nhà đầu tư vào cổ phiếu VKC ngoài việc chắc chắn nhận được lợi suất cao từ tỷ lệ cổ tức, còn có thể gia tăng giá trị cổ phiếu dựa trên việc tăng trưởng ổn định và bền vững của doanh thu và lợi nhuận VKC. Công ty luôn cố gắng duy trì mức EPS tối thiểu hơn 2.000 đồng nên việc giá trị cổ phiếu VKC tăng trong thời gian tới là hiển nhiên. So với tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tiếp theo, vùng giá này đang ở mức rất thấp và hấp dẫn để đầu tư dài hạn đối với những doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững qua các năm như VKC.

Đánh giá của ông về thị trường trong những tháng cuối năm, nhất là trong mảng truyền thống của VKC là vỏ xe như thế nào?

Tình hình kinh doanh của mảng vỏ xe của VKC trong 2 quý đầu năm thường tăng trưởng chậm hơn so với 2 quý cuối năm do việc kinh doanh bị ảnh hưởng bởi Tết Âm lịch. Trong 2 quý đầu năm, sản lượng xe ô tô tiêu thụ của toàn thị trường đạt hơn 112.000 xe; tăng hơn 30% so với năm ngoái. Dự báo đến cuối năm, mảng này sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Về dài hạn, mảng vỏ xe sẽ tiếp tục phát triển ổn định nhờ các chính sách như giảm phí trước bạ tại các thành phố lớn; giảm thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN hoặc các chính sách phát triển ngành sản xuất ô tô trong nước của Chính phủ.

Được biết, mảng cáp tiếp tục tăng trưởng tốt do VKC đã thống nhất kế hoạch sản xuất và giao hàng cho các đối tác trong và ngoài nước đến cuối năm 2016. Doanh thu mảng này đóng góp như thế nào vào tổng doanh thu và lợi nhuận của Công ty?

Dự kiến năm nay, mảng cáp sẽ đóng góp từ 35 - 40% vào doanh thu và lợi nhuận 2016 của toàn Công ty. Hiện tại, VKC đã thống nhất kế hoạch sản xuất và giao hàng trong và ngoài nước đến hết quí II/2017. Trong các năm sau, dự kiến mảng cáp sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ áp dụng các công trình nghiên cứu của Công ty vào thực tiễn sản xuất để giảm giá thành; và nâng cao năng lực cạnh tranh và thị phần trong và ngoài nước.

Vân Linh thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục