Habeco: Chiến lược mở rộng 2017

(ĐTCK) Ngày 19/5 vừa qua, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã chứng khoán BHN) đã được tổ chức thành công, thông qua nhiều nội dung quan trọng, trong đó có phương án kinh doanh và kế hoạch chia cổ tức. Năm 2017, Habeco tiếp tục mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, dù áp lực cạnh tranh và sức ép thuế thu nhập đặc biệt ở mức cao.
Thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát Habeco chúc mừng ông Soren Ravn trúng cử thành viên Hội đồng quản trị Thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát Habeco chúc mừng ông Soren Ravn trúng cử thành viên Hội đồng quản trị

Năm 2016: tăng trưởng đồng bộ các chỉ tiêu kinh doanh dù áp lực lớn

Theo báo cáo của Ban tổng giám đốc Habeco, năm 2016, Tổng công ty đạt 10.031 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 796,7 tỷ đồng.

Trên báo cáo tài chính kiểm toán công ty mẹ, lợi nhuận sau thuế đạt 805,1 tỷ đồng. Trong năm qua, Tổng công ty nộp ngân sách nhà nước gần 2.080 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm trước đó và tăng 20,7% mức thu nhập bình quân của người lao động, lên mức 15,4 triệu đồng/người/tháng.

Nhận xét về kết quả kinh doanh này, Ban tổng giám đốc Habeco cho biết, đây là một kết quả rất nỗ lực, trong bối cảnh môi trường kinh doanh chung gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, những năm gần đây, áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành ngày càng gay gắt. Sự tham gia của các thương hiệu bia nước ngoài với nguồn ngân sách dồi dào, không bị giới hạn để đầu tư từ máy móc công nghiệp hiện đại đến các hoạt động quảng cáo, tiếp thị… khiến các doanh nghiệp chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn.

Ngoài ra, thuế tiêu thụ đặc biệt điều chỉnh tăng từ mức 50% lên 55% kể từ ngày 1/1/2016, trong khi giá bán một số sản phẩm không được điều chỉnh tăng tương ứng, đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh chung của Habeco.

Bên cạnh đó, Habeco cho hay, việc truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt những năm trước theo yêu cầu của Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước cũng khiến Tổng công ty gặp khó khăn nhất định trong cân đối dòng tiền.

Năm 2017, Habeco đặt mục tiêu đạt 808,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế  

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực toàn diện từ đầu tư nhà máy hiện đại, cải tiến sản phẩm đến cải tiến phương thức bán hàng và quản lý bán hàng, xây dựng các chương trình, giải pháp đồng bộ để thúc đẩy tiêu thụ theo tháng, Habeco đã tăng sản lượng tiêu thụ trong năm 2016 lên mức hơn 526 triệu lít bia Hà Nội, tăng 3% so với năm 2015 và hoàn thành vượt 0,2% kế hoạch.

Không chỉ giữ vững thị trường trong nước, Habeco cho biết, Tổng công ty đang xuất khẩu sản phẩm sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á, châu Âu và châu Đại dương như: Anh, Pháp, Đức, Australia, New Zealand, Đài Loan, Hàn Quốc, Áo… Tổng sản lượng xuất khẩu năm 2016 tăng 58,1% so với năm 2015 và chủ yếu tại thị trường Australia và Anh.

Nhờ kết quả trên, Habeco đã thông qua mức chia cổ tức năm 2016 là 18% mệnh giá cổ phần.

Điểm sáng mặt hàng bia Hà Nội nhãn xanh

Áp lực cạnh tranh lớn, nhưng Habeco vẫn tăng trưởng sản lượng tiêu thụ cũng như doanh thu bán hàng chính. Một trong những sản phẩm tạo điểm nhấn của Tổng công ty về tăng trưởng doanh số chính là sản phẩm bia Hà Nội nhãn xanh.

Theo đó, Habeco cho biết, năm 2016, bộ sản phẩm bia chai Hà Nội và bia lon Hà Nội nhãn xanh có mức tăng trưởng cao so với năm 2015 và vượt kế hoạch sản xuất ở mức cao, lần lượt là 200,8% và 190,9%. Bộ sản phẩm này đã được người tiêu dùng ở khu vực miền Trung chấp nhận và bù đắp một phần cho sự sụt giảm của sản phẩm bia chai Hà Nội 450ml.

Trong năm 2016, Habeco đã hoàn thành chuyển giao công nghệ sản xuất bia chai nhãn xanh cho Công ty Bia Hà Nội - Nghệ An và ban hành quy trình chung, thống nhất cho sản xuất bia chai và bia lon Hà Nội nhãn xanh tại những công ty thành viên sản xuất sản phẩm này.

Với những thành công từ thị trường trong năm qua và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt sản xuất, Habeco chia sẻ, Tổng công ty sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình khuyến mại, hỗ trợ bán hàng hàng tháng cho các đại lý, khách hàng cấp 2, các nhà hàng trọng điểm để kích thích tiêu thụ sản phẩm bia chai Hà Nội 330 ml, bộ sản phẩm bia nhãn xanh và bia lon Hà Nội nhân dịp Hè và Tết 2017 - 2018.

Mục tiêu 808,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2017

Tuy còn nhiều khó khăn về môi trường kinh doanh chung, nhưng năm 2017, Habeco tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng bia tiêu thụ, tương ứng với đó là tăng doanh thu, lợi nhuận và tỷ lệ chia cổ tức.

Cụ thể, năm nay, Habeco đặt kế hoạch tiêu thụ 542 triệu lít bia, tăng 3%; tiêu thụ 2 triệu lít nước đóng chai, tăng 155,7% so với năm 2016. Với kế hoạch sản lượng này, Tổng công ty đặt kế hoạch đạt 8.866 tỷ đồng doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính, tăng 9,1% và 808,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (không tính lợi nhuận bất thường), chia cổ tức tỷ lệ 20% vốn điều lệ.

Để đạt mục tiêu trên, Hội đồng quản trị Habeco đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm: nâng cao chất lượng quản trị; tăng cường công tác quản lý sản xuất - kỹ thuật - chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; chỉ đạo sát sao công tác tiêu thụ sản phẩm; kiện toàn về mặt nhân lực, đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ nhân viên thị trường, giám sát bán hàng, marketing mang tính chuyên nghiệp.

Báo cáo của Hội đồng quản trị Habeco nhấn mạnh yêu cầu Ban điều hành thực hiện chiến lược phát triển thị trường và định hướng phát triển sản phẩm mới để tăng khả năng cạnh tranh trong thời gian tới.

Đã xong phương án tổ chức kinh doanh tại 183 Hoàng Hoa Thám

Theo Ban lãnh đạo Habeco, năm 2016, Tổng công ty đã xây dựng và hoàn thiện phương án tổ chức sản xuất - kinh doanh tại 183 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Hiện tại, nhà máy tại 183 Hoàng Hoa Thám có công suất 100 triệu lít bia/năm, sản xuất 3 sản phẩm chủ yếu là: bia hơi Hà Nội, bia Trúc Bạch và nước uống đóng chai nhãn hiệu UniAqua.

Theo Ban kiểm soát Habeco, tính đến cuối năm 2016, Habeco có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu thấp, ở mức 0,32 lần; hệ số khả năng thanh toán nhanh lên tới 4,17 lần và tỷ lệ vốn đầu tư ra ngoài ngành trên vốn chủ sở hữu chỉ là 3,32%.

Trong năm 2017, Habeco sẽ tiếp tục thực hiện thoái vốn tại các công ty ngoài ngành theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương.

Đối với Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội và Công ty cổ phần Habeco Hải Phòng, Ban kiểm soát Habeco kiến nghị Hội đồng quản trị cần giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, xem xét dấu hiệu mất an toàn tài chính để có biện pháp đặt doanh nghiệp vào tình trạng giám sát tài chính đặc biệt theo quy định tại Điều 24, Nghị định 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 của Chính phủ và theo Quy chế giám sát tài chính mà Tổng công ty đã ban hành.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông ngày 19/5/2017, phương án chi tiết về việc thoái vốn của Bộ Công thương tại Habeco không được nhắc tới, nhưng đưa ra mục tiêu triển khai đúng tiến độ lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Habeco theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương.                       

Uyên Phạm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục