Thị trường tiền tệ: Một năm nhiều “sóng”

(ĐTCK-online) "Sóng" trên thị trường tài chính - tiền tệ năm qua đã làm cho không ít người "say", kể cả lãnh đạo ngân hàng, bởi tần số của nó dày hơn so với những năm trước đây khi lãi suất liên tục được thiết lập ở mức cao hơn; tỷ giá chợ đen vượt ngưỡng 21.500 đồng/USD và giá vàng lên tới 38,2 triệu đồng/lượng…
Dù đã được can thiệp bình ổn, giá USD trên thị trường tự do hiện vẫn cao hơn trên thị trường ngân hàng 1.500 đồng/USD - Ảnh: Hoài Nam Dù đã được can thiệp bình ổn, giá USD trên thị trường tự do hiện vẫn cao hơn trên thị trường ngân hàng 1.500 đồng/USD - Ảnh: Hoài Nam

Lãi suất tạo "sóng"

Đầu năm 2010, mức "trần" lãi suất huy động còn là 10,5%/năm. Nhưng sau đó, lãi suất huy động tăng dần do các ngân hàng chạy đua huy động vốn, xuất phát từ một số ngân hàng nhỏ, thiếu hụt tạm thời về thanh khoản. Mặt khác, lạm phát, tỷ giá và giá vàng tăng khiến lãi suất yêu cầu của người gửi tiền tăng lên. Giữa tháng 2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nâng tỷ giá tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 17.941 VND/USD lên 18.544 VND/USD. Đến tháng 8, "trần" lãi suất huy động đã được Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) tăng từ 10,5%/năm lên 11,2%/năm, lãi suất cho vay theo đó tăng lên 13 - 15%/năm, tùy từng nhà băng.

Sau đó, NHNN và VNBA muốn hạ lãi suất thông qua thoả thuận mức "trần" huy động mới là 11%/năm. Tuy nhiên, thỏa thuận này mới được đưa ra chưa đầy 1 tháng đã phải thay đổi bởi thị trường vàng bất ngờ dậy sóng, lôi kéo các thị trường khác dâng theo. Trước đó, đầu tháng 11, NHNN đã thêm một lần điều chỉnh tỷ giá, lên 18.932 VND/USD. Cùng lúc, chỉ số giá tiêu dùng bắt đầu tăng tốc trong những tháng nửa cuối năm, thêm lý do kéo lãi suất yêu cầu lên.

Để kiểm soát lạm phát, NHNN đã buộc phải nâng lãi suất cơ bản VND từ 8%/năm lên 9%/năm kể từ tháng 11 (sau 10 tháng đầu năm giữ ổn định ở một mức duy nhất). Mặt khác, cũng kể từ tháng 10/2010, các ngân hàng phải thực hiện các quy định mới tại Thông tư 19/2010/TT-NHNN và Thông tư 13/2010/TT-NHNN chỉ được sử dụng 80% trên tổng vốn huy động để cấp tín dụng. Theo đó, ngân hàng bị hạn chế cho vay trên số vốn huy động được nhằm tăng cường cho các chỉ tiêu an toàn. Những nhân tố này khiến các ngân hàng buộc phải nâng lãi suất "đầu ra" để bù đắp chi phí tăng thêm.

Lãi suất dâng cao đỉnh điểm vào đầu tháng 12 với sự xuất hiện của "sự cố Techcombank" khi ngân hàng này niêm yết mức lãi suất huy động "khủng", 17,5%/năm. Bên cạnh việc nâng lãi suất huy động chính thức, hầu hết ngân hàng đều tặng kèm người gửi tiền nhiều hình thức khuyến mại khác để cạnh tranh, thu hút khách hàng. Lãi suất cho vay cũng được nâng lên khoảng 18-20%/năm, thậm chí cao hơn.

Nhiều nhân tố tích hợp lại khiến lãi suất thực (tính trừ lạm phát) ở mức khá hấp dẫn nếu so với mặt bằng lãi suất của thế giới (khoảng 4 - 5%/năm so với mức 0 - 2% của thế giới). Tuy nhiên, không vì thế mà ngân hàng dễ dàng huy động vốn.

Căng thẳng về lãi suất đã bóp méo các quy luật vốn có của thị trường. Đường cong lãi suất luôn trong tình trạng bị "duỗi thẳng", trong khi, phần lớn vốn huy động của ngân hàng thuộc kỳ hạn ngắn. Hiện "trần" lãi suất huy động đã được kéo về 14%/năm theo yêu cầu của Thống đốc NHNN. Mức trần này được hầu hết ngân hàng áp dụng cho tất cả các kỳ hạn.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, sự méo mó trong chính sách lãi suất đang đặt hệ thống ngân hàng vào trạng thái rủi ro cao, đặc biệt là rủi ro kỳ hạn, bởi khá nhiều vốn huy động ngắn hạn đã được dùng để cho vay trung và dài hạn.

Với nền kinh tế, lãi suất cao cũng đang tạo ra rủi ro khi không ít khoản vay với lãi suất cao được doanh nghiệp sử dụng vào các hoạt động có độ rủi ro cao nhằm kiếm lợi nhanh, tỷ suất lợi nhuận cao. Dù lãi suất cao nhưng tốc độ tăng tín dụng cả năm 2010 vẫn ước tăng so với kế hoạch 25%, có thể đạt đến 29,81%, nếu trừ hư số do tỷ giá và giá vàng tăng thì tổng dư nợ cũng tăng tới 27,6%. Trong đó, tín dụng ngoại tệ tăng nhanh hơn với 49,3% chưa trừ hư số, một nhân tố chứa đựng rủi ro khác. Nếu tỷ giá tăng cao, các khoản tín dụng bằng ngoại tệ sẽ khó đòi hơn.

 

Chóng mặt với USD "chợ đen"

Đối với thị trường ngoại tệ, năm 2010, NHNN đã phải hai lần nâng tỷ giá, tổng cộng 5,52%. Trên thị trường tự do, giá USD bắt đầu đà tăng kể từ lần điều chỉnh tỷ giá thứ nhất của NHNN vào tháng 2/2010 và tăng "nóng" liên tục sau khi NHNN nâng tỷ giá lần hai vào giữa tháng 8/2010.

Từ đầu tháng 11, "cơn lốc" giá vàng xuất hiện đã cuốn theo giá USD, tạo thành một vòng xoáy giá vàng - USD. Ở đỉnh xoáy, USD đã được giao dịch ở giá 21.700 VND/USD, bỏ xa trần tỷ giá USD/VND (19.500) tới 2.200 đồng, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử thị trường hối đoái Việt Nam. Trong ngắn hạn, cung - cầu USD trên thị trường ngoại tệ cũng bị kéo nghiêng về phía cung bởi bàn tay của các nhà đầu cơ, hiện tượng găm giữ USD của người dân và nhu cầu thanh toán các hợp đồng vay USD trước đó.

Nếu không có những "cú sốc" ngắn hạn kể trên, tỷ giá USD/VND cũng sẽ tăng đều đặn do thâm hụt cán cân thanh toán, nguyên nhân thường xuyên và chủ yếu. Ngoài ra, lạm phát đồng VND cao trong nhiều năm so với đồng USD, tạo khoảng chênh về tỷ giá cơ bản và gây áp lực phá giá đồng VND so với USD.

 

"Rát bỏng" với giá vàng

Như đã đề cập, giá vàng là một trong những nhân tố chính của thị trường tiền tệ năm 2010. Giá vàng trong nước chưa năm nào giảm song tăng nhanh như trong năm 2010 cũng là hiếm. Nguyên nhân chính của cơn sốt giá vàng trong nước là sự bùng phát của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, các nhà đầu cơ trong nước đã "khéo léo" biến cơ chế hạn ngạch nhập khẩu vàng thành đòn bẩy giá vàng trong nước, tăng nhanh hơn giá vàng thế giới. Tính đến giữa tháng 11/2010, giá vàng trong nước tăng đến 31% so với cuối năm 2009, còn vàng thế giới chỉ tăng 24,4%.

Để ổn định thị giá vàng trong nước, NHNN đã có nhiều biện pháp can thiệp thị trường vàng như: cho phép nhập khẩu thêm vàng, chấm dứt hoạt động kinh doanh của các sàn giao dịch vàng, đóng tài khoản kinh doanh vàng nước ngoài của các ngân hàng cũng như hạn chế nhu cầu ngoại tệ tác động tiêu cực lên giá vàng trong nước… Đồng thời, với sự ra đời của Thông tư số 22/2010/TT-NHNN về cơ chế và tình hình huy động, cho vay bằng vàng của các ngân hàng ban hành ngày 29/10 vừa qua đã "siết" hoạt động cho vay và huy động cũng như chuyển đổi vốn tiền gửi bằng vàng sang tiền đồng của ngân hàng. Điều này được NHNN cho rằng, sẽ giảm đầu cơ vàng, ngoại tệ, góp phần ổn định thị trường ngoại hối - tiền tệ.

Hầu hết các tổ chức chuyên môn trong và ngoài nước đều dự báo, giá vàng thế giới sẽ còn tiếp tục tăng do lạm phát tiền giấy trên thế giới bởi động thái kích thích kinh tế của các chính phủ; cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu chưa có hồi kết; căng thẳng  trên bán đảo Triều Tiên và nhu cầu cơ cấu lại kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc,… Vì vậy, chưa tìm thấy lý do cho giá vàng trong nước hạ xuống.

Dự báo lạc quan nhất được đưa ra từ các chuyên gia kinh tế - tài chính là mức 1.500 USD/ounce của giá vàng, có thể đạt được vào tháng 6 năm 2011.

 

Giải pháp cả gói

Ông Lê Xuân Nghĩa cho biết, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã xây dựng và trình Chính phủ chương trình tổng quát về chính sách tiền tệ cho năm 2011. Ông Nghĩa lạc quan, với gói giải pháp tổng thể mới, thị trường tiền tệ sẽ được kiểm soát tốt hơn và lãi suất có thể bắt đầu giảm từ sau quý I/2011. Chính phủ cũng quyết tâm sẽ kiểm soát lạm phát năm 2011 ở mức 7% và tăng trưởng tín dụng sẽ được hạn chế ở mức 23%.

Một trong những sự thay đổi trong phương thức điều hành chính sách tiền tệ được Uỷ ban đề xuất là tập trung sử dụng công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Uỷ ban cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch xây dựng và triển khai sở giao dịch vàng tập trung nhằm thu hút lượng vàng đang được lưu giữ rất lớn trong dân. Phần lớn số vàng này được nhập lậu khiến một lượng lớn USD bị "tuồn" ra ngoài mà không có trên bảng cân đối cán cân thanh toán quốc gia. Sàn vàng tập trung với lưu ký vàng vật chất sẽ một mặt hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ vàng, giúp ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, mặt khác, huy động được một lượng vốn lớn cho phát triển kinh tế.

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,206.97 -9.64 -0.8% 149,826 tỷ
HNX 226.55 -3.17 -1.4% 1,384 tỷ
UPCOM 88.03 -0.95 -1.08% 344 tỷ