Giữ quỹ ngoại ở lại Việt Nam

(ĐTCK) Tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài trong Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ðinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đang triển khai xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi, trong đó chú trọng xây dựng các chính sách nhằm đảm bảo cho TTCK hoạt động công khai, minh bạch, tạo môi trường thông thoáng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Giữ quỹ ngoại ở lại Việt Nam

Vậy thế nào là một môi trường thông thoáng hơn? Bên cạnh vấn đề về room (tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam), thúc đẩy việc nâng hạng, thì nút thắt về quản lý ngoại hối là một câu chuyện thực tế, liên quan trực tiếp đến dòng tiền đầu tư của khối ngoại vào Việt Nam.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, mỗi nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mở 1 tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện mọi giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Do tính chất độc lập của các danh mục đầu tư của các tổ chức thuộc chính phủ nước ngoài hoặc các tổ chức đầu tư quốc tế liên chính phủ, việc sử dụng chung 1 tài khoản vốn đầu tư gián tiếp cho các danh mục đầu tư lưu ký tại các ngân hàng khác nhau là một loại khó khăn cho việc quản lý dòng tiền và tài sản của nhà đầu tư.

Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 32 quy định, trước ngày 1/3/2018, đối tượng được phép mở tài khoản thanh toán chỉ bao gồm là pháp nhân, còn các tổ chức không có tư cách pháp nhân phải chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung.

Ðầu năm 2018, quy định này được Ngân hàng Nhà nước gia tăng thời hạn đến 1/3/2019, nhưng các hồ sơ mở tài khoản mới vẫn phải đứng tên pháp nhân hoặc cá nhân theo quy định của Thông tư.

Quy định trên tác động như thế nào đến TTCK Việt Nam? Thực tế, Việt Nam hiện có khoảng 1.300 quỹ đầu tư nước ngoài không có tư cách pháp nhân đầu tư vào chứng khoán Việt Nam, đang duy trì tài khoản thanh toán, mã số giao dịch, tài khoản giao dịch dưới tên của quỹ tại các ngân hàng lưu ký/ngân hàng giám sát.

Việc 1.300 quỹ này phải chuyển đổi tài khoản thanh toán hiện có sang tên cá nhân hoặc tên tài khoản thanh toán chung là câu chuyện nan giải. Các nhà đầu tư sẽ phải thực hiện thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp, tài khoản thanh toán mới, sẽ mất nhiều thời gian và công sức để duy trì dòng vốn ngoại ở lại với thị trường.

Một khó khăn bấy lâu của nhà đầu tư nước ngoài là khi muốn đầu tư vào TTCK Việt Nam, họ phải chuyển ngoại tệ vào tài khoản trước, sau đó chờ đến ngày thanh toán mới được đổi sang tiền đồng. Cùng với đó, các nhà đầu tư ngoại cũng không có công cụ phòng ngừa rủi ro về ngoại hối. Có những giai đoạn vốn ngoại đầu tư 4-5 tỷ USD vào trái phiếu Việt Nam, khi lạm phát tăng cao, họ gặp khó khăn trong việc bảo toàn vốn.

Bộ Tài chính đang tập trung gỡ vướng về room và thúc đẩy nâng hạng TTCK, nhưng câu chuyện quan trọng không kém là làm cách nào để tạo thuận lợi cho dòng ngoại hối từ nhà đầu tư ngoại chảy vào TTCK Việt Nam?

Liệu Ngân hàng Nhà nước có thể quy định tài khoản vốn đầu tư gián tiếp linh hoạt hơn, cho phép các quỹ đầu tư không có tư cách pháp nhân được tham gia quan hệ ngân hàng (mở tài khoản vốn gián tiếp, tài khoản thanh toán…), đồng thời cho phép khối ngoại thực hiện hợp đồng ngoại tệ có kỳ hạn (FX Forwards) để phòng ngừa rủi ro khi chuyển ngoại tệ vào Việt Nam?

Theo dự kiến, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2019. Quy định về quản lý ngoại hối hiện không nằm trong dự án Luật Chứng khoán, nhưng đây lại là câu chuyện quan trọng, cần có lời giải sớm trước ngày 1/3/2019, tức là trước thời điểm Luật Chứng khoán chốt trình. 

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,285.95 -4.23 -0.33% 132,019 tỷ
HNX 243.14 -0.78 -0.32% 1,161 tỷ
UPCOM 91.45 -0.03 -0.03% 428 tỷ