Định hình thứ hạng công ty chứng khoán

(ĐTCK) Là nhóm doanh nghiệp thành viên đóng vai trò không thể thiếu trên TTCK, 16 năm qua, các CTCK đã trải qua nhiều biến cố, thăng trầm. 
Định hình thứ hạng công ty chứng khoán

Ở thời điểm hiện nay, bức tranh hoạt động của các CTCK đã tương đối rõ ràng, với sự phân hóa lớn giữa các doanh nghiệp, nhưng thị trường vẫn luôn vận động và cần một sự thay đổi lớn hơn nữa của các công ty, nhất là vai trò dẫn dắt của những CTCK lớn. 

Cảnh người ra đi...

Ngày 21/7/2016, cổ phiếu KLS của CTCP Chứng khoán Kim Long đã hủy niêm yết để phục vụ cho việc giải thể sau 10 năm hoạt động. Đây là lần đầu tiên TTCK Việt Nam chứng kiến một CTCK ra đi trong bối cảnh quy mô tài chính rất hùng hậu: hơn 2.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu trên vốn điều lệ hơn 2.000 tỷ đồng, khối lượng cổ phiếu lưu hành thực tế 182,250 triệu cổ phần.

Lý do cho sự ra đi của Kim Long không hề mới, khi từ năm 2011, Ban lãnh đạo Công ty đã thể hiện mong muốn chuyển đổi mô hình hoạt động, không hoạt động trong lĩnh vực đặc thù nữa, bởi yếu tố cạnh tranh và rủi ro ngành. Một câu chuyện đã được Chủ tịch Hội đồng quản trị Kim Long - ông Hà Hoài Nam nhắc đi nhắc lại nhiều lần: môi giới đầu tư lớn, chi phí cao mà hiệu quả thấp, tự doanh thì rủi ro cao. Và vì thế, mặc dù từng là CTCK có nhiều thế mạnh, nhưng Kim Long vẫn rơi vào tình trạng: gửi tiền ngân hàng và chấp nhận hoạt động cầm chừng ở các mảng nghiệp vụ, kể cả tự doanh.

Trên thực tế, Kim Long không phải là CTCK duy nhất ra đi vì khó khăn thị trường. Thậm chí, đây là CTCK mang lại nhiều lợi ích nhất cho cổ đông trước khi giải thể. 10 năm qua, nhiều CTCK đã chuyển từ trạng thái có giấy phép là có tiền, sang thua lỗ, sống vật vờ.

Còn nhớ, cuối năm 2006, một CTCK vừa mới thành lập đã được nhiều cổ đông rao bán lại cổ phiếu với giá lên tới 70.000 đồng/cổ phiếu và chỉ ưu tiên mua theo lô từ 5.000 - 10.000 cổ phiếu trở lên. Việc bán lại phần vốn góp đã mang lại hàng chục tỷ đồng cho những người tham gia thành lập. Điều này trái ngược hẳn với thực tế hoạt động của Công ty gần 10 năm sau đó. Đến tận bây giờ, khi đã đưa cổ phiếu lên niêm yết, trải qua quá trình hoạt động đã xây dựng được tên tuổi lớn trong lĩnh vực tư vấn, kết nối doanh nghiệp huy động vốn đầu tư nước ngoài, cổ phiếu của công ty này vẫn chỉ có giá hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu 2006 là giai đoạn bùng nổ các CTCK xin cấp phép thành lập mới, thì những năm sau đó, thăng trầm thị trường đã khiến hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình cảnh thua lỗ. Cạnh tranh về môi giới với giảm phí, lôi kéo nhân viên môi giới, cung cấp các dịch vụ tài chính một cách thiếu kiểm soát… đã thổi bay vốn của hàng loạt CTCK lớn. Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - SBS), Chứng khoán SME, Chứng khoán Quốc tế (VIS)… là 3 trong số hàng loạt công ty đã phải trả giá cho sự cạnh tranh khốc liệt và diễn biến trồi sụt của thị trường. 

Sức ép phân loại CTCK

Nếu trước năm 2015, điểm nhấn lớn nhất của khối CTCK là tái cấu trúc, thì từ năm 2015 đến nay, điểm được thị trường chú ý nhiều hơn chính là việc phân hạng các CTCK ngày một rõ nét.

Với cạnh tranh ngày một lớn trong nhóm này, các CTCK chỉ có 2 lựa chọn: cải thiện chính mình cả về năng lực tài chính và chất lượng nhân sự, dịch vụ để bứt phá, hoặc hoạt động cầm chừng.

Trong số các CTCK, tạm chia ra làm 2 nhóm: nhóm có cổ đông lớn là tổ chức tài chính, ngân hàng như: Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities), Chúng khoán Vietcombank (VCBS), Chứng khoán Công thương (VietinbankSc), Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), Chứng khoán Nông nghiệp (Argiseco), Chứng khoán MB (MBS)… và nhóm không có cổ đông ngân hàng đứng sau.

Đa số các CTCK có ngân hàng mẹ đứng sau đều có thuận lợi hơn so với số đông các CTCK còn lại. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của các công ty này lại có sự phân hóa khá lớn, tùy theo định hướng hoạt động. Theo đó, những CTCK nhóm này tập trung phát triển mảng dịch vụ tư vấn, tài chính (tư vấn phát hành trái phiếu…) có hiệu quả kinh doanh khá cao như: Techcom Securities (6 tháng lãi tới gần 300 tỷ đồng trên vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng). Ngược lại, nhóm công ty tập trung nhiều cho các hoạt động đầu tư, hiệu quả kinh doanh lại khá bấp bênh, điển hình là Agriseco lỗ tới gần 164 tỷ đồng nửa đầu năm.

Đối với các CTCK thuộc nhóm còn lại, câu chuyện phân hóa cũng diễn ra ngày càng sâu sắc.

Nửa đầu năm nay, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) ghi nhận lãi công ty mẹ trên báo cáo tài chính riêng tới hơn 415 tỷ đồng. Dù có thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 (546 tỷ đồng), nhưng SSI vẫn là CTCK có kết quả kinh doanh ấn tượng nhất theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán tính đến thời điểm này.

Các công khác như Chứng khoán TP. HCM (HSC), Chứng khoán FPT (FPTS), Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Chứng khoán IB (IBSC)… dù ghi nhận lợi nhuận nửa đầu năm lớn hơn mặt bằng chung khá nhiều, nhưng vẫn bị SSI bỏ xa. Số đông công ty còn lại ghi nhận con số lãi, lỗ đều rất nhỏ. Nhiều CTCK gần như không còn hoạt động.      

Hoàng Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 -22.67 -1.9% 191,064 tỷ
HNX 226.2 -2.63 -1.16% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 -0.48 -0.55% 623 tỷ