Cổ phiếu ngành dược: Cơ hội với “tân binh“

(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu ngành dược vừa đón một loạt “tân binh” lên sàn, mỗi tân binh đều sở hữu những lợi thế riêng biệt.
Nhóm doanh nghiệp sản xuất dược phẩm có biên lợi nhuận cao hơn so với các doanh nghiệp phân phối dược phẩm Nhóm doanh nghiệp sản xuất dược phẩm có biên lợi nhuận cao hơn so với các doanh nghiệp phân phối dược phẩm

Ba “tân binh” của nhóm cổ phiếu ngành dược là CTCP Pymepharco (PME), CTCP Dược trang thiết bị y tế Bình Định (DBD) và CTCP Hóa – Dược phẩm Mekophar (MKP) sẽ chiếm vị trí trong Top 6 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm có doanh số (trượt 4 quý gần nhất) cao nhất, vượt trên cả những tên tuổi kỳ cựu cùng ngành trên sàn chứng khoán như Imexpharm (IMP), Domesco (DMC).

Đó là mới xét trong nhóm doanh nghiệp sản xuất dược phẩm. Nếu thống kê với cả các doanh nghiệp sản xuất và phân phối dược phẩm trên thị trường chứng khoán thì CTCP Y dược phẩm Vimedimex (VMD) - doanh nghiệp phân phối sỉ dược phẩm – đang chiếm vị trí quán quân về doanh số cũng như tổng tài sản, lần lượt đạt 14.914 tỷ đồng và 9.585 tỷ đồng. Nhưng do đặc thù là doanh nghiệp phân phối dược phẩm nên biên lợi nhuận của VMD không cao, lãi ròng chỉ khoảng 29 tỷ đồng. 

Ngày 12/6 vừa qua, 21 triệu cổ phiếu CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 (DP1) được đưa lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 10.600 đồng/cổ phiếu. DP1 đang phân phối một số sản phẩm như Vitamin B Complex, Tazam 1g, Morphini Spinal 0,1%... Tương tự VMD, doanh số của DP1 nằm trong Top 3 doanh nghiệp dược trên sàn, đạt hơn 2.493 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng chỉ khoảng 33 tỷ đồng. Năm 2018, DP1 đặt kế hoạch doanh thu 2.600 tỷ đồng, tăng 8,79% so với năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 36 tỷ đồng, tăng 4%. Cổ tức dự kiến 12% bằng tiền mặt.

Dẫn đầu về doanh thu trong khối sản xuất dược phẩm vẫn là DHG với doanh số hơn 4.089 tỷ đồng và tổng tài sản 4.190 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận ròng của DHG cũng đứng vị trí số 1 với hơn 639,6 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt, DHG là công ty thành công nhờ mạng lưới phân phối tốt nhất thị trường, nhưng tình hình kinh doanh các sản phẩm tự sản xuất đã chững lại trong 4 năm qua do mạng lưới phân phối DHG đã bão hòa.

Đáng chú ý, kênh OTC chiếm khoảng 90% doanh thu Công ty đang bị mất thị phần tại bệnh viện khi bảo hiểm y tế toàn dân ngày càng phổ biến.

Các công ty dược trong nước nỗ lực nhiều hơn trên kênh OTC vì phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu có giá thấp hơn trong quá trình đấu thầu tại bệnh viện, trong khi chưa đủ công nghệ để thâm nhập các phân khúc cao cấp hơn tại kênh này.

Vị trí thứ 2 dành cho “tân binh” PME (niêm yết tháng 11/2017) với quy mô tổng tài sản và doanh số lần lượt đạt 1.969 tỷ đồng và 1.620 tỷ đồng (trượt 4 quý gần nhất). Lợi nhuận của PME cũng nằm trong Top 2 với 292,6 tỷ đồng.

Đây là doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành có nhà máy thuốc viên và thuốc tiêm được công nhận đạt tiêu chuẩn GMP - châu Âu bởi thành viên nhóm ICH dược phẩm là CHLB Đức.

Thông tin đáng chú ý, sau khi cổ đông lớn Stada Service Holding B.V - công ty con của Tập đoàn Dược phẩm Stada Arzneimittel AG thoái toàn bộ vốn góp tại Công ty liên doanh Stada - Việt Nam thì PME trở thành đơn vị sản xuất duy nhất của Tập đoàn tại Việt Nam. Và không loại trừ khả năng, Stada sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại PME trong tương lai không xa.

Ngày 15/6 tới, khoảng 52,4 triệu cổ phiếu DBD của CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) sẽ niêm yết trên sàn HOSE với giá tham chiếu 48.000 đồng/cổ phiếu. Cổ đông lớn nhất của DBD là Quỹ Đầu tư và phát triển Bình Định (nắm giữ 13,34% vốn cổ phần).

Theo đánh giá của một số chuyên gia phân tích, sản phẩm thuốc điều trị ung thư của DBD được coi không có đối thủ cạnh tranh nếu so sánh với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, do có dây chuyền sản xuất theo chuẩn GMP-WHO, các bên tương tự chưa có. Ngoài ra, toàn bộ sản phẩm thuốc kháng sinh của DBD hiện không phải trả phí bản quyền.

Năm 2018, DBD xây dựng kế hoạch kinh doanh 1.584 tỷ đồng doanh thu thuần, trong đó riêng doanh thu từ dược phẩm ước đạt 1.433 tỷ đồng, chiếm 90% tổng doanh thu; lợi nhuận sau thuế 169 tỷ đồng, cổ tức tỷ lệ 15%. Quý I/2018, Công ty đạt doanh thu 361 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 41 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm ngoái.

Sau 5 năm hủy niêm yết tự nguyện, MKP trở lại giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu phiên đầu tiên là 70.000 đồng/cổ phiếu. Hiện Nipro sở hữu khoảng 18,32% vốn MKP và cổ đông lớn khác là Tổng công ty Dược Việt Nam sở hữu 18,17%, Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh sở hữu 10,3%...

Đáng chú ý, từ năm 2016, MKP có đối tác chiến lược đồng hành là Nipro Pharma Corporation, tập đoàn dược phẩm lớn của Nhật Bản. Đối tác này sẽ đồng hành cùng MKP trong việc hoàn thành dự án đầu tư nhà máy sản xuất thuốc tiêu chuẩn PIC/S-GMP Nhật Bản vào cuối năm 2018 để sản xuất thuốc nhượng quyền phục vụ thị trường Nhật và các nước châu Á khác.

Ngoài ra, MKP có mảng hoạt động là dịch vụ ngân hàng tế bào gốc được đánh giá tiềm năng rất lớn. Hiện MKP đang sở hữu công nghệ độc quyền được chuyển giao từ Cell Research Corporation - Singapore.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 0.0 0.0% 258,687 tỷ
HNX 243.92 0.0 0.0% 0 tỷ
UPCOM 91.48 0.0 0.0% 0 tỷ