Cổ phiếu ngân hàng 2018, tìm động lực tăng trưởng mới

(ĐTCK) Cổ phiếu ngân hàng là nhóm trụ cột đẩy VN-Index lên mức cao kỷ lục đầu năm 2018, mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư sở hữu. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu nhóm “cổ phiếu vua” có còn động lực sau khi đã tăng giá phi mã thời gian qua và sắp tới sẽ có thêm nhiều ngân hàng rục rịch đưa cổ phiếu lên sàn?
Thị trường bất động sản ấm lên giúp các ngân hàng hưởng lợi lớn trong việc xử lý nợ xấu và cho vay mua nhà Thị trường bất động sản ấm lên giúp các ngân hàng hưởng lợi lớn trong việc xử lý nợ xấu và cho vay mua nhà

Sức hút cổ phiếu “vua”

Theo thống kê của StoxPlus, năm vừa qua, thị trường chứng khoán đón nhận 5 ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường niêm yết và UPCoM, nâng tổng số ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn từ 9 lên 14 và từ đầu năm đến nay, có thêm 2 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE là HDB và TPB.

Hầu hết các tân binh này đều được thị trường đón nhận nồng nhiệt, giá nhiều cổ phiếu tăng mạnh mẽ như VIB tăng 121,6%, VPB tăng 64,4%, LPB tăng 35,1%. Ngay cả một tân binh mới lên sàn vào đầu năm 2018 là HDB cũng đã ghi nhận mức tăng giá 26,3% sau 4 tháng niêm yết.

Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng cũ trên sàn cũng có mức tăng mạnh mẽ trong 1 năm qua như MBB tăng 129%, VCB tăng 88,8%, BID tăng 156,5%, SHB tăng 91,8%, ACB tăng 132%, CTG tăng 99,9%...

Có thể thấy, sự hào hứng của nhà đầu tư với cổ phiếu ngân hàng được hỗ trợ từ diễn biến tích cực của TTCK từ cuối năm 2017 sang đầu năm 2018, song cũng khiến không ít người bất ngờ khi dòng cổ phiếu này từng trải qua một thời gian dài thanh khoản èo uột, giá cổ phiếu dậm chân tại chỗ. Nếu như 2 năm trước, chỉ một vài ngân hàng có mức giá trên 30.000 đồng/cổ phiếu thì hiện có khoảng 50% cổ phiếu trên sàn vượt qua ngưỡng này.

Không chỉ trên các sàn chứng khoán tập trung, cổ phiếu ngân hàng còn trở thành nhóm được săn đón số 1 và tăng giá mạnh trên sàn OTC. Điển hình như OCB, đợt đấu giá tới đây dự kiến thu hút 700 nhà đầu tư với khối lượng đặt mua 73,3 triệu cổ phiếu, với giá gần 30.000 đồng/cổ phiếu. Hay trường hợp cổ phiếu của Techcombank cũng tăng trên 100.000 đồng/cổ phiếu. Giá bật mạnh, khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh, khiến không ít người ngạc nhiên.

Ông Nguyễn Hồng Nam, thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, diễn biến khả quan của cổ phiếu ngân hàng xuất phát từ nhiều cơ sở. Một trong số đó là sự khởi sắc của nền kinh tế cùng đà tăng của thị trường bất động sản.

Các ngân hàng nhờ đó đã hầu như giải quyết cơ bản được vấn đề nợ xấu, nhất từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu. Hoạt động kinh doanh tốt lên thúc đẩy cổ phiếu ngân hàng thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất trên sàn.

Theo ông Nam, mức tăng trưởng 10-20% của kết quả kinh doanh đã là một chỉ tiêu tốt. Trong khi đó, mức tăng trưởng nhiều ngân hàng đặt ra cho năm 2018 là 70 - 80%, hay trên 30%/năm trong giai đoạn 5 năm là những mức rất cao.

Các cổ phiếu ngân hàng có mức tăng trưởng nhanh trong một thời gian dài lại cũng chính là nhóm cổ phiếu được ưa thích trên TTCK, đáp ứng được nhu cầu của nhiều nhà đầu tư gồm cả tổ chức lẫn cá nhân. Dù vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến tính chất nhạy cảm trong hoạt động của ngành này khi chỉ một biến động nhỏ về vĩ mô cũng có thể khiến TTCK, hoạt động ngân hàng ảnh hưởng.

 Techcombank sẽ sớm đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết trong năm nay

Chia sẻ tại hội thảo Fiinpro talk 6 với chủ đề “Cổ phiếu ngân hàng Việt: Cơ hội và rủi ro khi đầu tư”, vừa diễn ra mới đây, ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cổ phiếu ngân hàng gia tăng mạnh mẽ thời gian qua bởi nhiều yếu tố hỗ trợ.

Cụ thể, các ngân hàng đã trở nên an toàn hơn cùng môi trường vĩ mô thuận lợi, cơ chế giám sát, quản lý tốt hơn và tỷ lệ nợ xấu giảm dần. Khả năng tạo ra lợi nhuận của các ngân hàng cải thiện hơn cùng với nền kinh tế tăng trưởng nhanh đẩy mạnh nhu cầu tín dụng.

Thực tế, lợi nhuận hầu hết ngân hàng vượt chỉ tiêu trong năm 2017, thậm chí một số  ngân hàng lớn chạm hoặc vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng trước thuế và công bố mức cao trong quý I/2018 vừa kết thúc. Trong đó, MB, HDB, VCB, VPB, Techcombank đều báo mức lãi quý đầu năm với hàng nghìn tỷ đồng trước thuế.

Có còn “hot”?

Ông Nguyễn Quang Thuân, CEO StoxPlus cho biết, theo số liệu thống kê của StoxPlus tại trên 18 ngân hàng có tổng dư nợ chiếm 60% toàn quốc vào cuối năm 2017, dư nợ cho vay bán lẻ có tốc độ tăng trưởng cao hơn gấp đôi bán buôn và thị phần tăng lên 37% tổng dư nợ. Trong đó, các công ty tài chính tiêu dùng cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng và đóng góp đáng kể vào hiệu quả kinh doanh của ngân hàng mẹ.

Chẳng hạn, FE Credit chiếm hơn 50% tổng lợi nhuận trên 8.000 tỷ đồng trước thuế của ngân hàng mẹ VPBank năm 2017; HD Saison cũng đóng góp không nhỏ vào bức tranh lợi nhuận của HDBank. Ngoài ra, nhiều ngân hàng như Techcombank, STB, VPB, SHB, MBB đã có được nguồn thu nhập đáng kể từ phí và ủy thác từ các đối tác là công ty bảo hiểm trong năm 2017.

Theo ông Thuân, cổ phiếu ngân hàng năm 2018 còn dư địa tăng. Lý do cho sự tin tưởng này là các khoản nợ bán cho VAMC sẽ được thu hồi; thu nhập từ tín dụng khả năng duy trì ổn định tại mức biên lợi nhuận (NIM) quanh 3%, một vài ngân hàng với nền tảng bán lẻ tốt hơn sẽ cải thiện được NIM; phí thu về từ đối tác với nhà cung cấp dịch vụ tài chính thứ 3 sẽ dẫn dắt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có nền tảng khách hàng gửi tiền lớn…

Đồng quan điểm, ông Tú Anh cũng cho rằng, năm 2018 tiếp tục là năm rất tốt đối với ngành ngân hàng dựa trên nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tín dụng được đẩy mạnh, tỷ giá linh hoạt để tránh cú sốc bên ngoài, mục tiêu lạm phát dưới 4%, cơ hội cho bancassurance đang được mở rộng và các ngân hàng được khuyến khích đa dạng hóa dịch vụ để giảm bớt tỷ lệ thu nhập từ tín dụng.

Sự khởi sắc của nền kinh tế và đà phát triển ổn định của thị trường bất động sản khiến các ngân hàng hầu như giải quyết cơ bản được vấn đề nợ xấu. Bên cạnh đó, kế hoạch tăng trưởng hấp dẫn cũng là lý do nhà đầu tư tìm đến cổ phiếu nhà băng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng năm nay ở mức 17%, thấp hơn con số thực hiện năm 2017 là 18,17%. Bên cạnh đó, năm 2018 thêm “gánh nặng” cho ngành ngân hàng đó là giảm lãi suất cho vay và Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Điều này nếu thực hiện mạnh mẽ và giảm đại trà, sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng.

Sự thăng hoa của nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là hiệu ứng “sóng lên sàn” đang khiến cổ phiếu của một số nhà băng có kế hoạch lên sàn được nhà đầu tư săn tìm. OCB, Techcombank cho biết sẽ niêm yết năm nay, VIB, LienvietpostBank cũng sẽ chuyển sang sàn HOSE. Ngành ngân hàng đang đứng trước triển vọng kinh doanh tích cực sau giai đoạn tái cấu trúc và nền kinh tế tăng trưởng tốt.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, đầu tư vào cổ phiếu ngành này phải chấp nhận một thực tế là khó có thể “ăn bằng lần” như một vài tháng vừa qua. Đồng thời, thị trường sẽ chứng kiến quá trình phân hóa mạnh mẽ tại nhóm cổ phiếu “vua”. Khi nhóm cổ phiếu ngành này đã có thời gian tăng quá dài với mức tăng lớn, nếu nhà đầu tư không chọn được thời điểm và giá tốt có thể sẽ thua lỗ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, cổ phiếu ngân hàng đã tăng quá mạnh trong thời gian qua. Mức tăng này ở một số cổ phiếu ngân hàng không được hợp lý lắm do các đơn vị này vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc và còn nhiều “lỗi” cần chỉnh sửa.

Trong khi đó, theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank - Kim Eng (MBKE), thị trường đang bước vào ngưỡng kháng cự mạnh nên phải đối diện với những phiên điều chỉnh là điều khó tránh khỏi.

Theo ông Khánh, cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng trong thời gian qua không phải là không có cơ sở khi hoạt động của ngành tăng trưởng trở lại; lợi nhuận với nhiều gam “sáng” khi tín dụng tích cực, quá trình xử lý nợ xấu đẩy nhanh hơn kể từ khi Nghị quyết 42 ra đời.

Tuy nhiên, nhà đầu tư rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng cũng cần có tầm nhìn dài hạn. Mặt khác, việc lên sàn đúng thời điểm sẽ tạo cho những cổ phiếu ngân hàng mới được hưởng lợi lớn, các cổ đông cũ cũng như ngân hàng được lợi về mọi mặt từ danh tiếng cho đến hưởng lợi về giá, từ đó có thể phát hành thêm để huy động vốn... Nhưng về phía các nhà đầu tư, khi mua những cổ phiếu này ở trên sàn nhiều khả năng sẽ gặp rủi ro về nguồn cung lớn. Nếu không chọn được thời điểm và giá tốt, nhiều nhà đầu tư có thể thua lỗ nặng nề.

Thêm vào đó, tính cấp bách và những lợi ích của việc tăng vốn như nâng cao năng lực tài chính, mở rộng tín dụng, tiến tới quy chuẩn Basel II... là không cần bàn cãi và tạo áp lực không nhỏ đối với nhà băng.

Bên cạnh đó, câu chuyện tăng vốn ồ ạt của các ngân hàng năm 2018 cũng là nỗi lo của các cổ đông. Việc tăng vốn quá nhanh sẽ gây áp lực pha loãng cổ phiếu, khiến tốc độ tăng trưởng EPS chậm lại, đồng nghĩa với P/E của cổ phiếu ngân hàng (vốn đã ở mức khá cao hiện nay) tiếp tục tăng thêm nữa.

Khi một lượng cổ phiếu “vua” cực lớn sẽ được đưa ra thị trường dự kiến trong khoảng thời gian 2 quý còn lại của năm 2018, áp lực với thị giá cổ phiếu nhóm này chắc chắn sẽ tăng.

Lâm Dũng
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ