Bước tiến hoàn thiện cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam

(ĐTCK) Thị trường tài chính Việt Nam ghi thêm một dấu ấn lịch sử khi Chính phủ chính thức mở cửa TTCK phái sinh vào ngày 10/8/2017, sau hơn 17 năm thị trường cơ sở hoạt động. 
Ảnh Internet Ảnh Internet

Với hàng hóa đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số và 7 nhà môi giới đầu tiên là các công ty chứng khoán lớn nhất thị trường (HSC, SSI, VNDS, BSC, MBS, VPBS, VCSC), chứng khoán phái sinh hoạt động mở ra không gian trải nghiệm cho một cuộc “đấu trí” mới, trên con đường tạo nên giá trị mới và hoàn thiện cấu trúc TTCK Việt Nam.

Trước thời điểm TTCK phái sinh mở cửa, các chuyên gia quốc tế dành cho thị trường này những đánh giá thận trọng. Ông Peter Kolz, chuyên gia hàng đầu thuộc Dự án VIE 32 cho rằng, thách thức lớn nhất với Việt Nam là phải có sản phẩm phái sinh phù hợp.

Mở cửa với 1 loại sản phẩm phái sinh, làm thế nào để tạo nên sức hấp dẫn và tạo nên lợi ích cân bằng cho các bên tham gia (nhà đầu tư, công ty chứng khoán, nhà quản lý) là một bài toán khó, nhất là khi hầu hết nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam là các cá nhân nhỏ lẻ.

Bên cạnh câu chuyện phải tạo ra sản phẩm tốt, theo ông Kolz, công tác đào tạo, quảng bá để nhà đầu tư hiểu và sẵn sàng tham gia sân chơi mới này có vai trò quyết định đến sự sôi động hay ảm đạm của thị trường mới.

Vào ngày đầu tiên mở cửa, TTCK phái sinh đón khoảng 2.000 nhà đầu tư mở tài khoản. Con số này so với 1,7 triệu tài khoản đã mở trên thị trường chính thức thì rất khiêm tốn, nhưng đã đồng thời phản ánh thái độ “thăm dò” của đại đa số thành viên thị trường.

Không chỉ có nhà đầu tư thăm dò, bản thân các công ty chứng khoán cũng thăm dò và còn phải cân nhắc sức bền tài chính mới có thể quyết định đầu tư nhân lực, vật lực, bước vào sân chơi phái sinh.

Trước đó, tân Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Trần Văn Dũng đã có cuộc gặp với nhiều thành viên Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB). Ông Dũng chia sẻ, điều UBCK mong nhất là các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các thành viên nhiệt huyết góp ý xây dựng sản phẩm mới, định hình khung pháp lý để thị trường minh bạch hơn và tăng sức hấp dẫn.

Năm 2017 là năm ngành chứng khoán có nhiều dấu mốc đặc biệt, cụ thể, sau khi TTCK phái sinh mở cửa, sẽ đến sản phẩm chứng quyền đảm bảo (CW) ra mắt thị trường.

Năm 2017 cũng là năm phải hoàn thiện phương án tái cấu trúc thị trường, tái cấu trúc Sở giao dịch chứng khoán và đặc biệt là hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi Luật Chứng khoán, để chuẩn bị trình Quốc hội vào năm 2018. Mỗi bước đi là một dấu mốc hướng tới sự hoàn thiện cấu trúc TTCK Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường chỉ tạo nên hiệu quả nếu có sự nhiệt huyết và phối hợp đồng bộ của cả hệ thống, trên nền tảng các yếu tố vĩ mô ổn định và duy trì niềm tin của nhà đầu tư.

Ông Dan Svensson, Giám đốc Quản lý danh mục của Dragon Capital từng chia sẻ, với chứng khoán phái sinh Việt Nam, sẽ là phù hợp nếu kỳ vọng ở mức độ vừa phải, dù thực tế việc ra đời thị trường này là niềm vui với nhiều nhà đầu tư.

Cũng giống như thị trường cơ sở của hơn 17 năm trước, chứng khoán phái sinh Việt Nam có thể cần đến một vài năm để làm quen, để hòa nhập với dòng đầu tư hiện hữu.

Thị trường mới với sự góp sức và kiên nhẫn tạo dựng của những chủ thể nhiệt huyết, mong rằng, sẽ đến ngày cấu trúc TTCK hoàn chỉnh và hiệu quả, là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực và là phong vũ biểu của nền kinh tế. 

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ