Hai dự án “lúa non” của Thành An, nhọc nhằn ngày trở lại

(ĐTCK) Rục rịch triển khai trở lại sau cả chục năm đắp chiếu, nhưng 2 dự án lúa non của Tổng công ty Thành An tiếp tục gặp khó vì những tranh chấp với khách hàng, cũng như vướng mắc về nợ thuế.
Dự án Chung cư Nhân Chính đang được triển khai trở lại sau 10 năm đắp chiếu. Ảnh: Dũng Minh Dự án Chung cư Nhân Chính đang được triển khai trở lại sau 10 năm đắp chiếu. Ảnh: Dũng Minh

Từ Dự án chung cư Nhân Chính

Dự án chung cư Nhân Chính nằm trên khu đất rộng 9.200 m2 ở vị trí góc của 2 con đường Ngụy Như Kon Tum và Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Lô đất này từng được định giá lên đến 100 triệu đồng/m2, còn giá bán căn hộ chung cư khoảng 25 - 26 triệu đồng/m2. Sau đó, khu đất này được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng nhà ở cho các cán bộ, chiến sĩ quân đội, xây dựng chung cư kết hợp dịch vụ thương mại và trụ sở làm việc.

Dự án gồm tòa nhà văn phòng 12 tầng, tòa nhà chung cư cao 24 tầng và 9 biệt thự nhà vườn (mỗi căn cao 3,5 tầng). Năm 2009, dưới hình thức hợp tác kinh doanh, Tổng công ty Thành An (Binh đoàn 11 - Bộ Quốc phòng) đã chuyển nhượng dự án này cho 4 công ty do CTCP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 41 làm đại diện. Ngay sau khi hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký kết, dù dự án vẫn còn trên giấy, nhưng các căn hộ tương lai đã được 4 công ty thứ cấp chào bán tới hàng trăm khách hàng với mức giá từ 25 - 26 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, sau 6 năm thu tiền của khách hàng, dự án vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, để mặc cho móng cọc hoen rỉ, cỏ cây mọc um tùm, đồng thời được tận dụng làm bãi đỗ xe. Đến năm 2015, bức xúc trước việc dự án bị chây ỳ triển khai, nhiều khách hàng đã đến gặp các chủ đầu tư thứ cấp đòi lại tiền, nhưng đều bị lắc đầu từ chối với lý do phải chờ sự đồng thuận của 3 chủ dự án còn lại.

Thực tế, tại thời điểm đó, khi tìm hiểu về một trong 4 chủ đầu tư thứ cấp của dự án là CTCP Tài Nguyên (TNT), phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản thấy có khá nhiều điểm bất thường, đặc biệt, không thể tìm thấy “dấu vết” số tiền mà TNT thu của khách hàng mua nhà tại Dự án Nhân Chính.

Về nguyên tắc chung, theo Chuẩn mực kế toán 14, doanh thu bán hàng phải được ghi nhận sau khi doanh nghiệp đã thực hiện chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm hoặc hàng hóa cho người mua. Đối với trường hợp bất động sản, theo quy định cũ, đa phần các chủ đầu tư bất động sản hạch toán theo phương pháp “POC - phần trăm tiến độ thực hiện”.

Còn theo quy định của Thông tư 200/2014/TT-BTC, khoản tiền khách hàng trả trước sẽ được ghi vào “tài khoản người mua trả tiền trước”, hoặc thu tiền đặt cọc hợp đồng. Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính soát xét giữa năm và báo cáo tài chính kiểm toán cuối năm từ 2010 đến 2015 của TNT, các khoản thu này không thấy được hạch toán ở các khoản mục trên.

Sau nhiều năm dài đắp chiếu, ngày 18/9/2017, Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng số 110/GPXD cho liên danh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 41 và Tổng công ty Thành An xây dựng công trình thuộc dự án “Khu chung cư để bán và văn phòng làm việc cho thuê” tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Theo giấy phép, dự án này có diện tích sàn xây dựng tầng 1 là 1.936 m2, tổng diện tích sàn xây dựng phần ngầm là 3.872 m2, và phần thân là 43.062 m2. Dự án cao 24 tầng (không bao gồm tầng kỹ thuật, tầng kỹ thuật mái, tum thang) và 2 tầng hầm…

Dự án Manhattan Tower, 21 Lê Văn Lương đang triển khai phần thân nhưng bị đình chỉ vì chưa xong nghĩa vụ thuế 

Theo nội dung trả lời phản ánh của khách hàng cách đây không lâu, đại diện Tổng công ty Thành An cho biết, đơn vị này không còn liên quan đến dự án của Công ty cổ phần Tài Nguyên và yêu cầu Công ty cổ phần Tài Nguyên thực hiện nghiêm cam kết trả nợ, không được làm ảnh hưởng đến uy tín của Tổng công ty Thành An. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin gì về việc giải quyết quyền lợi khách hàng đã nộp tiền mua nhà tại Dự án cách đây gần 10 năm.

… Đến Thành An Tower

Bên cạnh Chung cư Nhân Chính, một dự án trên đất vàng khác của Tổng công ty Thành An cũng khiến người mua nhà phải khóc ròng là Dự án Thành An Tower tại số 21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Được cấp đất từ năm 2009 với tổng diện tích đất là 4.182 m2, dự án ban đầu là tổ hợp thương mại và căn hộ 30 tầng, diện tích sàn 2.104 m2. Cũng giống với Dự án Chung cư Nhân Chính, sau khi được giao đất, Tổng công ty Thành An không tự triển khai, mà bán lại cho CTCP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Ba Đình theo hình thức hợp tác kinh doanh (Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 19/2009/HĐHTKD ngày 11/08/2009).

Dù được giao đất từ năm 2009 và đã tổ chức lễ khoan nhồi cọc, nhưng mãi đến tháng 3/2017, dự án mới được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, từ trước thời điểm được cấp phép, chủ đầu tư đã huy động vốn của nhiều khách hàng. Theo phản ánh của khách hàng, khi ký hợp đồng đặt mua căn hộ Thanh An Tower, họ phải đóng 10% tổng giá trị căn hộ, sau đó nộp thêm 30%, nếu không sẽ bị hủy bỏ quyền mua.

Sau khi nộp hàng chục tỷ đồng cho chủ đầu tư, nhưng thấy dự án mãi không được triển khai, nhiều khách hàng đã liên hệ để đòi quyền lợi và được chủ đầu tư hẹn gặp làm việc. Tuy nhiên, khi khách hàng đến làm việc, thì thành phần dự họp của chủ đầu tư không hề có lãnh đạo, nên vụ việc không được giải quyết, gây bức xúc cho khách hàng.

Không những vậy, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản từ Cục đăng kiểm quốc gia Bảo đảm của Bộ Tư Pháp, từ ngày 19/12/2017, Công ty Ba Đình đã đem thế chấp toàn bộ các quyền tài sản hiện tại, hình thành trong tương lai và quyền phát triển dự án hình thành trong tương lai thuộc sở hữu hợp pháp của công ty này liên quan đến Dự án Thành An Tower theo hợp đồng hợp tác kinh doanh ký với Tổng công ty Thành An cho khoản vay 250 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Chi nhánh Trung Hòa Nhân Chính.

Trong khi quyền lợi hợp pháp của khách hàng đã nộp tiền đặt cọc mua nhà tại dự án Thành An Tower 21 Lê Văn Lương chưa được giải quyết, thì bất ngờ đầu năm 2018, tại khu đất ở địa chỉ 21 Lê Văn Lương lại có dự án mới mang tên Manhattan Tower do một cái tên hoàn toàn mới là Công ty cổ phần Landmark Holding phát triển. Dự án này được quảng bá gồm 2 block 30 tầng với 327 căn hộ và có mức giá lên tới 30 triệu đồng/m2, đồng thời các quảng cáo đều nêu rõ có sự bảo trợ về tài chính của 3 ngân hàng lớn là VietinBank, VPBank và SHB.

Dù được triển khai và quảng cáo rầm rộ, nhưng theo dữ liệu từ Cục Thuế Hà Nội, tính đến giữa tháng 3/2018, Dự án 21 Lê Văn Lương vẫn nợ ngân sách nhà nước 74,7 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Trước đó, từ tháng 6/2016, Chi cục Thuế quận Thanh Xuân đã có công văn gửi Công an quận Thanh Xuân đề nghị phối hợp thực hiện các biện pháp cưỡng chế tiền sử dụng đất với Tổng Công ty Thành An - Dự án 21 Lê Văn Lương với số nợ thuế hơn 188 tỷ đồng.

Do chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên sau thời gian đầu khởi công nhỏ giọt trở lại hồi giữa năm 2017, dự án này tiếp tục bị đình chỉ thi công.

Được biết, CTCP Landmark Holding đã chi tới 120 tỷ đồng để nắm giữ 24,39% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Tư vấn - Đầu tư xây dựng Ba Đình (mức giá mua là 15.000 đồng/cổ phiếu so với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần).

Ngoài ra, theo báo cáo tài chính kiểm toán 2017 của Landmark Holding, đơn vị này cũng đã chi tới 50,1 tỷ đồng để đặt cọc tiền phân phối căn hộ tại Dự án Manhattan và kỳ vọng sẽ là cú huých lớn về mặt doanh thu và lợi nhuận bên cạnh mảng kinh doanh xăng dầu cho kế hoạch niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) sắp tới.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, Dự án Thành An Tower hay Manhattan Tower tại số 21 Lê Văn Lương nằm trong danh sách kiến nghị thu hồi vì chậm triển khai của UBND quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com 

Ninh Việt
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục