Phân tích tài chính 33 ngân hàng Việt Nam

Nguồn : Báo cáo của doanh nghiệp

Ngành : Tiền tệ ngân hàng

Lời nói đầu về các báo cáo tài chính

Trong phần này, Đặc san đăng tải BCTC tóm tắt của 25 ngân hàng TMCP, là những ngân hàng đã công bố BCTC (hợp nhất) năm 2017 đã kiểm toán trên website của mình. Nói cách khác, các BCTC tóm tắt sau đây không bao gồm BCTC của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam, Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Dầu khí Toàn cầu, Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Đại Dương, Ngân hàng TMCP Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Đông Á, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bản Việt, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài, các ngân hàng liên doanh và các công ty tài chính.

Theo đó, các số liệu tổng quan mà chúng tôi trình bày sau đây cũng chỉ dựa trên 25 BCTC này. Và như vậy, có thể nói, các số liệu tổng quan này không phản ánh tình hình hoạt động của cả hệ thống ngân hàng, nhưng theo chúng tôi, các số liệu này vẫn cung cấp những giá trị nhất định cho quý bạn đọc.

 Click để xem ảnh lớn

TỔNG QUAN

Vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu, trong đó bao gồm vốn điều lệ, là cơ sở và cũng là điều kiện để một NHTM xác định quy mô hoạt động của mình. Nói cách khác, quy mô vốn chủ sở hữu của ngân hàng chi phối quy mô tổng tài sản của ngân hàng, dĩ nhiên là còn bị giới hạn bởi các tỷ lệ an toàn theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Tính đến cuối năm 2017, tổng vốn chủ sở hữu của 25 ngân hàng trong danh sách tập hợp của Đặc san này là 418.224 tỷ đồng, tăng 13,80% so với cuối năm 2016. Trong đó, riêng 10 ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất chiếm hơn 76,7% tổng vốn chủ sở hữu của 25 ngân hàng.

 Click để xem ảnh lớn 

  Click để xem ảnh lớn

Trong năm 2017, VPBank tiếp tục là ngân hàng tăng vốn chủ mạnh nhất (tăng 72,88%, tương đương tăng 12.518 tỷ đồng) thông qua cả việc phát hành tăng vốn điều lệ, lợi nhuận chưa phân phối và đặc biệt là quỹ dự trữ (năm 2016, VPBank cũng là ngân hàng có vốn chủ sở hữu tăng mạnh nhất với 28,3%). Các vị trị dẫn đầu trong Top 10 có nhiều sự thay đổi, nhất là các vị trí từ thứ 4 trở xuống.

Theo đó, VPBank đã vươn lên vị trí thứ 4 của MB, trong khi Techcombank thay SCB vươn lên vị trí thứ 6, Sacombank lọt Top 10 với vị trí thứ 7 sau khi vắng mặt năm ngoái do công bố BCTC muộn. Sự góp mặt của Sacombank đẩy Eximbank ra khỏi Top 10 và đẩy SCB xuống vị trí thứ 9, đứng sau ACB, trong khi HDBank với mức tăng tổng vốn chủ sở hữu tới 48,4%, đã đẩy SHB ra khỏi Top 10.

Trong năm 2017, có 6 ngân hàng tăng vốn điều lệ là VPBank, MB, Techcombank, ACB, HDBank và OCB. Trong đó, tăng mạnh nhất là VPBank, tăng 71%, từ 9.181 tỷ đồng, lên hơn 15.706 tỷ đồng thông qua 3 đợt phát hành, gồm phát hành cổ phiếu trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng (2 đợt) và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư. Tăng vốn mạnh tiếp theo là Techcombank, tăng 31%, từ 8.878 tỷ đồng, lên 11.655 tỷ đồng.

Cũng xét trong mối tương quan giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ, trong năm 2017, tất cả các ngân hàng được thống kê đều có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ, dù TPBank vẫn đang có thặng dư vốn cổ phần âm, nhưng khoản âm này giảm đáng kể so với năm trước (từ âm 719 tỷ đồng, xuống còn âm 235 tỷ đồng), trong khi lợi nhuận chưa phân phối tăng mạnh từ 565 tỷ đồng, lên 963 tỷ đồng. Trong năm 2016, có TPBank và Vietbank là 2 trường hợp cá biệt có vốn chủ sở hữu nhỏ hơn vốn điều lệ.

Nợ phải trả

Thông thường, ngân hàng nào có quy mô vốn chủ sở hữu càng lớn thì ngân hàng đó càng có điều kiện để (nhưng không nhất thiết) huy động thêm vốn vay, nợ nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Theo đó, dù có sự hoán đổi nhất định, song Top 10 ngân hàng có tổng nợ phải trả lớn nhất cũng bao gồm những ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất. Tổng nợ phải trả của 25 ngân hàng tính đến cuối năm 2017 là 6.488 nghìn tỷ đồng, tăng 20,29% so với năm 2016.

Hệ số Vốn chủ sở hữu/Nợ phải trả là một trong những thước đo về khả năng thanh toán của ngân hàng và xét ở góc độ này, thì Top 10 về vốn chủ sở hữu không phải là 10 ngân hàng có khả năng thanh toán tốt nhất. Hệ số này tính bình quân cho 25 ngân hàng là 6,45% ở thời điểm cuối năm 2017, giảm nhẹ so với mức 6,64% cuối năm 2016 và các ngân hàng có quy mô vốn chủ sở hữu, cũng như nợ phải trả lớn nhất có hệ số Vốn chủ sở hữu/Nợ phải trả dao động gần với mức bình quân này. Ngân hàng có hệ số này lớn nhất là Saigonbank với mức 19,63%.

Chiếm phần lớn trong tổng nợ phải trả của các ngân hàng là Tiền gửi của khách hàng. Trong năm 2017, tổng tiền gửi của khách hàng của 25 ngân hàng là 4.776 nghìn tỷ đồng, tăng 15,10% so với năm 2016 và bằng 73,62% tổng nợ phải trả (năm 2016 là 77,37%). Tổng tiền gửi khách hàng tăng ít hơn tổng nợ phải trả về giá trị tuyệt đối: 627 nghìn tỷ đồng so với 1.095 nghìn tỷ đồng. Điều này phản ánh tổng các khoản mục khác trong nợ phải trả tăng thêm tới hơn 468 nghìn tỷ đồng.

Tài sản

Tổng tài sản của 25 ngân hàng được tập hợp tính đến cuối năm 2017 là 6.907 nghìn tỷ đồng, tăng 19,88% so với cuối năm 2016. Trong đó, Cho vay khách hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 4.354 nghìn tỷ đồng, tương đương 63% tổng tài sản và tăng 19,59% so với cuối năm 2016. Tiếp đến là Chứng khoán đầu tư với 964 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14% và tăng trưởng nhẹ 2% so với năm 2016.

  Click để xem ảnh lớn

Số liệu trên cho thấy, Cho vay khách hàng vẫn là nghiệp vụ chính (xem thêm mục Kết quả kinh doanh) của các ngân hàng và trong năm 2017 tiếp tục tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng Cho vay khách hàng nhanh hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng của Chứng khoán đầu tư. Điều này phản ánh, các ngân hàng tập trung cho mảng hoạt động nghiệp vụ chính là cung ứng vốn cho nền kinh tế. Nó cũng cho thấy các ngân hàng đã tự tin hơn với cho vay ra nền kinh tế trong bối cảnh nợ xấu đang dần được xử lý và tăng trưởng kinh tế ấn tượng, GDP đạt 6,81% trong năm 2017, vượt mục tiêu 6,7% mà Quốc hội đặt ra.

Khi những ngân hàng có Vốn chủ sở hữu lớn nhất cũng là ngân hàng có Nợ phải trả lớn nhất, thì đương nhiên đó cũng là những ngân hàng có Tổng tài sản lớn nhất. Giống như cơ cấu Vốn chủ sở hữu, Top 10 ngân hàng có tài sản lớn nhất cũng chiếm tới 80,74% tổng tài sản của 25 ngân hàng, đạt 5.576 nghìn tỷ đồng. Tất cả các ngân hàng được thống kê đều có tài sản tăng so với năm 2016. Trong đó, tăng mạnh nhất là OCB tăng 32,10%, tiếp đến là VCB tăng 31,39% và trở thành ngân hàng thứ 3 có tổng tài sản vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng, cùng với BIDV và Vietinbank (năm 2016, chỉ có BIDV là ngân hàng duy nhất có tổng tài sản đạt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng).

Kết quả kinh doanh

Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2017 của 25 ngân hàng tăng tới 20.420 tỷ đồng, tương đương 43,9% so với năm 2016, lên 66.930 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do tốc độ tăng trung bình của Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và tổng chi phí hoạt động thấp hơn tốc độ tăng của Tổng thu nhập. Cụ thể, tốc độ tăng trung bình của Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và Tổng thu nhập là 25,18% (trong đó, tốc độ tăng của Chi phí dự phòng 33,16%, lên 55.424 tỷ đồng, còn tốc độ tăng của Tổng chi phí chỉ 21,2%, đạt 101.254 tỷ đồng), trong khi Tổng thu nhập tăng 30,23%, lên 223.670 tỷ đồng.

Chiếm chủ yếu trong Tổng thu nhập vẫn là Thu nhập lãi thuần với 174.697 tỷ đồng, chiếm 78,23% Tổng thu nhập, nhưng mức này giảm so với mức 81,75% của năm 2016.

Đóng góp của Thu nhập lãi thuần giảm dần do sự tăng trưởng mạnh của Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ. Theo đó, trong năm 2017, Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của 25 ngân hàng tăng tới 52%, lên mức 21.674 tỷ đồng và chiếm 9,69% Tổng thu nhập, cao hơn mức 8,30% của năm 2016.

Ngân hàng có Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh nhất xét theo số tuyệt đối là Techcombank với mức tăng 1.856 tỷ đồng, tương đương tăng 83,48%, lên 3.812 tỷ đồng. Tiếp đến là Sacombank với mức tăng 1.194 tỷ đồng, tương đương tăng 83,48%, lên 2.624 tỷ đồng, SHB cũng tăng tới 1.119 tỷ đồng, tương đương 331%, lên 1.457 tỷ đồng.

Trong năm 2017, có tới 9 ngân hàng có Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt trên 1.000 tỷ đồng so với 6 ngân hàng của năm 2016. Trong đó, Techcombank là ngân hàng có Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ lớn nhất với 3.812 tỷ đồng, tiếp đến là BIDV với 2.966 tỷ đồng, Sacombank với 2.624 tỷ đồng, Vietcombank 2.538 tỷ đồng, Vietinbank với 1.855 tỷ đồng, VPBank với 1.462 tỷ đồng, ACB với 1.188 tỷ đồng và MB với 1.131 tỷ đồng.

Điều này cho thấy, các ngân hàng đã chú trọng hơn mảng dịch vụ để giảm dần sự phục thuộc vào hoạt động tín dụng. Trong đó, mảng được nhiều ngân hàng hướng tới là bán chéo sản phẩm, đặc biệt là hợp tác phân phối sản phẩm độc quyền với các công ty bảo hiểm.

Trong năm 2017, thị trường chứng kiến nhiều cái bắt tay dài hạn (15 - 20 năm) giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm như, Techcombank - Manulife, Sacombank - Dai-ichi Life, VietinBank - Aviva, LienVietPostBank - Dai-ichi Life, HDBank - Dai-ichi Life…

Nếu xét về hiệu quả hoạt động, đối với cổ đông của các ngân hàng TMCP, chỉ tiêu Lãi cơ bản/CP (EPS) là có ý nghĩa nhất và sau cùng. Theo chỉ tiêu này, Techcombank là ngân hàng đứng đầu với 7.719 đồng, tăng mạnh 119% so với năm 2016 (ngoại trừ Vietbank có EPS là 80.780 đồng, nhưng mệnh giá cổ phiếu là 1 triệu đồng/CP). Tuy nhiên, ấn tượng nhất lại là Sacombank, khi Lãi cơ bản của Ngân hàng tăng vọt 1.485% lên 555 đồng, do lợi nhuận tăng mạnh.

ROE

Chỉ số ROE (Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu) bình quân của 25 ngân hàng trong năm 2017 là 12,66%. Đây là một mức khá tốt của ngành và cải thiện hơn nhiều so với mức 9,98% của năm 2016. Hầu hết ngân hàng nằm trong Top 10 có Lãi cơ bản/CP cao nhất đều có hệ số ROE cao hơn mức bình quân này. Trong đó, dẫn đầu vẫn là Techcombank với 23,93%, tiếp theo là VPBank với 22,91%; Vietcombank với 17,33%.

ROA

Chỉ số ROA (Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản) bình quân của 26 ngân hàng là 0,76%. Điểm đặc biệt về chỉ số này là có một số ngân hàng có quy mô nhỏ lọt vào Top 10 như OCB, LienvietPostbank, TPBank. Trong đó, dẫn đầu vẫn là cái tên quen thuộc Techcombank với 2,39%, tiếp đến là VPBank 2,32%, MB 1,11%.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2017, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2017. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại: Đặc san Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2018