Những người nông dân hộ khẩu thành phố

(ĐTCK) Được mệnh danh là thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước, với những khu công nghiệp, những tòa nhà cao ốc mọc lên như nấu sau mưa… Tuy nhiên, ở các quận phát triển nhất TP.HCM hiện nay, vẫn còn những cánh đồng trồng lúa và người dân sống bằng việc chăn nuôi, đồng áng.
 Niềm vui của một mùa vàng bội thu của nông dân trồng lúa quận 2 Ảnh: Gia Huy Niềm vui của một mùa vàng bội thu của nông dân trồng lúa quận 2 Ảnh: Gia Huy

Làm nông giữa phố

Quận 2 giáp với quận 1 và quận 7, trước kia là một quận chủ yếu làm nông nghiệp của TP.HCM. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển và mở rộng đô thị, từ đầu những năm 2000, nơi đây được chọn làm tâm điểm phát triển các dự án dân cư như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị mới Thạch Mỹ Lợi…, đặc biệt là dự án di dời khu hành chính các cơ quan như UBND, Cục Thuế… của Thành phố về quận 2, làm cho quận thêm sầm uất.

Dù quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và mạnh, nhưng khu vực tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 vẫn còn những cánh đồng bạt ngàn. Nhiều người đi qua đây không khỏi ngạc nhiên vì những thửa ruộng chín vàng và bông nặng trĩu.

Vác bao lúa nặng trên 50 kg từ cánh đồng lên đường tỉnh lộ 25, ông Nguyễn Văn Cường, nông dân đích thực mang hộ khẩu quận 2, TP.HCM cho biết, nhà ông còn hơn công ruộng ở đây.

“Ở đây một năm trồng hai vụ lúa, cả khu vực này còn hơn 20 nhà làm ruộng với vài trăm héc-ta đất. Chúng tôi làm ruộng ở đây từ đời ông bà để lại. Hồi trước, nơi đây rộng lắm, nhưng sau đó Thành phố đền bù làm đường, làm cầu, làm khu công nghiệp và Khu đô thị mới Thạch Mỹ Lợi, nên thu hẹp lại, nay chỉ còn từng đây ruộng”, ông Cường chỉ vào cánh đồng lúa và nói.

Bà Sáu Thứ, 58 tuổi, một chủ ruộng tại đây cho biết, để có được vụ mùa thế này không phải đơn giản, vì khu vực này không được phù sa bồi đắp như ở miền Tây, nước cung cấp cho toàn bộ cánh đồng cũng phụ thuộc vào con sông nhỏ nối với sông Sài Gòn, nhiều khi nước ít, các gia đình có ruộng ở đây thi nhau dùng máy bơm và ống dài cả trăm mét kéo nước về đồng.

“Những ngày mùa mưa cũng khổ, lúa vừa cấy xong gặp mưa lớn ngập hết cánh đồng, để lúa không chết vì úng ngập, chúng tôi lại hò nhau đi tháo nước chống ngập. Được cái, đất ở đây bao đời vẫn tốt, lúa ít sâu bệnh và cũng hạn chế dùng phân bón thuốc trừ sâu cho lúa”, bà Sáu Thứ nói.

Do là những thửa ruộng nhỏ, mỗi người chỉ vài công, nên việc thu hoạch chủ yếu bằng sức người, chứ không có máy móc như những cánh đồng lớn chuyên trồng lúa ở miền Tây. Để có lao động phụ giúp thu hoạch lúa, những người nông dân ở đây phải tìm tới từng công trường xây dựng, mướn những công nhân, thợ hồ thuê gặt lúa.

“Đây là lần thứ 3 tôi gặt lúa thuê ở đây, cứ nghĩ chỉ miền Tây quê tôi mới trồng lúa, vậy mà lên Sài Gòn kiếm sống vẫn gặt lúa thuê, chỉ khác là lúa thành phố và lúa nông thôn. Mỗi buổi gặt, chủ ruộng trả 500.000 đồng, bằng 3 ngày công phụ hồ đó chú”, chị Mai Thị Hưởng, quê Kiên Giang cho biết.

Những người nông dân quận Bình Thạnh đang thu hoạch lúa.  Ảnh: Gia Huy   

Cũng được cho là quận trung tâm phát triển của Thành phố, ngoài những ngôi nhà cao tầng, phố mua sắm sầm uất, Bình Thạnh còn được biết tới là quận có cánh đồng đẹp nhất. Đó là vực bán đảo Thanh Đa, phường 25 của quận.

Ông Nguyễn Văn Tuất, 64 tuổi, người được biết đến là người thành phố có thâm niên làm ruộng lâu năm nhất tại đây cho biết, ông làm ruộng từ hồi còn nhỏ, khi đó cả vùng Thanh Đa người dân sống bằng nghề trồng lúa, trồng sen, nuôi heo, gà... Sau đó, Thành phố quy hoạch lại, cây cầu nối bán đảo Thanh Đa với trung tâm quận 1, 2, 3 được xây mới, nhiều nhà hàng, khu vui chơi giải trí được xây dựng. Thậm chí, cả những dự án bất động sản lớn được được quy hoạch tại đây.

“Nhưng quy hoạch là vậy, rồi nhà đầu tư cũng bỏ đi, để lại những khoảng đất rộng hàng mẫu, vậy là chúng tôi tận dụng làm ruộng lúa, đào ao trồng sen, nuôi gà, cá. Làm ruộng thế mà lại khá chú ạ, năm hai vụ lúa thu hoạch cũng vài chục triệu đồng/năm. Thằng con trai tôi, vợ chồng làm giao viên, lương tháng hai vợ chồng chỉ được 8 triệu đồng. Trong khi tôi nuôi cá, nuôi gà bán hàng tháng cũng được cả chục triệu”, ông Tuất nói.

Ngồi bờ ruộng rít điếu thuốc, ông Sáng, một trong hàng chục người nông dân tại bán đảo Thanh Đa cho biết, sau 40 năm, từ xóm thành phường thuộc quận Bình Thạnh, từ những năm 2000, nhiều nhà đầu tư tính đổ tiền xây dựng, nhưng rồi nghe đâu phá sản bỏ đi với những mảnh đất đã quy hoạch, rồi cuộc sống vẫn vậy, vẫn chính hiệu nông dân.

Mắt nhìn ra sông Sài Gòn ầm ầm tàu chở container, bên kia sông là quận 2, nhiều nhà cao tầng, lung linh ánh sáng, bên này vẫn gà, lợn, vịt, cá, rau và lúa, anh Phúc, 35 tuổi, công dân ấp 10 cũ, nay là tổ phố 10, ở bán đảo Thanh Đa cho biết, cũng nhờ những cái quy hoạch treo mà gia đình anh còn có ruộng vườn làm ăn, thu nhập cao hơn công nhân, tháng 5 hoặc 6 triệu đồng.

Còn dự án treo, còn nông dân

Đó là câu khẳng định của những người nông dân hộ khẩu thành phố nơi đây. Theo những người nông dân ở đây, họ coi nghề nông là nghề nối nghiệp tổ tiên, bởi bao đời nay cha ông làm ruộng, giờ TP.HCM thành trung tâm kinh tế của cả nước, nhưng họ vẫn không quen cách sống thành thị, mà vẫn muốn sống với cánh đồng, con trâu.

Ông Nguyễn Văn Công, 69 tuổi tự hào cho biết, mình làm nông dân từ hồi mẹ vừa đẻ ra. Ông kể, hồi chiến tranh, vùng quận 2 này là cánh đồng lúa và cánh đồng cỏ lau, năm 1972 nơi đây là nơi chiếc máy bay của Mỹ chở trẻ em bị rớt. Nhà ông là gốc Sài Gòn - Gia Định, đời bố mẹ ông đã làm ruộng ở đây, đặc biệt chính tại cánh đồng này, ông Công được mẹ đẻ rớt tại đây, nên ông mới tự hào nói làm ruộng từ hồi mẹ vừa đẻ ra.

“Con tôi có đứa làm kỹ sư xây dựng, có đứa làm công ty nước ngoài, thế mà cứ tới mùa gặt lúa là chúng lại ra đồng phụ vợ chồng tôi thu hoạch, chúng gặt lúa, sạ lúa còn thành thục hơn cả những người dân miền Tây lên đây làm thuê cho chúng tôi đó”, ông Công cho biết.

Cũng theo ông Công, việc cùng một cánh đồng, gieo lúa cùng một ngày, nhưng có những thửa rộng chín trước và thu hoạch xong, nhưng có những thửa ruộng cạnh chân các nhà máy lại luôn xanh mơn mởn mà bông lúa thì chỉ lác đác vài hạt thóc.

“Chả hiểu sao mà cỏ mọc um tùm hơn lúa, lúa cũng tốt tươi mà sao hạt không có, trong khi cũng cùng trồng một loại giống, cùng kỹ thuật chăm sóc như những nhà khác. Nguyên nhân chưa biết vì sao, nhưng dần dần vì không có thu hoạch, nên chúng tôi đành bỏ rộng cho cỏ mọc, cũng vì vậy mà diện tích cỏ mọc ngày một áp diện tích lúa ở đây chú ạ”, ông Lê Công Chỉnh, một nông dân ở đây ngậm ngùi.

Một nỗi lo khác của những người nông dân cuối cùng ở Sài Gòn này đang đối mặt, đó là việc đô thị hóa ngày một mạnh, những dự án khu đô thị, khu công nghiệp đang mọc lên ngày một nhiều ở quận 2 và rồi họ không biết khi nào cánh đồng cuối cùng của mình sẽ thành điểm quy hoạch cho dự án chung cư hay khu công nghiệp.

“Dù ngày mai cánh đồng cuối cùng này có bị Nhà nước chuyển đổi mục đích sử dụng gì, thì giờ đây nó vẫn là cánh đồng, chúng tôi vẫn là những người nông dân chính hiệu. Cũng có nhiều người mong nơi đây có dự án để hưởng tiền đền bù, đi học nghề nào khác làm chứ làm ruộng khổ quá, nhưng giá đền bù cho đất nông nghiệp thấp, cầm ít tiền đền bù tiêu hết mai lấy gì đong gạo ăn. Vậy nên, dù gì, vẫn không thể hơn nông dân tự trồng lúa, trồng rau, nuôi gà, vịt, cá… ngay trên chính mảnh đất ông cha mình để sống”, ông Chỉnh nói.

Tôi hỏi anh Phúc về chuyện dự án trên mảnh đất này, anh đăm chiêu: “Cách chừng 10 năm, bên công ty xây dựng Sài Gòn gì đó có về đo đạc làm dự án khu công nghiệp, nhưng mãi không thấy gì. Hỏi ra mới biết công ty phá sản, nên quận cho chúng tôi mướn đất trồng lúa, làm ruộng. Các ông ấy nói, khi nào có dự án sẽ thông báo đền bù, còn giờ chỉ được trồng lúa và rau màu ngắn ngày, chứ không được trồng cây lâu năm”.

“Nếu vậy, sau này mà được đền bù, anh giàu lắm. Năm sào đất giữa lòng thành phố, tính ra tiền để đâu cho hết. Lúc đó, anh có tậu nhà quận 1, mua ô tô con, cho con ăn học trường quốc tế… cũng không hết tiền”, tôi nói.

Anh cười: “Bởi vậy cũng ráng đợi. Đợi 20 năm rồi. Chỉ mong có con đường hoàn thiện đi cho đỡ cực, rồi được đến đâu vui đến đó. Đợi hoài...”.

Cũng theo những người nông dân ở đây, ở Sài Gòn có nhiều cánh đồng lắm, không chỉ ở quận 2, hay Bình Thạnh, mà ngay cả huyện Bình Chánh, quận Bình Tân… đều có những cánh đồng bát ngát lúa, hay là những vùng cánh đồng cỏ rộng bao la, là nơi mà người dân từ nhiều tỉnh thành về làm nơi trăn trâu bò như tại liên khu 4-5, phường Bình Hương Hòa B, quận Bình Tân.

Những người nông dân mang hộ khẩu thành phố cho biết, khi nào Thành phố còn dự án treo, thì họ vẫn còn là nông dân, họ vẫn tranh thủ khai phá thêm những mảnh đất cỏ mọc, dù đất nơi đây độ phèn khá nhiều. Mảnh đất nào không trồng được lúa, thì trồng rau và dừa.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Gia Huy
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục