Không gian làm việc chung, châu Á dự báo bùng nổ, Việt Nam vẫn "manh mún"

(ĐTCK) Báo cáo nghiên cứu từ 12 thị trường chủ chốt tại châu Á – Thái Bình Dương của JLL mới đây cho thấy, nhu cầu văn phòng linh hoạt, bao gồm không gian làm việc chung (coworking) và văn phòng dịch vụ đang phát triển nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới: tăng 35,7% mỗi năm so với 25,7% tại Mỹ và 21,6% ở châu Âu.
Diện tích sàn đã tăng 150% trong giai đoạn 2014 - 2017. Ảnh: Thành Nguyễn. Diện tích sàn đã tăng 150% trong giai đoạn 2014 - 2017. Ảnh: Thành Nguyễn.

Bùng nổ từ sự hậu thuận của các chính phủ 

Ngoài nhu cầu tăng cao, số lượng nhà điều hành không gian linh hoạt cũng tăng gấp đôi và diện tích sàn tăng lên tới 150% giai đoạn 2014 - 2017.

Nguyên nhân của sự tăng trưởng mạnh mẽ này đến từ sự hỗ trợ từ chính phủ của các nước khi khuyến khích mô hình khởi nghiệp nhằm bù đắp vào sự tăng trưởng chậm chạp trong các ngành công nghiệp truyền thống như sản xuất và cung cấp các nguồn lực tài chính và hỗ trợ cho các công ty nhỏ. Một điểm chung nữa, phần lớn các nhà khởi nghiệp chọn không gian coworking.

Chẳng hạn tại Singapore, chính phủ đảo quốc đã hỗ trợ phát triển các địa điểm linh hoạt như JTC LaunchPad, nơi hội tụ các nhà khởi nghiệp công nghệ.

Còn tại New South Wales, chính phủ nước này đã xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp Sydney, một khu công nghệ cao với diện tích 17.000 m2 phục vụ cho các nhà khởi nghiệp đầy tham vọng.

Nhật Bản cũng đã đề xuất các hướng cải cách để cải thiện cân bằng cuộc sống và năng suất làm việc đồng thời khuyến khích các công ty trong nước tìm hiểu những cách làm việc linh hoạt hơn.

“Đến năm 2030, không gian linh hoạt sẽ chiếm 30% trên tổng các hạng mục đầu tư bất động sản thương mại toàn cầu. Mặc dù mô hình đầu tư này vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, nhưng khu vực này hội tụ đầy đủ các yếu tố cho sự bùng nổ của coworking”, bà Susan Sutherland, Giám đốc Thị trường JLL châu Á - Thái Bình Dương nhận xét.

Vẫn còn rào cản 

Nhu cầu thuê và thay đổi văn phòng trong thời gian ngắn cũng là những yếu tố khiến cho nhiều doanh nghiệp không ngần ngại quyết định chọn không gian linh hoạt. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng khuyến khích sự kết nối giữa các nhân viên và không gian linh hoạt, chính là một cách để thúc đẩy sự đổi mới thông qua những buổi chia sẻ về ý tưởng mới và cách làm việc.

Đến năm 2030, không gian linh hoạt sẽ chiếm 30% trên tổng các hạng mục đầu tư bất động sản thương mại toàn cầu. 

Stephen Wyatt, Tổng giám đốc tại Việt Nam của JLL nhận định: "Không gian linh hoạt không chỉ đem lại môi trường làm việc năng động cho giới trẻ, mà còn giúp giảm chi phí vận hành văn phòng và nguồn lực. Không gian linh hoạt có giá thuê thấp hơn, nhiều tiện nghi hơn so với văn phòng truyền thống cho các doanh nghiệp trẻ”.

“Một số công ty thậm chí đã bắt đầu xây dựng coworking nội bộ, hoặc kết hợp các tính năng của không gian linh hoạt vào văn phòng hiện hữu để làm cho môi trường làm việc năng động hơn. Điều này giúp xây dựng văn hóa cộng đồng và có thể ở một khía cạnh khác là thu hút và giữ chân các tài năng trẻ”, bà Sutherland cho biết.

Mặc dù có được mức tăng trưởng nhanh, mạnh mẽ như vậy, nhưng không gian linh hoạt cũng gặp phải những rào cản nhất định. Các tập đoàn lớn vẫn muốn giữ lại bản sắc thương hiệu và văn hóa cũng như nhu cầu bảo vệ dữ liệu và bảo mật cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của họ. Các chuẩn mực văn hóa cũng có thể ảnh hưởng đến việc áp dụng không gian linh hoạt trong khu vực.

“Với văn hóa doanh nghiệp phân cấp ở châu Á sẽ khó áp dụng vào coworking, nên nhà điều hành cần phải thích nghi với các sở thích văn hóa để đảm bảo sự chuyển tiếp mượt mà hơn, giúp làm việc linh hoạt cho một số doanh nghiệp ”, bà Sutherland nhận định.

Nguyễn Thành

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục