Đấu tranh ở chung cư, cư dân cần thạo luật

(ĐTCK) Gần đây, một số cư dân chung cư trên địa bàn TP.Hà Nội đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra mời lên làm việc. Động thái này một lần nữa cho thấy sự cần thiết am hiểu pháp luật của người dân?
Đấu tranh ở chung cư, cư dân cần thạo luật

Vì sao Cơ quan Cảnh sát điều tra vào cuộc?

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư dự án này là ở chỗ xác định diện tích chính xác của các căn hộ. Theo đó, một số cư dân đã tố chủ đầu tư bớt xén, giao căn hộ thiếu diện tích... Vụ việc này được cư dân đưa lên mạng xã hội và một số trang thông tin khác, kèm theo đó là những lời nói, theo chủ đầu tư là không đúng sự thật, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng đến họ (cả ở trên group kín của cư dân và dự án khác).

Cho rằng điều này đã ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, tình hình kinh doanh của mình, chủ đầu tư đã nhờ cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ hành vi đưa các thông tin được cho là bịa đặt, không khách quan, vu khống, bôi xấu doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, một đại diện chủ đầu tư khẳng định: “Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra mời các cư dân lên làm việc hoàn toàn không liên quan đến những phàn nàn về diện tích căn hộ hay các vấn đề khác như một số lời đồn đoán. Mục đích cuộc gặp là để điều tra, làm rõ thông tin bịa đặt, vu khống, bôi nhọ uy tín, hình ảnh, gây thiệt hại cho chủ đầu tư”.

Về vấn đề diện tích, vị đại diện này cho biết, trong hợp đồng mua bán căn hộ có ghi rất rõ: “Bên B (khách hàng - PV) có quyền yêu cầu bên thứ ba (là một đơn vị tư vấn có chức năng đo đạc độc lập) để xác định lại diện tích sử dụng căn hộ thực tế với chi phí bên B chịu”. Đây là quy định được Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thẩm định và yêu cầu các chủ đầu tư đưa vào hợp đồng mua bán như là nguyên tắc để bảo vệ người tiêu dùng.

Vị này cũng cho biết thêm, trong trường hợp số đo giữa hai đơn vị đo đạc có sự khác biệt, chủ đầu tư sẽ thu xếp cho các đơn vị này ngồi lại với nhau và thống nhất trên nguyên tắc phù hợp với hợp đồng mua bán và pháp luật để chốt số liệu cuối cùng. Tuy nhiên, một số cá nhân lại không thực hiện theo cách thức nêu trên, mà đăng những thông tin thất thiệt, không đúng sự thật về sự việc trên mạng xã hội, trên các trang thông tin để gây sức ép với chủ đầu tư.

“Trước việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu và hình ảnh dự án, “cực chẳng đã” chúng tôi mới phải nhờ cơ quan chức năng vào cuộc để bảo vệ mình”, đại diện chủ đầu tư cho biết.

Đấu tranh sai cách, liệu cư dân có vướng lao lý?

Đây không phải là lần đầu tiên các cơ quan chức năng phải vào cuộc trong cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Trước đó, một số cá nhân cũng đã bị Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Hà Nội (PC50) mời lên làm việc trước nghi vấn bôi nhọ uy tín, thương hiệu lãnh đạo một doanh nghiệp ngành giáo dục.

Theo Điều 122, Bộ Luật hình sự: Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức có thể thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 - 10 triệu đồng”.

Câu chuyện phản đối của nhiều người dân chưa biết sẽ có kết quả ra sao, nhưng nếu cơ quan chức năng có đủ các bằng chứng cho thấy, việc bôi nhọ, hạ thấp uy tín hoặc vu khống chủ đầu tư là có thật, rất có thể, những người dân này  sẽ nhận phải những phiền toái, mệt mỏi vì việc đấu tranh sai cách.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Nguyễn Thành
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục