“Khoảng trống” bảo hiểm thủy sản

(ĐTCK) Thiệt hại to lớn đối với diện tích nuôi trồng thủy sản (con tôm) ở Cà Mau thời gian vừa qua lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về sự cần thiết và cấp bách phải có một “tấm lá chắn” cho nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng.
Với chi phí bồi thường hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng, bảo hiểm chính là “tấm lá chắn” của ngành thủy sản Với chi phí bồi thường hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng, bảo hiểm chính là “tấm lá chắn” của ngành thủy sản

Thực tế, bảo hiểm nông nghiệp từng là “tấm lá chắn” cho những ngành trên với chi phí bồi thường, san sẻ rủi ro hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng, đặc biệt đối với bảo hiểm thủy sản. Tuy nhiên, sau một thời gian thí điểm triển khai, do có quá nhiều vấn đề phát sinh, nên các hãng bảo hiểm phải ngưng bảo hiểm cho thủy sản.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện Bảo hiểm Bảo Minh cho biết, trước đây Bảo Minh đã từng tham gia bảo hiểm cho nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tại Cà Mau theo chương trình Thí điểm bảo hiểm  nông nghiệp của Nhà nước. Tuy nhiên, từ năm 2013, Bảo Minh đã không còn triển khai bảo hiểm thủy sản theo chương trình này và cũng tạm ngưng việc nghiên cứu triển khai bảo hiểm thủy sản theo chương trình thương mại.

Về nguyên nhân của việc ngừng triển khai bảo hiểm thủy sản, Đầu tư Chứng khoán trước đó đã có nhiều bài phân tích. Cụ thể, theo các chuyên gia trong ngành, chính sách đối với loại hình bảo hiểm phức tạp này cần tiếp tục hoàn thiện, bởi sau khi thẩm định, doanh nghiệp bảo hiểm đã nhận thấy nguy cơ rủi ro quá lớn.

Theo các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, thủy sản và cụ thể là con tôm phải được nuôi đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo chất lượng và tránh phát sinh dịch bệnh… Đây cũng là cơ sở chính yếu để cấp hợp đồng bảo hiểm và giải quyết bồi thường về sau. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định, doanh nghiệp bảo hiểm nhận thấy có những trường hợp nuôi tôm không đúng quy trình kỹ thuật, nên đã  từ chối cấp hợp đồng bảo hiểm.

Chẳng hạn, theo quy trình, mỗi năm chỉ được nuôi 2 vụ: vụ 1 thả giống từ tháng 1 đến tháng 5, vụ 2 thả giống từ tháng 10 đến tháng 12, nhưng một số hộ nuôi tôm tại khu vực doanh nghiệp nhận bảo hiểm thả nuôi vụ 2 vào trước tháng 5 (tức trong thời gian thả vụ 1). Việc nuôi trồng không theo quy trình sẽ rất nguy hiểm khi mầm mống dịch bệnh vẫn còn, làm tăng rủi ro không chỉ cho chính hộ nuôi tôm đó, mà còn ảnh hưởng đến vùng nuôi tôm chung. Không những thế, việc này còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đánh giá rủi ro của các công ty bảo hiểm trước khi nhận bảo hiểm.

Theo các chuyên gia trong ngành, bảo hiểm hiểm nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng đối với Việt Nam là vô cùng cần thiết, bởi Việt Nam là nước sản xuất các mặt hàng nông-thủy sản lớn. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, muốn triển khai bảo hiểm các ngành này một cách thành công, thì không thể không có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là ở những giai đoạn đầu, vì bảo hiểm nông nghiệp đối với cây trồng hay thủy sản là loại hình bảo hiểm khá đặc thù, rủi ro cao.

Tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, hiện nay, một số doanh nghiệp bảo hiểm vẫn triển khai  bảo hiểm thương mại đối với cây trồng, nhưng đây cũng không phải là nghiệp vụ trọng tâm và việc nhận bảo hiểm cũng được kiểm soát khá chặt chẽ.

Trong khi đó, đối với bảo hiểm thủy sản (tôm, cá), đại diện một công ty bảo hiểm cho biết, bảo hiểm thủy sản vẫn có thể được các doanh nghiệp bảo hiểm bán thương mại, các hộ nuôi trồng tự nguyện mua bảo hiểm, tất nhiên với điều kiện các hãng bảo hiểm và các hộ kinh doanh nuôi trồng thủy sản phải đạt được những thỏa thuận về quản lý rủi ro và quy trình nuôi trồng… để có thể triển khai.

Do việc nuôi trồng thủy sản thường gặp rủi ro, nên bảo hiểm cho loại hình này cũng phải được định phí sao cho tương ứng với mức độ rủi ro đó. Có thể thấy, mức phí bảo hiểm cao và phải nuôi trồng theo những quy tắc nhất định sẽ giúp kiểm soát được rủi ro và hạn chế được tổn thất cho cả người dân và doanh nghiệp bảo hiểm. Vấn đề là sau thời gian thí điểm, vì thua lỗ và có quá nhiều vấn đề phức tạp, liệu các hãng bảo hiểm có còn mặn mà trong việc tiếp tục triển khai loại hình bảo hiểm này không? Đây là vấn đề không dễ giải quyết trong thời gian ngắn. Chính vì vậy, bảo hiểm cho các hộ nuôi trồng thủy sản hiện vẫn còn là “khoảng trống”.   

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục